• Zalo

Cậu bé với ước mơ phát triển dự án Crowd Microfinance

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Sáu, 29/12/2017 16:19:00 +07:00 Google News

Trong những ngày cuối năm bận rộn, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với Lê Trung Kiên, học sinh Trường Hà Nội Amsterdam, để nghe cậu học sinh đầy tài năng chia sẻ về nhưng ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ khi phát triển dự án Crowd Microfinance..

- Chào Kiên, em có thể chia sẻ một chút về việc học tập và các dự án do em đang sáng lập được không?

Công việc học tập tại trường của em vẫn tốt. Em vừa hoàn thành buổi dạy “Chơi mà Học" tiếp theo của Econkids Việt Nam ở Làng trẻ SOS, Hà Nội. Trong khi đó vẫn đang gấp rút kế hoạch phát triển dự án Crowd Microfinance.

- Crowd Microfinance - tên nghe lạ quá, với dự án này, em sẽ thực hiện những gì vậy Kiên?

Đây là dự án Tiểu tín dụng, hay còn gọi là Vi tín dụng dành cho người có thu nhập thấp, vay tiền để tự kinh doanh. Hiện ở Việt Nam các nước phát triển, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển ADB và nhiều tổ chức phi chính phủ khác đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều.

Những người nghèo đi vay không cần thế chấp, họ được cho vay khoản tiền nhỏ để tự doanh. Điểm đặc biệt của hình thức cho vay này là bên cho vay còn hỗ trợ chuyên môn để người nghèo sử dụng đồng tiền tín dụng một cách hiệu quả nhất.

anh 1

Lê Trung Kiên đang khởi động dự án Crowd Microfinance 

- Hình thức cho vay này khá thiết thực, bà con vùng sâu vùng xa hoặc những người còn khó khăn có thể tự lập được tài chính. Vậy “Crowd” trong dự án có nghĩa là gì?

Đây là điểm khác biệt lớn trong dự án này. Hiện tại các chương trình Microfinance đều do những tổ chức rất lớn đứng ra quản lý. Lợi thế là họ có vốn, có bề dày kinh nghiệm làm các dự án này trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bất lợi là dù có lớn, nguồn lực của các tổ chức này bị hạn chế. Việc quyên góp tiền của họ có thể gặp khó khăn. Nếu Mỹ, Nhật hay các cường quốc châu Âu bị khủng hoảng kinh tế, hay chính sách ngoại giao thay đổi, quỹ của các tổ chức này sẽ thay đổi theo. Hơn nữa, số lượng chuyên gia là có hạn, họ chỉ có hàng chục, hàng trăm nhân viên làm ở Việt Nam, chứ không thể có hàng nghìn, hàng triệu nhân viên được.

Sau khi làm  khảo sát sơ bộ, em nhận ra rằng Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi mô hình này và xây dựng ra mô hình riêng cho chúng ta. Mỗi năm trung bình mỗi người dân Việt Nam làm từ thiện 9-10 lần. Làm một phép toán khiêm tốn, nếu 1/20 dân số Việt Nam đóng góp 200.000 đ/năm, chúng ta đã có quỹ mỗi năm là 1.000.000.000.000 đồng, tức là 1.000 tỷ đồng mỗi năm, hay trên 43 triệu đô la Mỹ. Đó là chưa kể rất nhiều những doanh nhân hào phóng, những công ty lớn muốn đền đáp lại tình thương của người tiêu dùng. Nếu làm tốt, mỗi năm quỹ có thể thu hút được cả tỷ đô la Mỹ.

