• Zalo

'Cắt tai, mài vỏ' bình gas: Ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp và tính mạng người tiêu dùng?

Thời sự Thứ Năm, 05/10/2017 16:02:00 +07:00Google News

Trong khi các công ty gas làm ăn chân chính bị thiệt hại hàng tỷ đồng vì bị công ty khác chiếm dụng, làm giả vỏ bình gas, người tiêu dùng hoang mang thì các cơ quan chức năng vẫn loay hoay với việc ''lắng nghe các bên'' mà không đưa ra được những biện pháp giải quyết cụ thể với lộ trình rõ ràng.

Video: Kẻ nào "cắt tai, mài vỏ'' bình gas, coi thường tính mạng người tiêu dùng?

Chiều 4/10, dù trời Hà Nội mưa lớn song không khí tại phòng họp tầng 2 của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) ở số 91 Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm) không vì thế mà dịu đi. Cuộc họp được hâm nóng dần lên với những phát biểu xung quanh việc ''cắt tai, mài vỏ'' bình gas đang gây xôn xao dư luận.

Đây là lần đầu tiên giữa các bên liên quan (gồm đại diện Cục quản lý thị trường Bộ Công thương, đại diện Bộ Công an, đại diện Quản lý thị trường các tỉnh/thành như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, đại diện các công ty gas bị ‘đánh cắp’ vỏ bình) ngồi lại để đối thoại với nhau với hi vọng tìm được tiếng nói chung để tìm ra biện pháp giải quyết.

Phát biểu mở đầu, đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho hay, thời gian gần đây trên phương tiện truyền thông đưa tin về tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng chiếm dụng trái phép vỏ bình của các doanh nghiệp uy tín. Trong đó có nhiều chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG) bị chiếm dụng được "cắt tai, mài vỏ'', không được kiểm định và đưa ra thị trường gây mất an toàn về phòng, chống cháy nổ và đe doạ trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng.

Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công thương, Cục QLTT tổ chức cuộc họp để tháo gỡ khó khăn, bàn các giải pháp góp phần bình ổn thị trường gas.

IMG_20171004_144438

 Cuộc họp do Cục QLTT Bộ Công thương tổ chức chiều 4/10 tại Hà Nội.

Đại diện Công ty TNHH TM Trần Hồng Quân, đơn vị có vỏ bình gas bị công ty khác hủy hoại, làm giả lên tiếng, công ty này đã bị Công ty CP Hải Dương Gas, địa chỉ tại Đường đi Phà Mây, thôn Cộng Hòa, xã Lai Khê, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương có dấu hiệu hủy hoại tài sản hơn 600 vỏ bình gas mang thương hiệu Hồng Hà Gas của Công ty TNHH TM Trần Hồng Quân.

“Tất cả các hành vi thay chân đế, cắt quai xách, mài logo, thay đổi nhãn hiệu, seri, hàn gắn thêm kim loại, tráo đổi van đầu chai, các hành vi trái phép khác nhằm làm thay đổi hình dạng, kết cấu, trọng lượng ban đầu của chai LPG mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu chai LPG đều là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì có thể bị khởi tố và xử lý bằng chế tài hình sự”, đại diện Công ty TNHH TM Trần Hồng Quân nói.

IMG_20171004_145717

Đại diện các bên đều có những tranh luận "nảy lửa'' nhưng vẫn không tìm được tiếng nói chung.

Đại diện Công ty TNHH TM Trần Hồng Quân cho rằng việc Công ty Hải Dương Gas chiếm giữ, bán vỏ bình gas mang thương hiệu Pertro Hồng Hà của chủ sở hữu khác và tự ý tháo van bình gas của chủ sở hữu khác là vi phạm quy định của pháp luật và có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

“Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí (“Nghị định số 67”) và thậm chí có thể bị khởi tố để xem xét xử lý về mặt hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính mà vẫn tái phạm”, vị đại diện này viện dẫn.

Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp, ông Ngyễn Đắc Lộc, Chi cục phó Chi cục QLTT TP Hà Nội cho rằng việc các công ty khác thu mua lại vỏ bình gas và sau đó thay đổi hình dáng để đựng gas của mình là không phạm luật và các công ty có vỏ bình không có cơ sở để khởi kiện.

“Khi các công ty gas bán gas bao gồm cả vỏ bình cho người tiêu dùng có hợp đồng không? Không có. Có điều khoản quy định nào ràng buộc nói rõ người tiêu dùng sau khi dùng hết gas thì phải bán lại hoặc nộp lại vỏ bình cho công ty gas không? Hoàn toàn không. Vậy thì vỏ bình gas này thuộc quyền sở hữu của người tiêu dùng nên việc họ bán hay đổi lại cho ai, người đó mua và sử dụng vào mục đích gì là quyền của họ”.

