Bệnh nhân là anh N.X.T. (51 tuổi, trú tại Văn Lâm, Hưng Yên). Anh T. nhập viện trong tình trạng đau bụng, đi ngoài ra máu. Qua nội soi, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối polyp khá lớn trong đại tràng.
Ngày 25/10, bệnh nhân được phẫu thuật cắt polyp. Sau hơn hơn 30 phút, ca phẫu thuật thành công.
Chia sẻ về ca bệnh, BS Vũ Huy Hiền - Trưởng khoa Thăm dò Chức năng, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, để đảm bảo an toàn, bệnh nhân phải được thắt chân polyp để cầm máu trước, sau đó mới cắt vì polyp to, nguy cơ chảy máu nhiều, phải cắt làm nhiều lần.
“Sau khi cắt, bệnh nhân được cầm máu bằng 1 dụng cụ là Edoolop. Trước đây, những polyp có kích thước lớn thế này nếu không có dụng cụ hỗ trợ như kẹp cầm máu hoặc một số trang bị mới thì rất khó can thiệp. Người bệnh có thể mất nhiều máu, thậm chí thủng đại tràng, nguy hiểm đến tính mạng”, BS Hiền nói.
BS Vũ Huy Hiền cũng cho biết thêm, polyp tiêu hóa chủ yếu là polyp ở đại tràng. Triệu chứng của bệnh thường không có gì đặc biệt. Một số trường hợp đi ngoài ra máu, rối loạn phân, đau bụng. Những bệnh nhân có kích thước polyp to dễ bị biến chứng chảy máu, tắc ruột, có nguy cơ ung thư .
Polyp chia làm hai loại là polyp tăng sản và polyp tuyến. Polyp tăng sản không bao giờ thành ung thư, nhưng polyp tuyến thì có tỉ lệ thành ung thư đại trực tràng cao.
Polyp tuyến càng lớn thì tỉ lệ ung thư hóa càng cao. Khoảng 20% những polyp tuyến có kích thước > 1cm trở thành ung thư. Chính vì vậy cắt polyp tuyến đại tràng cũng là một cách loại trừ sớm nguy cơ ung thư.
Video: Người cao dễ bị ung thư hơn người lùn
Bình luận