• Zalo

Cậu bé hai tay cử động như một

Thời sựChủ Nhật, 12/10/2014 12:12:00 +07:00Google News

"Có lần khác, tay trái con cầm bật lửa, tay phải cầm cốc nước, tôi bảo con bỏ bật lửa ra thì con buông cả hai tay, cốc nước vỡ tan"

Đến tuổi đi học, Đạt không thể cầm bút viết. Vợ chồng anh Định mang con đi khám đông y, nhưng vẫn không tìm ra bệnh.

"Tay phải con chỉ hướng đông thì tay trái chỉ hướng tây. Tôi đùa, có khi sau này nó là cao bồi miền Tây, bắn súng 2 tay được. Có lần khác, tay trái con cầm bật lửa, tay phải cầm cốc nước, tôi bảo con bỏ bật lửa ra thì con buông cả hai tay, cốc nước vỡ tan", anh Tạ Văn Định (50 tuổi, ở làng Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) kể lại hiện tượng lạ của con.

Cử động hai tay như một


Hai tay cùng cử động như một là hiện tượng hiếm gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Vì vậy mà ngay từ khi còn nhỏ, Tạ Triệu Quốc Đạt (8 tuổi, trú tại thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội) trở thành trung tâm bàn tán của người dân nơi đây khi hai tay của cậu bé cứ cử động như một.

Anh Tạ Văn Định - bố của Đạt - cho biết, từ lúc sinh ra, cháu đã có biểu hiện như vậy, song gia đình không nghĩ là bất thường. Một lần, năm lên 3 tuổi, tay phải Đạt cầm cốc nước, tay trái cầm bật lửa, anh Định bảo con thả bật lửa ra thì cậu bé thả cả 2 tay làm vỡ cốc nước.

"Tay phải con chỉ hướng đông, thì bên kia tay trái chỉ hướng tây. Tôi đùa, có khi sau này nó là cao bồi miền Tây, bắn súng 2 tay được. Con dùng tay phải xúc cơm ăn thì tay trái cũng phải có thìa xúc cơm cùng, bảo con bỏ ra thì con buông cả hai tay.

Trong bất cứ hoạt động gì của con, hai tay đều phải cử động đồng thời giống hệt nhau. Hồi ấy, tôi cũng thấy đó là sự lạ, đem hỏi mọi người trong làng thì nhiều người bảo, thằng bé hiếu động nên thế, lớn lên khắc hết. Thế nhưng khi lên 3 tuổi, 4 tuổi mà cháu vẫn như vậy, thì tôi thật sự rất lo lắng”, anh Định nói.
Cử động hai tay như một, huyện Quốc Oai, Hà Nội
Anh Định kiên trì cùng con tập luyện để cải thiện tình trạng hai tay hoạt động như một.  

Nghi con bị teo cơ delta, hai vợ chồng anh đưa con xuống viện kiểm tra, bác sĩ kết luận cháu Đạt không bị teo cơ, kiểm tra cả não nhưng cũng không có vấn đề gì, không có bệnh nên không có thuốc chữa. Càng lớn, đôi tay của Đạt càng mảnh khảnh, yếu ớt. Xương cánh gà nhô cao bất thường, còn hai khuỷu tay khi khuỳnh ra sau lưng có thể chạm vào nhau, điều mà người bình thường không thể làm được.

Đến tuổi đi học, Đạt không thể cầm bút viết. Vợ chồng anh Định mang con đi khám đông y, nhưng vẫn không tìm ra bệnh.

"Một bác sĩ đông y bảo con tôi bị như vậy là do vợ chồng tôi đẻ muộn, khi ấy tôi 43 tuổi còn vợ 37 tuổi, cha già thì con cọc nên mới vậy. Tôi cũng hoang mang và buồn lắm vì mãi mới có mụn con mà con lại không bình thường như những đứa trẻ khác cùng trang lứa.

