Ngày 26/7, tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) phối hợp với Chi cục quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã đồng loạt kiểm tra một số cửa hàng của hệ thống siêu thị bán đồ bầu, đồ trẻ em thương hiệu Con Cưng tại TP.HCM.
Ngay sau đó, phía Công ty CP Con Cưng đã phản hồi về việc sản phẩm TiTiOne bị dán hai nhãn mác chồng lên nhau và nhiều sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, chưa cung cấp được chứng từ.
Theo thông báo của Con Cưng, do nhiều địa điểm kinh doanh của Công ty Cổ phần Con Cưng bị kiểm tra đồng loạt tại cùng một thời điểm, trong khi chứng từ gốc của mỗi lô hàng chỉ có một bộ duy nhất, nên Con Cưng đã đề nghị phía Chi cục Quản lý thị trường cho phép được nộp và giải trình hồ sơ tại một đầu mối.
Một trong những nghi vấn được nhiều người quan tâm, liệu Con Cưng có cắt mác sản phẩm hay không? Đặc biệt, đối với sản phẩm TiTiOne có nhãn hàng hóa tiếng Việt in trực tiếp trên bao bì sản phẩm có dán miếng giấy ghi nội dung "Sản xuất bởi: Công ty TNHH mỹ phẩm TITIONE" chồng lên thông tin in sẵn nằm dưới có nội dung "Sản xuất bởi Công ty TNHH G&C, địa chỉ văn phòng tại số 413 Đường số 1, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM, Việt Nam".
Trong văn bản phản hồi, Con Cưng khẳng định, sản phẩm TiTiOne được cung cấp bởi Công ty TNHH G&C. Kể từ ngày 24/1/2018, Công ty TNHH G&C đã đổi tên thành Công ty TNHH Mỹ Phẩm TiTiOne.
Việc dán nhãn sản phẩm được thực hiện bởi nhà cung cấp, bao gồm cả trường hợp dán nhãn theo tên của pháp nhân mới (Công ty TNHH Mỹ Phẩm TiTiOne) chèn lên nhãn theo tên của pháp nhân cũ (Công ty TNHH G&C).
XEM LOẠT BÀI LIÊN QUAN TẠI ĐÂY:
>> Chuỗi siêu thị Con Cưng bị nghi thay đổi nhãn mác sản phẩm
>> Kiểm tra gần 70 cửa hàng Con Cưng: Có dấu hiệu gian lận thương mại
>> Công ty Con Cưng lừa người tiêu dùng Việt: Cơ quan chức năng thu giữ hơn 5.000 sản phẩm
Ngoài ra, về vấn đề lỗi nhãn trên sản phẩm bộ quần áo thun bé gái (mã sản phẩm: CF G127011) mà người tiêu dùng cho rằng Con Cưng đã cắt nhãn mác và thay tem nhãn “ngoại” để đánh lừa khách hàng.
Đại diện Con Cưng cho biết, sản phẩm CF G127011 nằm trong lô hàng thuộc Hợp đồng số PO2017OEM49 ký ngày 10/11/2017 giữa Công ty Cổ phần Con Cưng và Nhà sản xuất WWW International Incorporated (Thailand) Co., Ltd, tại Thái Lan và khẳng định rằng, sản phẩm này được đặt hàng sản xuất với đầy đủ bộ nhãn mác CF (Concung Fashion) tại Thái Lan.
Tuy nhiên, qua quan sát và phát hiện, tem nhãn gắn trên sản phẩm bộ thun bé gái (CF G127011) ghi “Made in Thái Lan” nhưng lại không có mã vạch sản phẩm.
Trong khi đó, tem nhãn do Con Cưng đính kèm rời bên ngoài, đều ghi “Made in Thái Lan” nhưng lại có mã vạch và kỳ lạ mã vạch này thể hiện xuất xứ ở… Mỹ. Theo nhiều chuyên gia, khả năng đây là mã sản phẩm để Con Cưng quét máy kiểm soát lượng hoặc loại hàng bán ra.
Nhưng chính việc tem nhãn may trực tiếp trên sản phẩm, ghi nơi sản xuất tại Thái Lan mà không có mã vạch nước sản xuất, điều này sẽ tạo sự hoài nghi của người tiêu dùng và dễ tạo khe hở khác.
Dịch thuật chứng từ do Con Cưng cung cấp liên quan đến mã sản phẩm CF G127011 cho thấy, số liệu hàng hóa nhập khẩu, thông quan… đều thể hiện, sản phẩm của Con Cưng là 100% nhập từ Thái Lan.
Cty cũng có thư xác nhận của đối tác là Công ty International Incorporated (Thái Lan) về đơn đặt hàng theo thương hiệu CF Con Cưng, nhà cung cấp khẳng định mã hợp đồng số PO2017OEM49, hàng hóa là quần áo trẻ em thành phẩm.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Con Cưng cho biết, hiện công ty đang phối hợp với nhà cung cấp để giải trình với cơ quan Quản lý thị trường.
Ngày 24/7, đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, đơn vị đã có báo cáo nhanh kết quả kiểm tra 3 cửa hàng bán sản phẩm của Công ty Cổ phần Con Cưng trong 2 ngày 22 và 23/7 tại TP.HCM.
Đơn cử, cửa hàng ở số 20 ở địa 833 - 835 Hồng Bàng, phường 9 (quận 6), lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ 244 sản phẩm quần áo trẻ em các loại hiệu CF, concung.com, laluna, lebe’, Starter’s trên nhãn ghi xuất xứ 'made in Thailand', nhãn gốc hàng hóa bằng tiếng nước ngoài in trực tiếp lên sản phẩm (riêng hiệu concung.com không có nhãn gốc hàng hóa) và nhãn phụ tiếng Việt Nam không đính kèm sản phẩm hàng hóa mà treo trên móc treo sản phẩm. Số hàng này trị giá hơn 48 triệu đồng.
Ngoài ra, 888 sản phẩm quần áo trẻ em các loại trị giá 88,236 triệu đồng, hiệu CF, concung.com, xuất xứ made in Vietnam, kèm nhãn giấy, bao bì ghi thông tin thành phần, sản xuất tại Việt Nam, địa chỉ không đúng quy định về đơn vị chịu trách nhiệm về hàng hóa...
Tất cả số hàng hoá của Con Cưng bị Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM tạm giữ đều chưa xuất trình được hoá đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hàng hoá.
Như vậy, lời khẳng định của Công ty CP Con Cưng không khớp với những báo cáo nhanh của cơ quan chức năng. Chính vì vậy, việc Con Cưng có thực sự cắt mác, gian dối nguồn gốc xuất xứ hay không vẫn phải chờ đợi vào kết luận cụ thể của cơ quan chức năng trong thời gian tới.
Video: Nghi vấn chuỗi cửa hàng Con Cưng "thay tên đổi họ" sản phẩm
Bình luận