Theo đó, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua hoặc kể từ ngày hết hạn thuê mua theo thỏa thuận thì phải làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở cho người mua, người thuê mua nhà ở, trừ trường hợp người mua, thuê mua tự nguyện làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở.
Bên cạnh đó, Dự thảo còn nêu rõ trường hợp là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thì còn phải có trách nhiệm thực hiện xây dựng nhà ở và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong dự án theo đúng văn bản chấp thuận đầu tư của cơ quan có thẩm quyền, đúng nội dung, thiết kế của dự án đã được phê duyệt và tiêu chuẩn diện tích đối với từng loại nhà ở theo quy định của pháp luật.
Chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện dự án và kinh doanh sản phẩm nhà ở, quyền sử dụng đất trong dự án; thực hiện việc huy động vốn, thu tiền bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, thực hiện việc kinh doanh bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở theo đúng quy định của Luật này và pháp luật về đất đai.
Dự thảo luật nhà ở cũng quy định đối với cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu có nhu cầu.
Dự thảo lần này đề xuất cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án để bán, cho thuê tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua theo dự án tại Việt Nam được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án.
Trường hợp xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua thì chủ đầu tư không được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó mà Nhà nước cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà ở, trừ trường hợp chủ đầu tư có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở chưa bán, chưa cho thuê mua.
Bình luận