• Zalo

Cặp đôi Nga - Trung thổi bùng cơn thịnh nộ tại HĐBA

Thế giớiChủ Nhật, 05/02/2012 06:03:00 +07:00Google News

(VTC News) - Cơn thịnh nộ của Mỹ, Pháp, Anh đã lên đến đỉnh điểm khi Nga và Trung Quốc tiếp tục dùng quyền phủ quyết để bác bỏ nghị quyết mới về Syria.

(VTC News) - Cơn thịnh nộ của Mỹ, Pháp, Anh đã lên đến đỉnh điểm khi Nga và Trung Quốc tiếp tục dùng quyền phủ quyết của mình để bác bỏ việc thông qua nghị quyết mới về Syria mà phương Tây ủng hộ.


Việc Hội đồng Bảo an không thể thông qua nghị quyết hoàn toàn nằm trong dự liệu, khi mà từ nhiều ngày trước, Nga - một trong 5 quốc gia thành viên thường trực nắm quyền veto (phủ quyết) đã tuyên bố rằng họ sẽ không ủng hộ bất cứ hành động nào phá hoại nỗ lực giải quyết cuộc xung đột Syria bằng biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, sóng gió vẫn cứ nổi lên khi điều này chính thức xảy đến.
Đại diện Mỹ, Anh, và Pháp đã không giấu cơn giận dữ trước việc nghị quyết không được thông qua ngay cả khi đã được 13/15 nước thành viên HĐBA tán thành. 
Đại sứ Mỹ Susan Rice tuyên bố, Mỹ "ghê tởm" hành động phủ quyết của Nga và Trung Quốc, đặc biệt là Nga:"Sự cố chấp này còn đáng hổ thẹn hơn nữa khi người ta để ý rằng, thành viên này đang tiếp tục cung cấp vũ khí cho Assad."
 

Trong một tuyên bố mạnh mẽ được đưa ra trước khi bỏ phiếu, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã mất tính hợp pháp, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế "hành động để cứu người dân Syria khỏi sự tàn bạo đáng ghê tởm" của "cỗ máy giết người" mang hình hài chế độ Assad.
Còn đại sứ Anh Mark Lyall Grant cho biết, nước này hoàn toàn "kinh ngạc" với việc phủ quyết: "Những người ngăn chặn hành động của HĐBA hôm nay cần phải tự vấn lương tâm mình xem còn cần bao nhiêu người chết nữa mới đủ cho họ."
Ông khẳng định, hành động này cho thấy Nga và Trung Quốc đã ủng hộ sự chuyên chế thay vì nguyện vọng chính đáng của người dân Syria.
Ngoại trưởng Anh William Hague bức xúc phân trần, nghị quyết hoàn toàn chỉ nhằm hỗ trợ những nỗ lực của Liên đoàn Arab trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria: "Nó không áp đặt bất cứ lệnh trừng phạt nào, cũng không ủy quyền bất cứ hành động quân sự nào. Càng không có phần nào trong dự thảo ủng hộ cho phe đối lập."
Theo họ, bản nghị quyết đã được chỉnh sửa theo hướng nhượng bộ rất lớn đối với Nga, nước từng tuyên bố sẽ không thông qua bất cứ đề án nào có thể dẫn tới hành động ủng hộ cho một sự thay đổi chế độ ở Damascus.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon bày tỏ, người ta đã đánh mất cơ hội để ngăn chặn bạo lực. 
Trong khi đó, Đại sứ Syria tại LHQ, ông Bashar Jaafari tố cáo một số thế lực đã cố tình dựng lên cái gọi là cuộc khủng hoảng và tạo dựng một chiến dịch truyền thông nhằm bôi xấu chế độ cầm quyền và trừng phạt đất nước này. Theo ông, bản báo cáo sẽ "thổi bùng lên ngọn lửa của bạo lực và đổ máu", đem lại sự thù địch và ủng hộ cho những ý đồ chống lại đất nước, nhân dân cùng chính quyền Syria.
 

"Giọng điệu của bản báo cáo không phải là ngôn từ ngoại giao (...) khi họ gọi chính phủ Syria là 'chế độ' và nhắc đến Tổng thống Syria với ngôn ngữ không phù hợp."

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Nga và Trung Quốc đều tuyên bố họ không ủng hộ bạo lực, nhưng cảm thấy nghị quyết không có lợi cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng. 
Đại sứ Nga Vitaly Churkin cho hay, văn bản "không phản ánh đầy đủ thực trạng của vấn đề và phát đi một thông điệp không công bằng" về các bên ở Syria. Ông cũng nhấn mạnh việc Ngoại trưởng Nga sẽ đến Damascus để làm việc với Tổng thống al-Assad trong vòng 3 ngày.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định, việc mua bán vũ khí của họ với Syria không ảnh hưởng đến cán cân sức mạnh trong khu vực; đồng thời cho biết nghị quyết đã không đánh giá thích đáng phần trách nhiệm của phe đối lập trong việc gây ra bạo lực, cũng như không thực tế khi yêu cầu chính phủ Syria phải rút các lực lượng quân sự của mình trở lại doanh trại. Theo ông, thông qua nghị quyết này đồng nghĩa với việc tham gia vào cuộc nội chiến.
Đại sứ Trung Quốc Lý Bảo Đông thì kêu gọi tất cả các bên tại Syria chấm dứt bạo lực và lập lại trật tự càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, theo ông, nghị quyết chỉ làm phức tạp vấn đề và ảnh hưởng đến việc đối thoại.
Tờ Washington Post của Mỹ bình luận: "Những nỗ lực nhằm chấm dứt bạo lực tại Syria của Hội đồng Bảo an đã sụp đổ khi Nga và Trung Quốc bắt tay nhau dùng quyền phủ quyết, chỉ vài giờ sau khi quân đội Syria tấn công thành phố Homs - hành động được các nhà lãnh đạo đối lập mô tả là cuộc tấn công chết chóc nhất trong suốt 11 tháng qua."
 

Homs là một trong những thành phố đầu tiên diễn ra biểu tình phản đối chính quyền Assad,  được coi là một thành trì của phe đối lập tại Syria. 
Theo phe đối lập, 90 người đã bị giết ở Syria trong ngày hôm qua, trong đó có 61 người ở Homs, 10 người ở Idlib và 19 người ở ngoại ô thủ đô Damascus.
Một nhà hoạt động mang bí danh Danny nói: "Liên Hợp Quốc đã không làm gì, Liên đoàn Arab đã không làm gì. Trong khi họ cứ ngồi đó và thảo luận thì người dân đang ở đây và đang chết!"
Trong khi đó, phương tiện truyền thông nhà nước Syria đã mô tả cuộc xung đột ở Homs là hành động bạo lực được kích động bởi các băng nhóm vũ trang với mục đích không gì khác là nhằm gây ảnh hưởng lên việc thông qua nghị quyết của LHQ. 
Hiện các phóng viên báo chí đều gặp khó khăn khi tiếp cận với hiện trường. Chưa có bất kì chứng cứ xác thực nào đối với các cáo buộc của cả 2 phe.
Hồi tháng 10, Nga và Trung Quốc cũng đã cùng bỏ phiếu veto đối với một nghị quyết khác của HĐBA lên án việc đàn áp của chính quyền Syria.
Hà Anh


Bình luận
vtcnews.vn