Vợ tôi cũng khóc lóc nhiều lắm, lo lắng cả ngày lẫn đêm. Nhìn vợ và con, nhiều lần tôi cũng không kìm được nước mắt. Từ đó, tôi mang con về tự tập luyện. Tôi quyết cùng con cứu lấy đôi bàn tay nhỏ nhắn, yếu ớt của cháu", anh Định cho biết.

Cô Nguyễn Thị Thảo - giáo viên chủ nhiệm lớp 1 của Đạt - cho hay: "Trong cuộc đời 24 năm dạy học sinh cấp 1, tôi chưa từng gặp trường hợp nào kỳ lạ như em Đạt".

Theo cô, vào lớp 1 mà Đạt không biết cầm bút viết. Khi tay phải đưa lên, tay trái cũng làm động tác y hệt. Cô Thảo nhắc nhở, Đạt lúng túng một lúc mới điều khiển được tay trái bỏ xuống. Lúc lên bảng cũng tương tự, tay phải cầm thước kẻ, tay trái cũng giơ lên làm theo.

Ngoài ra, tay Đạt còn yếu ớt, chữ viết chậm, xấu và rất mờ. Cô Thảo bỏ công dìu dắt Đạt cả trên giờ học lẫn giờ ra chơi, tới cuối học kỳ 1, em mới viết được chữ. Ngoài ra, theo cô Thảo, tác phong, nhận thức của Đạt cũng chậm hơn so với các bạn đồng trang lứa.

Gian nan luyện cho con đôi tay như bình thường

Khi thấy con trai có những biểu hiện không bình thường và càng lớn càng trầm trọng, vợ chồng anh Định ăn không ngon, ngủ không yên. Vợ chồng anh lo nhất là đến tuổi đi học, con không thể viết được bình thường như chúng bạn.

Các ngón tay của Đạt mềm nhũn, cứ cầm đến bút là run rẩy. "Cháu lúc nào cũng phải có 2 quyển vở để mỗi tay một quyển. Tay phải viết chữ o, tay trái cũng ngoằng ra quả trứng, tay trái đặt thước kẻ thì tay phải cũng buông bút, để tay như đang đặt thước kẻ….

Việc học viết của con vô cùng khó khăn, vất vả. Từ đó, 2 vợ chồng tôi đã xây dựng ý thức cho con rằng, con thiệt thòi hơn các bạn, hai tay có tật nên phải luyện tập thường xuyên để lớn lên có thể tự lập. Vợ chồng tôi cũng nói với nhau phải cùng con, giúp con cải thiện tình hình này bằng tất cả những gì có thể", anh Định kể.

Vậy là hai cha con anh Định bắt đầu tập luyện từ khi Đạt 3 tuổi. Hàng ngày, cứ rảnh rỗi là anh nắn, bóp tay cho con. Anh giơ hai tay con lên rồi đặt xuống, cứ làm như vậy cho tới khi tay hai bố con cùng mỏi mới thôi. Hôm sau, anh Định lại tập cho con như vậy.

Khi Đạt lên 5 tuổi, tay của Đạt đã khá hơn chút ít. Lúc này, anh Định tiếp tục tập tay cho con bằng cách kéo dây chun nhằm tăng lực tay. Ban đầu, Đạt thường kéo, thả 2 bên dây cùng lúc, anh Định phải cầm và kéo dây cùng con cho tới khi Đạt kéo quen tay.

“Đến năm 6 tuổi, tôi cho con tập kéo xà, xách nước. Nước thì xách từ can 3 lít lên 5 lít, nâng lên đặt xuống như tập tạ. Còn lên xà thì tôi giúp cháu nâng người lên hạ người xuống vì lực tay cháu quá yếu không thể tự làm một mình được.

Khi con đến tuổi đi học, tôi cũng nhờ cô giáo chú ý giúp tới trường hợp đặc biệt của cháu, trong khi ở nhà, vợ tôi phải ghìm chặt tay trái để cháu không cử động theo tay phải”, anh Định kể. Ngoài việc luyện tập thể dục, anh Định còn truyền khí công, dạy con tập ngồi thiền, luyện khí công.