Cũng theo ông Lộc, câu chuyện sang tên, đổi vỏ bình gas là “câu chuyện nội bộ” giữa các công ty gas với nhau, thực tế đã “âm ỉ từ nhiều năm nay” và gây làm phiền toái cho các cơ quan chức năng vì các công ty này đã không tự giải quyết được với nhau.

“Phản pháo” lại phát biểu của đại diện Chi cục QLTT TP Hà Nội, đại diện Công ty TNHH TM Hồng Quân viện dẫn: Theo quy định tại Khoản 15 Điều 3 Nghị định số 19/2016/NĐ-CP ngày 22/3/2016 của Chính phủ quy định về quản lý kinh doanh khí (“Nghị định số 19”) thì: “Chủ sở hữu chai LPG là thương nhân kinh doanh LPG đầu mối. Chai LPG phải có đủ hồ sơ do nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu cung cấp, có nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký theo quy định”.

Theo đó, trong mọi trường hợp, khi chai LPG lưu thông trên thị trường thì vẫn thuộc sở hữu của thương nhân kinh doanh LPG đầu mối. Các tổng đại lý, đại lý kinh doanh LPG, người sử dụng chỉ được mượn chai LPG và phải trả một khoản tiền ký cược nhằm đảm bảo trả chai LPG cho thương nhân kinh doanh LPG đầu mối theo quy định tại Khoản 22 Điều 3 Nghị định số 19 và thương nhân kinh doanh khí có trách nhiệm hoàn trả tiền ký cược chai LPG cho Khách hàng khi không còn nhu cầu sử dụng theo quy định tại Khoản 12 Điều 46 Nghị định số 19.

Đồng tình với ý kiến của công ty bị “đánh tráo” vỏ bình gas, ông Đoàn Trọng Thà, phụ trách Pháp chế (Hiệp hội Gas Việt Nam) khẳng định: Hành vi mài cắt, thay đổi hình dáng vỏ bình gas của công ty khác rồi dùng làm vật đựng sản phẩm gas cho công ty mình để bán ra thị trường là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải được xử lý nghiêm vì lợi ích của doanh nghiệp cũng như bảo vệ tính mạng của người tiêu dùng.

Có mặt tại cuộc họp, ông Jimba Kentaro – Tổng giám đốc Anpha Petrol bày tỏ sự lo lắng trước hiện tượng nhiều chai LPG bị chiếm dụng được cắt tai, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường gây mất an toàn về phòng, chống cháy nổ và đe doạ trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng.

Vị đại diện người Nhật cho rằng hành vi này sẽ khiến người tiêu dùng lo ngại và sẽ không dám sử dụng bếp gas mà sẽ chuyển sang sử dụng bếp điện. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh, lợi ích của các công ty đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

“Chúng tôi muốn Chính phủ, cơ quan chức năng Việt Nam cần phải vào cuộc và có câu trả lời rõ ràng về biện pháp giải quyết cũng như lộ trình cụ thể về vấn đề này”, vị đại diện công ty Anpha Petrol nói.

Đại diện công ty An Dương Gas cũng cho biết: "Chế tài của chúng ta hiện nay chưa đủ mạnh để răn đe. Hành vi 'cắt tai mài vỏ' vừa gây thiệt hại cho doanh nghiệp, lại vừa gây mất an toàn cho người sử dụng bình gas. Một vài vụ xử lý chỉ vài tháng tù treo, rồi phạt vi phạm hành chính, như thế là quá nhẹ. Tôi mong muốn cơ quan chức năng cần phải quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp cũng như của người tiêu dùng, cần phải sớm có những biện pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm vấn đề này."

Phát biểu tổng kết cuộc họp, đại diện Cục QLTT Bộ Công thương cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến các bên để xem xét giải quyết. Song lộ trình cụ thể như thế nào thì đại diện Cục không nói rõ.

Điều này đồng nghĩa với việc trong khi các công ty gas làm ăn chân chính bị thiệt hại nhiều tỷ đồng vì vỏ bình gas của mình bị công ty khác chiếm dụng và làm giả, trong khi người tiêu dùng hoang mang vì sự an toàn tính mạng của mình và gia đình bị đe dọa thì các cơ quan chức năng vẫn loay hoay với việc "lắng nghe các bên" mà không đưa ra được những biện pháp giải quyết cụ thể với lộ trình rõ ràng.

Tuấn Linh
Bình luận
vtcnews.vn