Dự án cũng có thể kêu gọi đóng góp hảo tâm của các cá nhân nước ngoài trên các trang quyên góp quốc tế. Em đặt mục tiêu kết thúc 5 năm đầu tiên, mỗi năm quỹ sẽ đạt 1 tỷ đô la Mỹ. Sau đó có thể cao hơn nhiều.

anh 2

 Mục tiêu trong 5 năm đầu tiên của Crowd Microfinance sẽ đạt 1 tỷ USD

Điểm khác biệt của dự án, điều em tâm huyết nhất, là chúng ta có thể tự lực trên đôi chân của mình. Cái khó của làm Tiểu tín dụng nhiều khi không phải là tiền, mà là kiến thức kinh doanh, khả năng nắm bắt thị trường trong và ngoài nước để phát triển. Người Việt ta hay nói cái cần câu quan trọng hơn con cá là vậy. Em đặt mục tiêu dự án này phải giúp người vay nâng cao kiến thức kinh doanh, tối ưu hoá giá trị sản phẩm mình có, để có thể vươn ra thị trường xa hơn, không chỉ trong nước mà vươn ra cả quốc tế.

Em lấy một vài ví dụ cụ thể. Hiện giờ tình trạng an toàn thực phẩm khiến người dân thành phố đau đầu hàng ngày. Trong khi đó những người dân ở miền xa có những đặc sản tuyệt vời. Thực phẩm sạch, cách chế biến độc đáo,  như: Thịt trâu gác bếp, gà thả vườn, cá suối… Hiện tại họ chỉ tự cung tự cấp, chưa có hệ thống phân phối hoặc bán số lượng lớn. Nếu chúng ta có một hệ thống kết nối tốt, họ có thể thu bắt, chế biến, rồi hàng ngày gửi  tới thành phố. Hàng tươi ngon và an toàn thực phẩm bậc nhất.

Cái những người dân nghèo thiếu nhất là sự nhanh nhạy thị trường, thiếu thông tin kinh doanh. Đó là điều mà dự án của em phải giải quyết được. Crowd Microfinance sẽ tập hợp những cá nhân, tổ chức tâm huyết, đóng góp sáng kiến, thời gian, để giúp người nghèo lập và thực thi những kế hoạch kinh doanh đơn giản, thiết thực với điều kiện họ có. Một khi những người được giúp đỡ thành công, họ lại quay sang giúp đỡ những người khó khăn hơn. Cứ như vậy dự án sẽ nhân rộng ra, cải thiện đời sống cho rất nhiều bà con vùng sâu vùng xa.

- Em mất bao nhiêu thời gian để lên ý tưởng và cá nhân em đánh giá thế nào về tính khả thi của dự án?

Em đã ấp ủ dự án hơn 1 năm nay. Dự án rất lớn và choáng ngợp nhưng em thấy mình cần phải làm. Bước đầu em cần một ít vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng online, vì em muốn làm dự án ở quy mô toàn Việt Nam và ra cả thế giới, nên nền tảng online là rất cần thiết. Em cũng cần thiết lập một nhóm chuyên gia nguồn ban đầu, để có thể nhân rộng dần ra. Cần xây dựng cơ chế tuyển chọn người giúp đỡ ở giai đoạn đầu.

Khó khăn và trở ngại lớn nhất của em trong giai đoạn này là em chưa đủ tuổi thành niên nên không thể đứng ra làm dự án tài chính lớn và em vẫn đang trao đổi tìm kiếm cá nhân, tổ chức có thể đỡ đầu cho dự án.

Em còn non nớt nhiều thứ, nhưng cứ mỗi lần gặp khó lại thấy cần phải làm bằng được. Quan điểm của em là “Cứ đi là sẽ tới anh ạ”.

Em rất tin tưởng vào Việt Nam, mảnh đất anh hùng đã khiến cả thế giới kinh ngạc. Chúng ta đã giành được độc lập chủ quyền. Những người trẻ như chúng em giờ phải có nhiệm vụ giành độc lập trên mặt trận kinh tế nữa.  

Em rất mong được nhận nhiều sự ủng hộ, đóng góp ý kiến qua email: [email protected].

- Cám ơn Kiên, chúc em sẽ gặt hái được nhiều thành công và dự án Crowd Microfinance sẽ thuận lợi trong quá trình thực hiện!

Nhã Phương
Bình luận
vtcnews.vn