Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện đầu tư xây dựng một số đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Chuyển đổi 3 dự án PPP sang đầu tư công
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký văn bản gửi Quốc hội về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Theo đó, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 52 ngày 22/11/2017. Dự án có chiều dài 654km, tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Phương án triển khai chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Triển khai Nghị quyết số 52/2017 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 20 ngày 28/3/2018 về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương có liên quan, khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư dự án theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, nhằm ứng phó với tác động của dịch COVID-19, triển khai kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phòng chống suy giảm kinh tế và giữ vững ổn định xã hội.
Đối với dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, do phát sinh một số yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi triển khai các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP, đặc biệt là việc huy động vốn tín dụng gặp rất nhiều khó khăn.
Với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian dịch bệnh và hỗ trợ lan tỏa phát triển kinh tế xã hội trong dài hạn, Chính phủ đã có tờ trình 282 ngày 5/6/2020 trình Quốc hội xem xét chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần từ phương thức PPP sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá 14 đã thông qua chủ trương chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước đối với 3 dự án thành phần: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây tại Nghị quyết 117 ngày 19/6/2020. Tiếp đến, ngày 27/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 112 triển khai Nghị quyết 117/2020 ngày 19/6/2020 của Quốc hội.
“Như vậy, trong tổng số 11 dự án thành phần đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, có 6 dự án thành phần đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước và 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ trong báo cáo.
Thi công đồng loạt 6 dự án
Về tiến độ thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 52/2017, đến tháng 10/2018, Bộ GTVT đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần, với tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng.
Đồng thời, triển khai Nghị quyết 117/2020 của Quốc hội và Nghị quyết 112 ngày 27/7/2020 của Chính phủ, trong tháng 7/2020, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi đối với 3 dự án thành phần chuyển đổi từ phương thức đầu tư PPP sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây). Tổng mức đầu tư 11 dự án thành phần (sau khi điều chỉnh) là 99.475 tỷ đồng.
Ba dự án đang triển khai thi công đảm bảo tiến độ, trong đó hai dự án Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn sẽ hoàn thành vào năm 2021, còn lại cầu Mỹ Thuận 2 sẽ hoàn thành trong năm 2023.
Về tình hình lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công của 6 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, 3 dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công 16/17 gói thầu xây lắp. Còn lại 1 gói thầu (trụ tháp, dầm dây văng) thuộc dự án thành phần cầu Mỹ Thuận 2 đang được đấu thầu để lựa chọn nhà thầu; dự kiến triển khai thi công từ tháng 1/2021.
Liên quan đến 5 dự án thành phần triển khai theo hình thức PPP, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, ngày 20/7/2020, bên mời thầu đã phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư qua sơ tuyển, tổng số 14/16 nhà đầu tư đã mua hồ sơ mời thầu.
Đến ngày 5/10/2020, bên mời thầu đã tổ chức đóng/mở thầu toàn bộ 5 gói thầu lựa chọn nhà đầu tư. Quá trình thực hiện đóng/mở thầu được bên mời thầu và các nhà đầu tư tổ chức thực hiện công khai, đúng quy định pháp luật về đấu thầu, trước sự chứng kiến của các bên có liên quan và đại diện Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an).
Kết quả, trong 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP, đến hết thời điểm gia hạn đóng thầu, 4 dự án thành phần có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu (QL45 - Nghi Sơn, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) và 1 dự án thành phần không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu (Nghi Sơn - Diễn Châu).
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đối với 4 dự án thành phần có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, bên mời thầu đang đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, trình phê duyệt kết quả đánh giá đề xuất kỹ thuật; nhà đầu tư đạt điểm kỹ thuật theo yêu cầu sẽ được tiếp tục mở và đánh giá đề xuất tài chính thông qua phương pháp vốn góp nhà nước để đánh giá về tài chính - thương mại; các thông số khác như thời gian hoàn vốn, mức giá dịch vụ,... sẽ được xác định cố định.
Nhà đầu tư có đề xuất giá trị vốn góp nhà nước thấp nhất và không vượt giá trị vốn góp tối đa của nhà nước đã quy định trong hồ sơ mời thầu sẽ được xem xét đề nghị trúng thầu. Trên cơ sở kết quả đánh giá về tài chính, bên mời thầu trình phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12/2020.
Theo yêu cầu tại Nghị quyết 20/2018 của Chính phủ, nhà đầu tư có thời gian tối đa 6 tháng (từ thời điểm ký kết hợp đồng) để huy động vốn tín dụng. Trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ hủy hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng.
Đối với dự án thành phần không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu (đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu), theo quy định tại Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.
Kiến nghị chuyển đổi dự án PPP không chọn được nhà đầu tư
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, để bảo đảm việc triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo đúng yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục thường xuyên giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện Nghị quyết 52/2017; chỉ đạo các cơ quan có liên quan kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc để triển khai dự án bảo đảm tiến độ.
Đồng thời, Chính phủ kiến nghị Quốc hội có ý kiến với các đoàn ĐBQH các địa phương có dự án đi qua thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng cho dự án.
Đối với dự án thành phần đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư được lựa chọn nhưng không huy động được nguồn vốn tín dụng để triển khai, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước còn khó khăn, để tiếp tục đẩy mạnh chủ trương của Đảng, Nhà nước về huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cần có giải pháp đồng bộ, kịp thời, thống nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng theo đúng yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu tại Nghị quyết số 437 ngày 21/10/2017, nhằm xử lý triệt để các khó khăn, vướng mắc tại các dự án BOT trước đây; tạo niềm tin, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng tham gia các dự án đầu tư theo phương thức PPP trong giai đoạn tới.
“Trên cơ sở đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, có ý kiến đồng thuận với các giải pháp của Chính phủ trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại các dự án BOT”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Phấn đấu hoàn thành toàn bộ mặt bằng trong năm 2020
Trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, xác định công tác giải phóng mặt bằng là điều kiện quan trọng, tác động lớn đến tiến độ triển khai dự án, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương, các bộ, ngành huy động toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công trong thời gian sớm nhất, bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Đến nay, các địa phương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao 595 km/654 km (đạt khoảng 91%), phấn đấu cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong quý III năm 2020, riêng đối với một số đoạn phải di dời công trình hạ tầng phức tạp hoàn thành trong quý IV/2020.
Hiện nay, các địa phương đã hoàn thành xây dựng 49/108 khu tái định cư; đang triển khai thi công 50 khu tái định cư; còn lại 09 khu tái định cư đang phê duyệt thiết kế và lựa chọn nhà thầu thi công; phấn đấu hoàn thành xây dựng toàn bộ các khu tái định cư trong quý IV/2020.
Bình luận