Đám cưới là chuyện hệ trọng cả đời, thế nên mọi người thường phải chuẩn bị trước cả tháng, thậm chí cả năm. Tất cả mọi thứ đều được chuẩn bị sắp đặt trước, chỉ chờ đến ngày lành, tháng tốt để cử hành. Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thì mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Sinh con 1 tháng vẫn chưa được làm đám cưới
Trường hợp của anh Vũ Đình Tao (25 tuổi, ở huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) và vợ Lò Thị Ngần (20 tuổi, ở Lai Châu) là một ví dụ điển hình, đám cưới bị tạm hoãn đến 3 lần vì dịch COVID-19.
Anh Tao và chị Ngần cùng làm việc tại một khu công nghiệp ở Hải Dương. Trải qua gần một năm tìm hiểu, cuối năm 2020 anh chị quyết định tiến đến hôn nhân.
Sau khi định ngày lành tháng tốt, hai bên gia đình ấn định tổ chức cho đôi trẻ vào ngày 25/12/2020 (Âm lịch). Dự tính đám cưới lần này khoảng 80 mâm gồm cả hai họ. Vì là “con đầu, cháu sớm”, cả nhà trai và nhà gái đều có sự chuẩn bị kỹ từ trước đó vài tháng. Từ việc thuê phông rạp đến đặt mua gà, lợn, bò, hải sản, đồ khô, gia vị… tất cả đều đã sẵn sàng lên mâm.
Nhưng cách hôm tổ chức một ngày (24/12/2020 Âm lịch), loa truyền thanh xã thông báo xã Tống Trân, huyện Phù Cừ (huyện giáp ranh nhà chú rể) có trường hợp nhiễm COVID-19.
“Lúc bấy giờ cả gia đình tôi như ngồi trên đống lửa vì rạp đã dựng, nguyên liệu đã mua đủ rồi. Nhưng để đảm bảo an toàn cho khách mời, cũng mong muốn đám cưới được diễn ra trong không khí vui vẻ, gia đình tôi đã họp bàn rồi thống nhất hoãn cưới", anh Vũ Đình Tao chia sẻ.
Bấy giờ, nhà gái ở Lai Châu khoảng 30 người đã lên xe di chuyển sang nhà trai, ai nấy đều trang điểm lộng lẫy, xúng xính váy áo. Mọi người đang vui vẻ nói cười, kèm theo tiếng nhạc vu quy xập xình thì chợt một hồi chuông điện thoại của nhà trai cắt ngang. Nghe xong điện thoại, bác trưởng đoàn nhà gái lập tức thông báo tài xế quay xe.
Hai tháng sau, nghe ngóng tình hình huyện bên cơ bản đã kiểm soát được dịch, gia đình lại chuẩn bị lên kế hoạch tổ chức đám cưới lần 2. Nhưng cách ngày cưới dăm hôm thì xã bên lại có ca nhiễm, xã Trung Dũng nơi chú rể sinh sống cũng có vài trường hợp F1 có liên quan. Lần này, gia đình lại muối mặt gọi điện cho khách báo hủy. Đám thực phẩm còn dư từ lần cưới "hụt" thứ nhất còn chưa xử lý xong, nay lại được tăng cường lần 2.
“Mẹ tôi lại bù đầu ra vì lần 1 phải đi từng nhà nói là hoãn. Lần này nữa là lần thứ 2. Mà dịch bệnh như thế này không biết bao giờ mới cưới được. Lúc đó vợ tôi đã có bầu được 3 tháng rồi”, anh Vũ Đình Tao chia sẻ.
Lần 3, ngày 22/3/2021 (Âm lịch) rút kinh nghiệm từ hai lần trước, lần này gia đình cẩn thận cập nhật tình hình COVID-19 trước nửa tháng, không chỉ tin tức trong tỉnh mà còn ở Lai Châu, TP Hải Phòng… vì đây là hai tỉnh có số lượng khách mời nhiều nhất.
Nhưng điều không mong muốn nhất lại xảy đến, đúng ngày dựng rạp làm cỗ, huyện Tiên Lữ lại xuất hiện ca nhiễm COVID-19. Lại một lần nữa đám cưới bị hủy trong sự thất vọng của cô dâu và chú rể.
Chính quyền xã đưa ra lời khuyên gia đình vẫn có thể tổ chức, nhưng chỉ nên thu hẹp ở quy mô nhỏ khoảng 30 người. Nghĩ cưới xin là chuyện hệ trọng cả đời, mong muốn có sự chung vui của tất cả bạn bè người thân, một lần nữa gia đình anh Tao lại thống nhất đưa ra quyết định hủy cưới lần 3.
Theo anh Vũ Đình Tao, chi phí mua thực phẩm 3 lần tổ chức cưới “hụt” của gia đình lên tới 60 - 70 triệu đồng, chủ yếu là hải sản, lươn và gà, thịt bò…, còn các loại thực phẩm đồ khô gia đình có thể gửi lại nhờ quán bán hộ. Ngoài ra, gia đình cũng chia cho họ hàng, hàng xóm mỗi người một ít.
Đến nay, hai vợ chồng anh Vũ Đình Tao đã đón cậu con trai kháu khỉnh được 1 tháng tuổi. Chia sẻ về dự định tổ chức đám cưới trong tương lai, anh Tao cho biết: "Có thể là cuối năm, sang năm hoặc sang năm nữa, khi tình hình dịch bệnh ổn định và con tôi cũng cứng cáp hơn".
