Chỉ sau 1 tháng vận hành toàn tuyến, cao tốc đầu tiên ở miền Trung đã chi chít ổ gà. Đặc biệt, tại Km 27, Km 28, Km 29, Km 45 (từ TP Đà Nẵng vào TP Tam Kỳ, Quảng Nam) xuất hiện rất nhiều điểm bị bong tróc.
Trả lời PV VTC News, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức chuyên gia JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) khẳng định: “Không chỉ đường cao tốc, bất cứ con đường nào cũng không thể xuống cấp nhanh như vậy được. Đường cao tốc phải đạt yêu cầu cao hơn. Vì vậy, đây là vấn đề nghiêm trọng, cần phải làm rõ các sai phạm và quy rõ trách nhiệm”.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức cho rằng: “Hiện tại, chưa thể quy rõ được cụ thể trách nhiệm cho ai vì cần phải tìm hiểu thêm thông tin. Nhưng đó là trách nhiệm thuộc về cả 3 bộ phận: Khảo sát thiết kế, thi công và giám sát chất lượng.
Đầu tiên, cần phải làm rõ trách nhiệm của phía giám sát. Giám sát chất lượng mà lại không phát hiện ra được tình trạng này. Người thực hiện là bên thi công và khảo sát thiết kế cũng phải tính đến. 2 bộ phận này chắc chắn phải chịu trách nhiệm, có thể 1 bộ phận, hoặc cả 2 bộ phận".
Bên cạnh đó, ông Đức còn chỉ ra một yếu tố nữa có thể là nguyên nhân gây ra vấn đề nghiêm trọng này. "Quá trình nghiệm thu ở Việt Nam đã bộc lộ rất nhiều vấn đề. Đó là “nghiệm thu trên giấy”, ông Đức nói.
Theo ông Đức, quá trình nghiệm thu diễn ra theo từng giai đoạn, yêu cầu có chữ ký đầy đủ các bên liên quan nhưng lại không xem xét cụ thể tất cả các chi tiết. Ông Đức đánh giá đây là lỗ hổng lớn của nghiệm thu.
Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã đi vào hoạt động theo hình thức BOT. Vì vậy, việc nghiệm thu chắc chắn đã được cơ quan chức năng thông qua. Ông Đức nhìn nhận, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước là cấp cao thì càng không làm thực tế.
Lãnh đạo, người có trách nhiệm cao nhất không ra thực tế mà chỉ nhân viên phía dưới xem xét hồ sơ. Mà có hồ sơ đó cũng là từ bên thi công, giám sát trình lên. Trong trường hợp này, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chưa làm tròn trách nhiệm. Làm việc như vậy thì rất khó để phát hiện ra được vấn đề.
Nói về nguyên nhân sâu xa của sự cố này, ông Đức cho rằng, có thể do bất cập biến đổi địa chất, có thể do buông lỏng quản lý. Ông Đức cũng không loại trừ có tham ô, tham nhũng. Và muốn khẳng định được điều này thì phải điều tra kĩ lưỡng.
XEM THÊM SỰ VIỆC TẠI ĐÂY:
“Người dân có quyền nghi ngờ có tham ô, tham nhũng ở đây vì thời gian qua chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ việc tham ô, tham nhũng bị phanh phui”, ông Đức phân tích.
Ông Đức tin rằng, nếu chứng minh được có tham ô, tham nhũng thì cần hình sự hóa vụ việc.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho rằng, trách nhiệm thuộc về cơ quan thiết kế, cơ quan đầu tư và cơ quan thi công sẽ phải chịu trách nhiệm cao nhất.
Tuy nhiên, ông Thuỷ nhận định, Hội đồng Nghiệm thu cấp cao cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong sự việc này.
Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đưa vào khai thác toàn tuyến vào ngày 2/9 vừa qua. Dự án có tổng mức đầu tư 34.516 tỷ đồng do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc loại A, quy mô giai đoạn 1 là 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/h (đoạn đặc biệt khó khăn 100km/h), chiều rộng nền đường 24,25m, chiều rộng mặt đường 22,25m.
Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng vận hành toàn tuyến, cao tốc đầu tiên ở miền Trung đã xuất hiện loang lổ ổ gà.
Video: Đường cao tốc Mỹ biến thành sông sau siêu bão
Bình luận