World Cup 2018 đã là kỳ World Cup thứ 6 liên tiếp của Nhật Bản. Từ một kẻ xa lạ với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, người Nhật đã tự biến mình thành một vị khách quen của World Cup.
Cuộc hành trình kéo dài 70 năm, từ khi bóng đá Nhật còn sơ khai đến vị thế hàng đầu châu Á hiện nay là một chặng đường dài, trong đó người Nhật phải cảm ơn 2 yếu tố: Một là sự ra đời của giải bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên vào đầu những năm 90 thế kỷ trước; và Hai là cảm hứng to lớn được tạo ra bởi một nhân vật truyện tranh hư cấu: Tsubasa Oozora, cậu bé 11 tuổi với ước mơ chinh phục thế giới túc cầu.
Cha đẻ của Tsubasa Oozora là Takahashi Yoichi, một hoạ sỹ truyện tranh nổi tiếng. Ý tưởng tạo ra một ngôi sao bóng đá đại diện cho sự vươn mình của cả nền bóng đá Nhật Bản được hình thành trong những năm Takahashi Yoichi học phổ thông. Quyết định chọn một cầu thủ bóng đá làm nhân vật trung tâm cho bộ truyện thực sự lạ lùng, bởi thời đó, sumo là môn thể thao quốc dân của nước Nhật, và giống như đa số các quốc gia chịu ảnh hưởng của văn hoá Mỹ, bóng chày là môn thể thao được yêu thích nhất Xứ Phù tang.
Giữa lúc còn phân vân giữa các lựa chọn cho tác phẩm để đời, một sự kiện xảy ra đã tác động mạnh mẽ đến quyết định của Takahashi Yoichi. World Cup 1978 tổ chức ở Argentina được truyền trực tiếp tại Nhật Bản. Những đường bóng mê hoặc của Mario Kempes đã cuốn hút Takahashi, khiến ông chẳng quan tâm gì đến 2 môn thể thao truyền thống kia nữa.
Thật ra, ý tưởng ban đầu của Takahashi là sản xuất một bộ truyện về bóng chày. Ông đã tham gia một vài dự án vẽ truyện tranh bóng chày cho các nhà xuất bản khi khởi nghiệp. Nhưng càng tìm hiểu sâu về bóng đá, Takahashi Yoichi càng nhận ra tầm ảnh hưởng sâu rộng của nó trên toàn thế giới và nhanh chóng bị bóng đá mê hoặc.
Bóng đá không phải môn thể thao được yêu thích nhất tại Nhật ngày đó, nhưng không nghi ngờ gì nữa, người Nhật muốn hoà nhập với thế giới, họ buộc phải học cách chơi bóng đá.
Và thế là, Takahashi Yoichi đã tạo ra Tsubasa Oozora. Dấn thân vào một bộ truyện bóng đá đồng nghĩa với việc, ông phải giải thích cho công chúng Nhật những khái niệm cơ bản về môn thể thao này, việt vị là gì, thế nào là ném biên, đá phạt góc. Nhưng Takahashi không đơn độc, sức hấp dẫn của bản thân bóng đá khiến người hâm mộ Nhật dần quan tâm tới bộ truyện của ông.
Captain Tsubasa không đơn thuần là câu chuyện sân cỏ, nó hấp dẫn người đọc bởi những chi tiết rất đời. Bắt đầu từ việc quả bóng cứu mạng cậu bé 1 tuổi Tsubasa Oozora trong một tai nạn xe hơi, nó trở thành bạn thân của Tsubasa, theo anh chinh phục thế giới. Trái bóng là chứng nhân cho mọi sự kiện quan trọng nhất cuộc đời Tsubasa.
Ra mắt lần đầu trên tạp chí truyện tranh Shonen Jump vào năm 1981, Captain Tsubasa xuất hiện đều đặn mỗi tuần trong suốt 7 năm. Sau đó là hàng loạt các phần tiền truyện, hậu truyện khác. Cho đến nay, bộ truyện này vẫn đang tiếp tục diễn ra. Bốn thập kỳ qua, Tsubasa đã xuất hiện trong 15 bộ truyện tranh, 6 series hoạt hình, 4 phim điện ảnh, 14 trò chơi điện tử và hàng loạt ấn phẩm thương mại, quần áo, đồ chơi, đồ lưu niệm…
Trong truyện, một nhà báo thể thao đã hỏi Tsubasa rằng: “Khi nào Nhật Bản tham dự World Cup?”. Cậu bé 11 tuổi trả lời rằng: “Một ngày nào đó, cháu sẽ biến nó thành sự thật”. Cần nhớ rằng, đó là thời điểm năm 1981. Mười bảy năm sau đó, Nhật Bản mới lần đầu tiên có vinh dự này. Câu trả lời quyết đoán của nhật vật truyện tranh này đã nói thay quyết tâm của nhiều thế hệ cầu thủ Nhật Bản.