Ngày cưới đẹp nhất là ngày… không có F0, F1
May mắn hơn trường hợp của anh Vũ Đình Tao, vợ chồng chị Hà Hiền (25 tuổi) và anh Hoàng Tiến (27 tuổi, đều ở An Ninh, Bình Lục, Hà Nam) cũng từng phải hoãn cưới 1 lần.
“Sau 3 năm yêu nhau, em và chồng quyết định kết hôn. Bố mẹ hai bên chọn ngày và thống nhất ấn định ngày cưới vào 12/4/2021 Âm lịch (tức 23/5 Dương lịch).
Vợ chồng em đã chụp ảnh cưới, lên danh sách khách mời, in thiếp mời, bố mẹ hai bên cũng đã chuẩn bị mọi thứ. Tuy nhiên, thời điểm đó dịch bắt đầu bùng lên ở huyện Lý Nhân (em ở An Ninh, Bình Lục, Hà Nam) nên gia đình em chính thức hoãn cưới”.
Tuy nhiên, đôi trẻ vẫn tổ chức cưới lần đó để lấy ngày. Tất cả có 10 người (gồm cả cô dâu chú rể), các thủ tục như đăng ký kết hôn, đón dâu đều cược tối giản nhất có thể. Trước ngày cưới, gia đình hai bên phải lên xã làm bản cam kết, không được tụ tập quá 10 người.
Sau 6 tháng chờ đợi, ngày 24/11 vừa qua, đám cưới của anh chị cũng được tổ chức chính thức. Giống như lần 1, lần này gia đình hai bên cũng lên xã để làm bản cam kết, không được quá 5 mâm một lần ăn. Vì vậy, tiệc cưới phải chia thành nhiều khung giờ, mỗi khung giờ mời không quá 30 người. Gia đình trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn tay để ở cổng rạp cưới.
Tất cả đều đã chuẩn bị xong xuôi, rạp cưới đã dựng xong thì trước ngày bỏ trầu, sát cạnh nhà gái có F1, anh đi chung xe với F0. Dù trong gia đình không ai tiếp xúc với F1, nhưng tất cả đều rất lo lắng.
“Em nhớ như in, khoảng 5h chiều ngày hôm đó, xe cứu thương đến đỗ cạnh cổng rạp cưới của em để đón anh ấy đi cách ly. Cuộc đời em không bao giờ nghĩ sẽ rơi vào tình huống lo lắng như vậy. Cả đêm hôm đó tất cả mọi người trong gia đình đều thức trắng để đợi kết quả PCR của anh hàng xóm”, chị Hà Hiền chia sẻ.
Cũng ngay trong đêm hôm đó, ủy ban xã họp khẩn và đưa ra các phương án phòng dịch, nếu trường hợp F1 dương tính, đám cưới bắt buộc dừng tổ chức, nếu âm tính thì vẫn tổ chức giới hạn 30 người một lần ăn.
Phòng tình huống khách mời lo ngại F1 cạnh nhà sẽ không đến ăn cỗ, ngay đêm hôm đó, bố mẹ cô dâu đã gọi điện cho các bên cung cấp thực phẩm cắt giảm khoảng 20-30%.
“7h30 sáng hôm bỏ trầu (23/11), F1 có kết quả âm tính, mọi người gia đình em thờ phào vui mừng như ăn Tết sớm. Cả hai ngày bỏ trầu và cưới đều diễn ra suôn sẻ, vẹn tròn hơn mong đợi. Không chỉ bố mẹ và hai đứa em vui, mà họ hàng làng xóm cũng vui mừng nói “toại nguyện rồi nhá”, chị Hà Hiền bật cười chia sẻ.
Dạm ngõ online
Trường hợp khác của anh Nguyễn Đình Long (1994, ở TP.HCM) và chị Phạm Thị Gấm (1996, ỏ Hưng Yên). Gần một năm nay, chị Gấm chưa được gặp người yêu vì dịch, hai người chỉ có thể kết nối với nhau qua màn hình điện thoại. Sau hơn 1 năm hẹn hò, hai người quyết định về chung một nhà vào ngày 10/12/2021 âm lịch.
Vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên mọi thông tin hai gia đình đều phải trao đổi qua điện thoại, kể cả việc dạm ngõ. Tuy nhiên sau 2 lần trao đổi, hai bên gia đình vẫn chưa chốt được địa điểm tổ chức hợp lý nhất vì tất cả còn phụ thuộc vào tình hình và chỉ đạo phòng chống dịch của chính quyền ở địa phương.
Chị Phạm Thị Gấm chia sẻ: “Mình cũng khá lo lắng, nhiều lúc cảm thấy áp lực vì sát ngày cưới đến nơi rồi mà chưa chốt được địa điểm cưới. Nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân, vì có tổ chức được thì số lượng khách mời cũng bị hạn chế, có người này lại thiếu người kia. Mà sang năm hai vợ chồng không được tuổi nên vẫn phải tổ chức trong năm”.
Chị Gấm cho biết, ít ngày nữa chồng chị sẽ bay từ TP.HCM về Hưng Yên, sau khi hoàn thành việc cách ly, anh chị chỉ còn 10 ngày để chuẩn bị cho đám cưới.
Việc hủy đám cưới hay tổ chức hôn lễ vào dịp giãn cách xã hội, có dịch xuất hiện là điều không ai mong muốn. Vì vậy, người thân hay bạn bè cô dâu, chú rể cũng đều cảm thông cho các cặp đôi trong dịp này. Điều mọi người mong muốn nhất hiện nay là dịch COVID-19 nhanh chóng được đẩy lùi để cuộc sống có thể quay trở lại bình thường như trước đây.
Bình luận