• Zalo

Cao thủ thiếu nửa ngón Ngô Kinh: 'Hậu duệ' của Lý Liên Kiệt từng bị hắt hủi vì dị tật

Sao thế giớiThứ Sáu, 22/04/2016 02:54:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nếu ngày đó bị sư phụ từ chối chỉ vì dị tật, ngôi sao võ thuật mang tên Ngô Kinh có thể sẽ không thể vụt sáng.

(VTC News) - Nếu ngày đó bị sư phụ từ chối chỉ vì dị tật, ngôi sao võ thuật mang tên Ngô Kinh có thể sẽ không thể vụt sáng.

Bị hắt hủi vì thiếu một mẩu ngón tay

Ngô Kinh sinh ra năm 1974 trong một gia đinh có truyền thống võ thuật ở Bắc Kinh, ông nội từng học Thái cực quyền Ngô thị, trong khi cha anh là sự kết hợp giữa Đường Lang quyền và Cửu Tiết Tiên.

Nhưng không như những đứa con nhà nòi khác, ban đầu Ngô Kinh thường tìm cách trốn học võ. “Tôi bắt đầu học võ từ năm 6 tuổi, có thể nói là bị ép học, ông nội và tôi đều luyện võ, nói gia đình tôi là “võ thuật thế gia”, tôi là con nhà nòi” – nam diễn viên cho biết.

Ngô Kinh sinh ra và lớn lên trong chiếc nôi võ thuật ở Bắc Kinh
Ngô Kinh sinh ra và lớn lên trong chiếc nôi võ thuật ở Bắc Kinh 

Năm 6 tuổi, Ngô Kinh được gửi vào Viện võ thuật Bắc Kinh. “Năm 1980 tôi nhập đội võ thuật, mỗi ngày dậy lúc 6h sáng, luyện tập tới 7h rồi ăn cơm, dọn dẹp vệ sinh, đi học, ăn cơm trưa, chiều luyện tập võ thuật, ăn tối và tối về học bài”.

Được rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt, Ngô Kinh sớm thể hiện mình là người mạnh mẽ, rắn rỏi.

Bảy năm sau, cha đưa Ngô Kinh tới trường Thập Sát Hải của võ sư Ngô Bân để xin học. Suýt chút nữa, Ngô Kinh đã phải đứng ngoài cổng Thập Sát Hải chỉ vì Ngô Bân phát hiện ra, cậu trò nhỏ này thiếu mất một mẩu trên ngón tay cái.

Ngô Bân cho rằng, ngón tay cái là một trong những vũ khí mạnh nhất của người học võ, thiếu đi 1 phần ngón tay, ông e Ngô Kinh sẽ không thể làm nên sự lớn.

Tuy nhiên, dưới sự khẩn cầu của cha Ngô Kinh, võ sư Ngô Bân đành đồng ý. 

“Hậu duệ của Lý Liên Kiệt”

Sư phụ Ngô Bân hẳn đã rất hài lòng vì ngày ấy đã không từ chối cậu học trò cưng Ngô Kinh.

Sau ba năm dìu dắt, thấy cậu học trò đã đủ trưởng thành, năm Ngô Kinh 16 tuổi, Ngô Bân bắt đầu đưa anh đến với những cuộc thi võ thuật. Chỉ trong vòng hai năm, anh đã đem về hàng loạt những danh hiệu quán quân toàn quốc ở các nội dung quyền, đao, thương…

Ngô Kinh còn chăm chỉ thức khuya dậy sớm đứng tấn và rèn luyện sức bền. Nhờ thế mà võ công tiến triển rất nhanh. Võ sư Ngô Bân rất hài lòng về Ngô Kinh và đánh giá, đây sẽ là người kế thừa hoàn hảo cho võ công cũng như bản lĩnh của Lý Liên Kiệt.


Và đúng như Ngô Bân dự đoán, năm 1995, Ngô Kinh cũng theo đàn anh Lý Liên Kiệt tiến vào sự nghiệp điện ảnh. Ngô Kinh kể lại cái duyên của anh với sự nghiệp diễn xuất: “Thiếu Lâm tự” đóng máy được 15 năm thì Trương Đạo và Viên Hoà Bình thành lập một công ty, chuẩn bị một bộ phim mới và đến đội võ của chúng tôi tìm diễn viên. 

Khi đó chúng tôi đang chuẩn bị thi đấu, nên tập trung lại với nhau. Ngày hôm đó, tôi cảm thấy huấn luyện viên dễ tính quá, không “phát xít” như mọi lần, cho chúng tôi về nghỉ ngơi sớm. Thì ra vì đạo diễn Trương Đạo tới chỗ chúng tôi để lựa người.


Chẳng hiểu sao, khi ấy, một huấn luyện viên trong trường, đồng thời là sư thúc của tôi lại nhanh miệng: “Ngô Kinh cũng được đấy”. Huấn luyên viên của tôi trừng mắt nhìn sư thúc tức giận, nhưng vì ngại từ chối, nên để tôi tới chỗ Trương Đạo, sau khi múa võ, Trương Đạo gật đầu và chọn tôi. Lúc đó tôi cứ nghĩ đóng phim cũng như đi thi đấu vậy, 10 ngày tới nửa tháng là về. 

Khi tôi tới đó, đạo diễn bảo tôi cầm kịch bản mang về đọc, rồi đòi cạo trọc đầu tôi. Tôi hoảng hốt hỏi sao lại cạo trọc đầu. Đạo diễn nói: ‘Làm phim thời nhà Thanh’. ‘Vậy tôi diễn vai gì?’ ‘Cậu là nam chính’ ‘À, vậy nữ chính là ai đóng?’. ‘Là Chung Lệ Đề’. Ôi mẹ ơi, mọi thứ diễn ra rất nhanh và ngoài tầm dự đoán của tôi, tôi bị cuốn vào vòng xoáy mới với công việc diễn xuất”.

ngô kinh

Nhờ khả năng võ thuật cùng kỹ năng diễn xuất tốt, Ngô Kinh đã góp mặt trong nhiều bộ phim gây tiếng vang như Thiếu Lâm võ vương, Nam Thiếu Lâm, Thái Cực sư tôn, nhưng ấn tượng nhất trong đó là Sát Phá Lang (2005), màn đấu tay đôi với Chân Tử Đan đã được đánh giá là một trong những màn giao đấu ấn tượng nhất trong lịch sử phim hành động Hồng Kông.

Sau thành công đó, Ngô Kinh được nhiều nhà làm phim điện ảnh để ý hơn. Từ năm 2005 đến năm 2008, anh tham gia vào các tác phẩm điện ảnh đáng chú ý như: “Hắc quyền”, “Nam nhi bản sắc”, “Sứ mạng song sinh”, “Huyết chiến”…

Tài năng võ thuật lẫn khả năng diễn xuất không thua kém Lý Liên Kiệt song tới nay, Ngô Kinh vẫn chưa thể thành công được như đàn anh giống sự kỳ vọng của sư phụ Ngô Bân. Sự nghiệp của anh luôn bị kìm hãm bởi nỗi ám ảnh mang tên “chấn thương”, anh được gọi vui là “ngôi sao xui quấy nhất dòng phim võ thuật”.

(Còn nữa)

Màn đối đầu giữa Ngô Kinh và Chân Tử Đan trong Sát Phá Lang


Hoàng Nhi
Bình luận
vtcnews.vn