Năm 2011, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, có người đã hỏi hoạ sỹ Takahashi Yoichi rằng: “Phải chăng sự ra đời của Captain Tsubasa vào buổi bình mình của bóng đá Nhật góp phần thúc đẩy quá trình đại chúng hoá môn thể thao này?”, ông đã đáp lại một cách khiêm tốn rằng: “Chỉ một phần thôi. Bản thân bộ môn bóng đá đã vô cùng hấp dẫn. Và sự xuất hiện của Captain Tsubasa chỉ góp một phần rất nhỏ thúc đẩy sự quan tâm, yêu thích của công chúng với bộ môn này”, Takahashi nói.
“Nhưng thành thật mà nói, tôi hạnh phúc vì mọi người nghĩ như thế về tác phẩm và nhân vật của tôi. Thật vô cùng tự hào vì tôi đã đóng góp được vào sự phát triển của bóng đá ở Nhật Bản”.
Với tính cách của dân tộc Nhật, không khó để lí giải sự khiêm tốn của Takahashi. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, sự xuất hiện của Captain Tsubasa đã kích thích tình yêu bóng đá cho nhiều thế hệ thanh niên Nhật Bản, tiêu biểu là trường hợp của tiền vệ kỳ cựu Hidetoshi Nakata.
“Ở Nhật 30 năm trước, bóng chày có một vị thế lớn trong lòng công chúng trong khi bóng đá mới chỉ chập chững bước đầu. Bản thân tôi không thần tượng cầu thủ bóng đá hay CLB nào cả, bởi thực tế ngày đó chúng tôi làm gì có", Hidetoshi Nakata, trong một cuộc trả lời phỏng vấn trang chủ FIFA cho biết.
"Người hùng thuở nhỏ của tôi cũng không phải một cẩu thủ bóng đá. Thế rồi một lần, tôi đọc được một bộ truyện tên là Captain Tsubasa. Người ta còn sản xuất phim hoạt hình về nhân vật đó nữa. Tôi xem và thực sự bị cuốn hút, yêu thích nhật vật này. Sau đó, lên trung học, khi chọn lựa theo đuổi bóng chày hay bóng đá, tôi đã chọn bóng đá”.
Trong Captain Tsubasa, có nhiều nhân vật trước đó tập võ, sumo và bóng chày rồi đem những kỹ năng của các môn thể thao này vào bóng đá. Điều đó cũng diễn ra trong đời thực. Vào thập niên 1990 và 2000, một thế hệ trẻ em ở Nhật đã chuyển tiếp từ tình yêu bóng chày và võ thuật của thế hệ cha chú họ sang tình yêu với môn bóng đá.
Có một nguyên tắc cơ bản, thứ được các cầu thủ bóng đá Nhật ngày nay thừa nhận họ chịu ảnh hưởng sâu sắc của Captain Tsubasa là: mỗi cầu thủ hãy rèn cho mình một “độc chiêu” đặc biệt, kỹ năng đó sẽ giúp họ toả sáng và khác biệt khi cạnh tranh với người khác. Những chiêu thức như “Cú sút Cọp tát”, “Cú sút lazer”, “Cú đá đôi xe đạp chổng ngược”, “Cú sút chim ưng” mà các nhân vật trong Captain Tsubasa rèn luyện đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các cầu thủ Nhật.
Bộ truyện cũng giúp các cầu thủ Nhật ý thức được những khó khăn của đời cầu thủ chuyên nghiệp. Đó là cuộc đời bôn ba qua nhiều quốc gia, thích nghi với nhiều nền văn hoá, đồng thời vẫn phải giữ nét riêng và phẩm chất của dân tộc mình.