Anh Định nói: “Tôi tìm hiểu và biết được khí công có thể chữa bệnh nên đã âm thầm theo học. Sau một thời gian dài luyện tập nhiều loại khí công khác nhau như quan âm chưởng, thất sơn, dịch chân kinh, phép luân công, dưỡng sinh, cảm thấy đã có đủ năng lực để chữa bệnh cho con, tôi bắt đầu khai mở huyệt đạo và truyền năng lượng cho cháu khi cháu được 5 tuổi.

Thấy cháu ăn ngủ tốt hơn, cân nặng vừa tầm, 2 cánh tay từ không đóng được cúc áo, viết chữ chậm chạp, đến nay đã tự cài cúc, tự xúc cơm ăn, viết nhanh hơn, tôi tin rằng, phương pháp này có hiệu quả và quyết định tiếp tục duy trì, ít nhất là cho đến khi cháu khỏe hẳn”.

Anh Định cho biết, những môn khí công mà anh vận dụng để truyền năng lượng cho cháu Đạt không làm cháu đau đớn hay mệt mỏi gì và anh có thể truyền năng lượng, mở huyệt đạo khi cháu đang ngủ. Sau thời gian dài luyện tay cho con, từ chỗ viết như giun bò, đến nay học lớp 2, chữ viết của Đạt đã khá lên rất nhiều, tuy vẫn còn chậm hơn so với các bạn.

Bây giờ, hai tay Đạt cũng không còn cử động cùng một lúc nhiều như trước. Lúc viết bài để ý kỹ mới thấy cháu máy tay trái theo tay phải. So với khi phát hiện ra bệnh, hiện tại, tình trạng của Đạt đã cải thiện được khoảng 80 - 90%, vì thế vợ chồng anh Định rất phấn khởi, tin tưởng một ngày không xa bệnh của con sẽ khỏi hoàn toàn.

Cũng từ đây, tiếng anh Định chữa bệnh thành công cho con bằng phương pháp đặc biệt lan rộng khiến nhiều người đổ xô tới nhờ anh khám, chữa bệnh. Có thể thấy, việc anh Định kiên trì tập luyện cho cháu Đạt thuyên giảm bệnh tật là điều hoàn toàn có thể lý giải được.

Quá trình luyện tập cơ tay của cháu, cộng thêm sự kiên trì từ gia đình đã làm tình trạng của cháu chuyển biến. Còn việc anh Định cho rằng bệnh tình của cháu Đạt tiến triển tốt hơn nhiều do được truyền năng lượng, mở huyệt đạo tới nay vẫn chưa có cơ sở khoa học để xác định.

 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tượng vận động cùng lúc cả hai tay như cháu Đạt mắc phải là căn bệnh hiếm gặp và hiện chưa có cách gì có thể điều trị dứt điểm. Hiện tượng này được gọi là “khủng hoảng hoạt động mang tính phản chiếu”. Điều này có thể hiểu là khi hoạt động của bên tay phải diễn ra thì tay trái hoạt động giống hệt và ngược lại. Các hoạt động của tay trái phản chiếu lại hoạt động của tay phải như có một chiếc gương đặt ở giữa cơ thể. Các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Montreal, Canada là những người đầu tiên phát hiện và nghiên cứu về dạng khủng hoảng kỳ lạ này. Nó có thể xuất hiện ở tay, chân, hoặc toàn bộ cánh tay của người bệnh. Nguyên nhân căn bệnh xuất phát từ đột biến gen đã khiến cho quá trình tạo protein trong cơ thể bị đảo lộn. Cơ thể thiếu một protein nào đó trong não bộ. Đây chính là nguyên nhân tác động trực tiếp đến hoạt động truyền tín hiệu trong não, đặc biệt là hoạt động truyền tín hiệu của phần não trái. Từ đó dẫn tới khiếm khuyết trong việc ra lệnh của não trái, cũng như sự điều khiển của các bán cầu não đối với phần cơ thể bên phải và bên trái. 

Theo LĐ

Bình luận
vtcnews.vn