TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, theo quy định thuốc ARV chỉ được cấp miễn phí cho những người bị phơi nhiễm do nghề nghiệp khi đang làm nhiệm vụ như cán bộ y tế, lực lượng vũ trang, tổ công tác cai nghiện...
Tuy nhiên, 10 người dân phơi nhiễm HIV khi tham gia cấp cứu nạn nhân HIV bị tai nạn giao thông hôm 30/6 là trường hợp đặc biệt. Vì thế, Cục đã chỉ đạo Sở Y tế Kon Tum cấp miễn phí thuốc ARV để điều trị dự phòng cho cả cán bộ y tế lẫn người dân.
Bộ Y tế chỉ đạo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Kon Tum trả lại tiền cho 2 người dân đã mua thuốc ARV.
“Bộ Y tế cũng kiến nghị chi trả bảo hiểm y tế đối với việc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS cũng như điều trị dự phòng phơi nhiễm hoặc nghi phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV. Việc chi trả bảo hiểm này giúp đảm bảo dự phòng và điều trị kịp thời, đạt hiệu quả cao.”- TS Cảnh nói
Cũng theo TS Hoàng Đình Cảnh, hiện nay chưa có quy định nào về việc cấp thuốc miễn phí cho người dân nếu bị phơi nhiễm HIV từ người khác, kể cả khi tham gia cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông.
TS Cảnh phân tích, hiện nay, theo quyết định 265 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ điều trị đối với những người phơi nhiễm do rủi ro nghề nghiệp thì được xét nghiệm, điều trị miễn phí và được nghỉ 20 ngày phép trong quá trình điều trị.
Ngoài ra, đối với các đối tượng khác thì chưa có quy định cấp thuốc miễn phí và những đối tượng này phải tự tìm nguồn thuốc điều trị, tức là phải đến các phòng tư vấn của hệ thống phòng chống HIV/AIDS thì sẽ được tư vấn, hướng dẫn mua thuốc tại các điểm bán thuốc.
“Hành động tích cực tham gia cấp cứu người bị nạn, bất chấp nguy hiểm là hành động của những người dũng cảm và đầy lòng nhân ái. Đấy là những nghĩa cử cao đẹp, là gương người tốt, việc tốt, luôn được xã hội tôn vinh”- TS Cảnh nói.
Ghi nhận và tôn vinh những người tích cực, dũng cảm cứu nạn tại Kon Tum, Bộ Y tế và ngành Y tế Kon Tum đã và đang nỗ lực hỗ trợ họ bằng những việc làm cụ thể đó là tư vấn, hỗ trợ tâm lý, xét nghiệm và cấp thuốc ARV điều trị dự phòng miễn phí cho họ, giải quyết các chế độ chính sách, giúp họ vượt qua những giai đoạn khó khăn. “Chúng ta hy vọng những người tốt sẽ luôn gặp được những điều tốt lành”- TS Hoàng Đình Cảnh chia sẻ.
Trước đó, như thông tin báo Sức khỏe & Đời sống đã đưa trưa ngày 30/6, ôtô 16 chỗ chở khách chạy trên đường Hồ Chí Minh hướng Kon Tum đi Đà Nẵng, đến xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà (Kon Tum) va chạm với ôtô 16 chỗ chạy hướng ngược lại. Cú tông trực diện khiến 2 xe biến dạng, rách toạc, kính vỡ văng tung tóe, một người tử vong tại chỗ, 3 người tử vong ở bệnh viện, hơn 10 người bị thương.
Các nạn nhân được chuyển vào Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà sơ cứu, người còn sống được chuyển đến bệnh viện tỉnh. Đến khi công an lập biên bản, kiểm thảo tử vong mới phát hiện một nạn nhân tử vong đã nhiễm HIV đang điều trị ARV ngoại trú tại bệnh viện tỉnh.
Video: Bệnh nhân đầu tiên trên thế giới chữa khỏi HIV giờ ra sao?
Sau khi sàng lọc, các cán bộ y tế đã xác định 36 người không may tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm HIV trong quá trình cứu nạn.
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hòa vừa quyết định tặng bằng khen cho 22 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác cứu nạn vụ tai nạn giao thông xảy ra trưa 30/6 trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà (Kon Tum) làm 4 người chết, 9 người bị thương.
22 người nhận bằng khen gồm 9 người dân ở thôn 11 xã Đăk Hring, trong đó có anh Lê Văn Tùng - người đã lái xe và tham gia trực tiếp đưa 8 nạn nhân bị thương nặng đi cấp cứu; 5 cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Đăk Hà; 5 cán bộ, y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà; 3 y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum.
Bình luận