(VTC News) - Cấp thẻ hành nghề liệu có quản được Thái Hà, Ngọc Trinh trình diễn nội y trá hình, Cao Thái Sơn hát nhép?
Sáng 3/6, Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến góp ý Đề án cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tại ba điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.
Hai năm gần đây, lĩnh vực quản lý nghệ thuật biểu diễn và trình diễn thời trang có nhiều biến động khiến các cơ quan chức năng không theo kịp. Liên tiếp những vụ ăn mặc phản cảm gây bức xúc dư luận bị xử lý với hàng loạt những ngôi sao phải đóng tiền phạt như Thu Minh, Cao Thái Sơn, Thái Hà,…
Các ngôi sao đua nhau phát ngôn sốc, ăn mặc thiếu vải, và hồn nhiên hát nhép bất cứ chương trình nào. Các công ty tổ chức biểu diễn thì luôn tìm cách lách luật để tạo scandal và quảng cáo trá hình. Mới nhất là vụ Đêm hội chân dài 7 đã trình diễn nội y trái phép, làm sai lệch nội dung chương trình được duyệt và quảng cáo rượu trái phép.
Sau chỉ thị 65 của Bộ VHTTDL ra hồi năm ngoái và những phát ngôn mạnh bạo của các quan chức từ phía Bộ này, nghệ sĩ và các công ty tổ chức biểu diễn có phần run sợ. Thậm chí khi có tin sẽ cấm xuất hiện trên phương tiện truyền thông đại chúng với những nghệ sĩ vi phạm bị xử phạt, người mẫu Thái Hà đã từng hốt hoảng.Đêm hội chân dài 7 đã trình diễn nội y trái phép, làm sai lệch nội dung chương trình được duyệt và quảng cáo rượu trái phép.
Ca sĩ Thu Minh cũng ngay lập tức chạy đến buổi hội nghị lấy ý kiến về chấn chỉnh quản lý nghệ thuật biểu diễn và trình diễn thời trang tổ chức tại Sở VHTTDL TP.HCM ngày 18/6/2012 để tường trình lý do mình mặc phản cảm.
Thế nhưng, dù sau đó, Nghị định 79 về nghệ thuật biểu diễn ra đời, với các quy định nghiêm ngặt hơn, các nghệ sĩ vẫn tỏ ra nhờn. Bởi họ bắt thóp được sự “giơ cao đánh khẽ” của các cơ quan quản lý. Lập tức những vấn nạn hát nhép, đàn nhái và ăn mặc, trình diễn phản cảm lại “sống lại” và nở rộ gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Vì vậy, Bộ VHTTDL cho rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề trong thời điểm này là hợp lý, để tránh “vàng, thau lẫn lộn” trong hoạt động biểu diễn. Việc cấp phép sẽ áp dụng với tất cả nghệ sĩ, nhưng trước mắt là ca sĩ và người mẫu.
Cụ thể từ tháng 10 đến tháng 12 sẽ tiến hành cấp thẻ đợt I. Bắt đầu từ 1/1/2014, thẻ hành nghề sẽ có hiệu lực. Người được cấp thẻ phải hội đủ ba điều kiện: Tư cách đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn và chưa từng bị thu hồi chứng chỉ hành nghề trước đó.
Ông Đăng Chương - Cục Trưởng Cục NTBD cho biết dự tính sẽ có hai loại thẻ hành nghề. Một là đối với những nghệ sĩ được đào tạo và thuộc những cơ quan công lập (5 năm) và đối tượng còn lại (2 năm). Mã số thẻ hành nghề đang xem xét cấp theo mã số thuế cá nhân để thuận lợi cho việc quản lý.
Hồ sơ đề nghị cấp thẻ hành nghề rất đơn giản, các nghệ sĩ được đào tạo bài bản qua trong các trường nghệ thuật và đang công tác trong các đoàn nghệ thuật thì đơn vị chủ quản sẽ lập danh sách, các nghệ sĩ tự do sẽ tưh gửi hồ sơ về các Sở nơi mình hoạt động để được cấp. Cục NTBD không cấp thẻ cho các nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài vì khi về nước biểu diễn họ đã phải làm các giấy phép đầy đủ thủ tục.
