Hiện, VEC đang là chủ đầu tư của 6 dự án đường cao tốc với tổng chiều dài 583km, trong đó 3 dự án về cơ bản đã hoàn thành và đưa vào khai thác với chiều dài 350km. Các dự án còn lại dự kiến đến năm 2019 sẽ hoàn thành đầu tư.
Như vậy, để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đầu tư xây dựng được 1.000 km đường cao tốc, VEC cẩn phải huy động vốn đầu tư mới khoảng 420km. Tuy nhiên, trong bối cảnh nợ công tăng cao, phía VEC thừa nhận việc huy động vốn trong giai đoạn hiện nay gặp nhiều khó khăn.
Theo lãnh đạo VEC, tại Việt Nam, Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đưa ra chủ trương nhượng quyền khai thác các dự án đã hoàn thành cho nhà đầu tư để có nguồn lực đầu tư các dự án mới và phía đơn vị này đánh giá đây là phương thức hữu hiệu nhằm huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, giúp giảm áp lực tăng nợ công của Chính phủ.
“Vì vậy, việc nghiên cứu phương án nhượng quyền có thời hạn quyền khai thác các dự án đường cao tốc do VEC quản lý, trước mắt là dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là phù hợp và cần thiết,” lãnh đạo VEC nhấn mạnh.
Do việc nhượng quyền vận hành khai thác dự án đường cao tốc là đặc thù, chưa có tiền lệ tại Việt Nam, VEC đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ thí điểm giao VEC đàm phán, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm, năng lực trong vận hành, khai thác đường cao tốc.
Sau khi được lựa chọn, nhà đầu tư sẽ thành lập doanh nghiệp dự án (SPV) để vận hành, khai thác đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. VEC sử dụng một phần phí nhượng quyền để góp vốn vào SPV, cùng nhà đầu tư tham gia vận hành, khai thác đường cao tốc.
Theo phương án này, cơ cấu nguồn vốn đầu tư VEC đề xuất vốn chủ sở hữu chiếm 30% giá trị nhượng quyền trong đó phần vốn góp của VEC là 29% và phần vốn góp của nhà đầu tư chiến lược là 71%. Lợi nhuận kỳ vọng trên vốn chủ sở hữu của VEC và nhà đầu tư chiến lược trong khoảng 12-14%.
Đặc biệt, giá trị VEC nhận được từ nhượng quyền ước tính sẽ là 9.171 tỷ đồng, với thời gian nhượng quyền là 30 năm (thời gian nhượng quyền khai thác các dự án giao thông thường từ 25 -30 năm), lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư 14% và lãi vay ngân hàng 8,5%.
Ngoài ra, VEC đề xuất sử dụng phí nhượng quyền còn lại sau khi tham gia góp vốn vào SPV cùng nhà đầu tư vận hành khai thác dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình để góp vào phần vốn chủ sở hữu (vốn góp của VEC chiếm từ 51 - 71% theo từng dự án.
Lợi nhuận kỳ vọng trên vốn chủ sở hữu của VEC và nhà đầu tư lần lượt là 7% và 14%) đầu tư 2 dự án Ninh Bình - Quốc lộ 45 và Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước và huy động từ các tổ chức tài chính. Tổng nguồn vốn VEC cần đầu tư cho 2 dự án là 6.110 tỷ đồng. Thời gian thực hiện đầu tư dự án dự kiến từ năm 2017 - 2020.
Video: Xe tải bốc cháy dữ dội trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Bình luận