Khởi nguồn từ những đội bóng trường học ở thị trấn khiêm tốn Nankatsu, Tsubasa và bạn bè của cậu vươn đi khắp nơi trên trên thế giới, chinh chiến ở những giải đấu hàng đầu. Tsubasa đã vô địch giải Vô địch quốc gia Brazil Campeonato Brasileiro Série A trong màu áo São Paulo; ghi bàn trong trận El Clasico Tây Ban Nha cho Barcelona; và cuối cùng, trong vai trò đội trưởng dẫn dắt đội tuyển quê hương anh đến chức vô địch World Cup. Những nhân vật như Kojiro, Aoi Shingo, Genzo Wakabayashi, Taro Misaki cũng đã có trải nghiệm ở Juventus, Reggiana, HamburgSV, Inter Milan, Bayern Munich.
Không chỉ trẻ em Nhật Bản, Captain Tsubasa còn truyền cảm hứng và tình yêu bóng đá cho nhiều cầu thủ quốc tế. Fernando Torres, Lionel Messi, Francesco Totti thừa nhận một trong những lí do họ yêu bóng đá là nhờ Captain Tsubasa. Fernando Torres từng trả lời báo chí rằng: “Ngày tôi còn bé, rất khó để bắt sóng một trận đấu bóng đá trên TV. Nhưng ở trường, bạn bè tôi thường xuyên bàn tán về một nhân vật hoạt hình của Nhật Bản, người có những cú sút không tưởng.
Tại Tây Ban Nha, series hoạt hình đó được đổi tên thành “Oliver y Benji”, kể về hai người bạn, 2 đối thủ bắt đầu với tư cách cầu thủ trẻ, sau đó lên đội tuyển quốc gia, vô địch World Cup và chuyển tới Barcelona và Bayern Munich. Đó là ước mơ của mọi đứa trẻ. “Tôi chơi bóng đá vì bộ truyện đó. Tôi muốn được giống như Oliver (Tsubasa)”, Torres nói.
Một fan hâm mộ khác của Captain Tsubasa là Alexis Sanchez, điều này đã được tiết lộ khi tác giả cuốn tự truyện của anh - Nicolas Olea - trả lời phỏng vấn năm 2017. “Khi Alexis chơi cho Barcelona, cậu ấy đã cố gắng sưu tập mọi phần phim, mọi cuốn truyện về Oliver”, Nicolas Olea cho biết. “Tôi nghĩ Alexis nhìn thấy bản thân mình trong những nhân vật đó, một người luôn chạy đuổi theo giấc mơ của mình đến mọi nơi trên thế giới”.
Alessandro Del Piero, nhà vô địch thế giới người Italia cũng từng thổ lộ tình yêu và ảnh hưởng của Captain Tsubasa (xuất bản ở Ý với tên gọi Holy & Benji) với bản thân mình. Del Piero thậm chí đã dùng bản vẽ chân dung anh do hoạ sỹ Takahashi Yoichi tặng làm hình đại diện trên tài khoản mạng xã hội của mình.
Andres Iniesta, người sẽ là thành viên của CLB Nhật Bản Vissel Kobe mùa tới cùng với Lukas Podolski, mới đây cũng đã gặp Takahashi Yoichi để nhận bức chân dung ông vẽ tặng. Cả Iniesta và Podolski đều là fan hâm mộ của Captain Tsubasa. Zinedine Zidane, Thiery Henry, Gennaro Gattuso, những danh thủ vĩ đại nhất cũng từng nói rằng, họ lớn lên với ước mơ của những nhân vật trong Captain Tsubasa.
Vốn tính khiêm tốn, hoạ sỹ Takahashi Yoichi sẽ không bao giừ nhận công lao về mình. Nhưng không thể phủ nhận, mục đích ban đầu của ông khi tạo ra nhân vật Tsubasa Oozora đã đạt được: truyền tình yêu bóng đá cho không chỉ trẻ em ở Nhật mà trên toàn thế giới. Ước mơ của ông đã đạt được: tạo ra một thế giới bóng đá tốt đẹp hơn qua Tsubasa.
Các danh thủ đương đại đã biết đến một trò chơi tuyệt đẹp thông qua những câu chuyện mà Takahashi Yoichi đã tạo, những câu chuyện về tình yêu, tinh thần đồng đội, khát khao chinh phục, tinh thần theo đuổi đến cùng ước mơ. Thế giới bóng đá nợ Tsubasa Oozora và người cha khiêm nhường của nhân vật này một lời cảm ơn. Doumo arigatou, Takahashi-san.
Bình luận