• Zalo

Cặp vợ chồng góp công xóa bỏ hủ tục và chữa bệnh miễn phí cho dân làng Tây Nguyên

Sức khỏeChủ Nhật, 01/03/2020 07:40:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Người dân xã Glar, huyện Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai) không ai là không biết cặp vợ chồng Nay Blum - H'Nơm, những người dành cả đời cứu buôn làng thoát khỏi mọi hủ tục và chữa bệnh miễn phí cho mọi người.

Video: Tâm sự của nữ hộ sinh H'Nơm về chuyện đời, chuyện nghề

 

Bỏ đô thị phồn hoa để về với buôn làng

Căn nhà sàn đơn sơ với toàn món đồ cũ của vợ chồng bác sĩ Blum – H’Nơm nằm cạnh Trạm Y tế xã Glar (huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai). Hôm chúng tôi tới, bác sĩ Blum bận lên xã khám cho bệnh nhân, chỉ có nữ hộ sinh H’Nơm ở nhà.

Hai vợ chồng bà H’Nơm đều sinh năm 1969, hiện bác sĩ Blum là Trạm trưởng Trạm y tế xã Glar, còn bà thì vừa về hưu tháng 1/2019. Bà nói nhiều lúc không lý giải nổi điều gì đã đưa hai vợ chồng đến với ngành y, vượt qua bao gian truân, thử thách. Đến nay cả hai trụ vững với nghề được 30 năm.

Theo bà, cái nghề này cũng là duyên để hai vợ chồng đến với nhau. Thương sự hy sinh vô điều kiện của Blum cho dân làng, H’Nơm đến làm quen, động viên và phụ giúp. Tình cảm từ đấy cũng nảy sinh. Cứ thế, họ nương tựa lẫn nhau, bất kì khó khăn, biến cố nào cũng không cản được ước nguyện cứu người của họ. Hiện hai vợ chồng có 5 người con, trong đó 4 người là con nuôi.

Cặp vợ chồng góp công xóa bỏ hủ tục và chữa bệnh miễn phí cho dân làng Tây Nguyên  - 1

Nữ hộ sinh H'Nơm cùng chồng được người dân xã Glar hết sức quý trọng.

Mỗi lần nhắc tới chồng, bà H’Nơm luôn cảm thấy tự hào. Bà kể, ngày bà còn là một công nhân cao su, ông Blum đã được cử đi học y, cái ngành mà từ thuở nhỏ Blum ao ước được học. Đến năm 1991, ông Blum tốt nghiệp Trung cấp Y tế Gia Lai, thời điểm mà hầu hết huyện nào ở Gia Lai cũng cần những bác sĩ giỏi, nên ông nhận được nhiều lời mời về làm việc và hứa trả lương hậu hĩnh. Bỏ qua tất cả, ông kiên quyết về với buôn làng vùng sâu, dù biết lương "ba cọc ba đồng", chẳng đủ để ăn và trang trải cuộc sống.

Những tháng ngày công tác trong ngành Y, H’Nơm "gom góp" được cả một kho kỷ niệm. Nữ hộ sinh thuở nào bộc bạch: “Hồi ấy vợ chồng mình bận rộn lắm, dù là làm không lương nhưng cái tâm không cho phép mình lơ là công việc. Vùng này khi ấy là trọng điểm sốt rét, ông Blum ở làng để trực trông, còn tôi thì cứ nghe tin ai trong làng xã trở dạ là lại chạy đi liền. Đêm hôm ai kêu cũng đi. Không hiểu sao gian nan, vất vả là vậy nhưng tôi vẫn yêu nghề lắm. Tôi thích được khoác chiếc áo trắng và xem đó như hạnh phúc".

“Ngày ấy làm gì có trạm y tế như bây giờ, ai mà có người thân đau ốm là đến tận nhà để gọi. Nhưng chủ yếu là vợ chồng tự lặn lội mấy buôn làng để xem ai có bệnh thì chữa giúp", cô H’Nơm nói thêm.

Bước qua hủ tục, giành giật mạng sống cho bao đứa trẻ

Hơn 20 năm về trước, xã Glar, huyện Đắk Đoa là địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn. Cái gì cũng thiếu, từ thiếu ăn, thiếu mặc, đến thiếu cái chữ cái nghĩa. Nhưng lạ có một thứ dư thừa đó là "hủ tục”.