"Không có chuyện phong bì phong bao mới được cấp thẻ hành nghề mà căn cứ vào đạo đức, năng lực nghề nghiệp của từng nghệ sĩ. Hoàn toàn không có chuyện thành lập một Hội đồng thẩm định để xét duyệt cấp thẻ như kiểu ca sĩ thì phải thi hát, người mẫu phải tham gia trình diễn thời trang" - ông Đăng Chương nhấn mạnh.Ca sĩ Thu Minh xin lỗi vì ăn mặc phản cảm tại hội nghị lấy ý kiến về chấn chỉnh quản lý nghệ thuật biểu diễn và trình diễn thời trang tổ chức tại Sở VHTTDL TP.HCM ngày 18/6/2012.
Thực chất việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ đã được tiến hành đầu tiên vào khoảng năm 1998 - 1999. Sau đó, năm 2002 các nhà quản lý văn hóa rà soát Luật Doanh nghiệp đã cho rằng đó là một loại giấy phép con nên báo cáo Chính phủ bãi bỏ loại thẻ này.
Tuy chưa biết Đề án chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn lần này đến khi nào hoàn thiện để ban hành, song nhiều khả năng, thẻ hành nghề biểu diễn sẽ được cấp lại, như cách nay hơn chục năm trước từng tồn tại.
Không thể phủ nhận chiếc thẻ hành nghề là “chiếc vòng kim cô” nhằm giúp cơ quan quản lý kiểm soát tận gốc những vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và trình diễn thời trang gây nhức nhối xã hội thời gian qua.
Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi đời sống biểu diễn nghệ thuật ngày càng trở nên mất kiểm soát. Cơ quan quản lý văn hóa không đủ lực lượng thanh tra để dàn trải ra các chương trình nhằm giám sát các vi phạm. Thì chiếc thẻ hành nghề sẽ là “thanh đao” sắc bén xử lý những cá nhân vi phạm. Ưu việt hơn, đây là biện pháp xử lý nguội, không cần phải “bắt quả tang” và cần đến nghệ sĩ ký biên bản mới phạt được như các biện pháp xử lý hành chính hiện nay.
Hơn nữa các khoản phạt theo Nghị định 75 hiện hành, hay theo nghị định mới thay thế Nghị định 75 mà Bộ VHTTDL đang soạn thảo sẽ chẳng ăn thua gì trước cơn sóng “cuồng scandal” để nổi tiếng mà không nhỏ bộ phận nghệ sĩ hiện nay đang chọn đi theo.Dàn mẫu trong trang phục nội y trá hình không được cấp phép tại Đêm hội chân dài 7.
Vậy nên xét về mặt nào đó, chiếc thẻ hành nghề giúp quản lý tốt hơn những hành vi sai phạm của nghệ sĩ và còn là biểu hiện của một nền giải trí chuyên nghiệp. Theo những lẽ đó, thẻ hành nghề nên được ủng hộ, dù nó từng bị dẹp bỏ vì nhiêu khê cho cả người cấp phép lẫn người muốn có được nó.
Cái đáng nói là, khi có thẻ hành nghề, có “tóc để nắm”, các cơ quan quản lý liệu có mạnh tay để xử đẹp những nghệ sĩ vi phạm. Hay chỉ là những hình thức “giơ cao đánh khẽ” như thời gian vừa qua?
Phải có thái độ cương quyết nói không với sự bao che cho nghệ sĩ vi phạm, phải có những động thái mạnh tay trong xử phạt thì mới đủ sức răn đe nghệ sĩ. Để khi toan gây scandal, họ phải nhớ rằng có một “chiếc vòng kim cô” luôn treo lơ lửng trên đầu mình.
Đàm Mộng Hoài
Bình luận