"Ngày xưa, hễ có ai đau ốm, bệnh tật là họ làm gà, làm heo cúng chứ không gặp bác sĩ. Hai từ “bác sĩ” với họ nghe lạ tai lắm. Bởi vậy mà câu chuyện bác sĩ bắt tay vào xóa bỏ hủ tục buôn làng chẳng khác gì một cuộc chiến không cân sức", cô H’Nơm nhớ lại.

Năm 1995, hàng loạt buôn làng nhờ sự vận động của vợ chồng bà đã bỏ thói quen ăn đồ sống và không tin vào lá cây rừng có thể chữa bách bệnh.

Nhưng còn một vấn đề nan giải, rùng rợn hơn đó là hủ tục chôn sống trẻ con theo mẹ vẫn tồn tại. Lúc đó, vợ chồng H’Nơm quyết tâm xóa bỏ những hủ tục lạc hậu này, cứu mạng sống của nhiều đứa trẻ vô tội.

Giọng bà trầm lại khi nhớ tới ngày hôm ấy, một đêm giữa tháng 8/1995, một người đàn ông đến đập cửa, hốt hoảng thông báo vợ anh ta sinh non, tình trạng nguy kịch. Hai vợ chồng bà để đứa con trai nhỏ vừa tròn 4 tuổi ở nhà, tức tốc chạy tới. Lội bộ gần 20 cây số, đến nơi đúng 12 giờ đêm, nhìn ánh mắt của mọi người trong nhà, họ hiểu mình đã đến muộn.

Khi H'Nơm bế đứa trẻ lên, người làng chạy ra phản đối, họ nhất quyết phải để đứa trẻ chết theo mẹ, vì sống sẽ là điềm xui cho gia đình, cho buôn làng. Nhưng bản năng của một người làm mẹ không cho phép H'Nơm để điều đó xảy ra, dù là vi phạm vào luật tục ngàn đời của làng. Cô quyết tâm cứu đứa trẻ. Hai vợ chồng phải đi nhờ tới già làng, mới có thể nhận đứa bé về nuôi, đặt tên là Nay Thuym.

"Hơn 4 tháng sau, khi vợ chồng tôi dắt Nay Thuym khỏe mạnh về khoe với buôn làng, người ta mới tin", H'Nơm kể.

Sau Nay Thuym, hai vợ chồng H’Nơm nhận nuôi thêm hai chị em Mới và Kuơm, khi chứng kiến cảnh hai đứa đang lang thang trong rừng thông nhặt phân bò. Vì cha bị bệnh phong nên hai em bị dân làng xa lánh, họ hàng không ai chịu nhận nuôi, hai đứa trẻ sống côi cút, khổ sở.

Những hành động nhân văn của hai vợ chồng H’Nơm dần dần cảm hóa dân làng. Nhiều năm nay, dân trong buôn đã hiểu rõ, đồng lòng xóa bỏ những hủ tục man rợ và sự kỳ thị cố hữu truyền đời là quyết liệt đẩy đuổi những người mắc bệnh phong, bệnh lao ra khỏi cộng đồng.

Cả đời chữa bệnh miễn phí

Sau nhiều năm làm cán bộ y tế không có thù lao, đến năm 1996, ông Blum mới có lương chính thức. Cuộc sống khốn khó, lại nuôi thêm 4 người con ăn học nên cả hai vợ chồng phải nai lưng làm việc. Tuy hoàn cảnh là vậy, nhưng hễ có ai trong làng, trong xã đau bệnh, không tìm đến nhà thì hai vợ chồng lại thay phiên nhau tới tận nơi chữa trị miễn phí.

Cặp vợ chồng góp công xóa bỏ hủ tục và chữa bệnh miễn phí cho dân làng Tây Nguyên  - 2

Bác sĩ Nay Blum đang làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Glar (huyện Đắk Đoa, Gia Lai).

H’Nơm tâm sự: Mình giờ nghỉ hưu nên về nhà, nhưng mà có ai bệnh tới nhờ mình chữa, mình vẫn chữa miễn phí đấy thôi. Dân nghèo thì làm gì có tiền, quan trọng là họ khỏi bệnh, như thế là lương tâm tôi vui rồi. Chữa bệnh xong, nhiều người cho ít củ khoai, củ mì, ít rau rừng đem về, quý hóa lắm”.

Chị Hồ Thị Duyên - cán bộ văn hóa xã Glar (huyện Đắk Đoa) cho biết: "Việc làm của vợ chồng bà H'Nơm khiến chúng tôi ai nấy đều cảm kích. Vợ chồng bà đã giúp người dân thoát khỏi những hủ tục, cứu tính mạng của nhiều đứa trẻ".

 

HIỀN MAI
Bình luận
vtcnews.vn