• Zalo

Cannes 2019 và sự ê chề của 'quân đoàn' showbiz Trung Quốc

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 28/05/2019 12:31:00 +07:00Google News

Trung Quốc có dàn nghệ sĩ hùng hậu nhất xuất hiện trên thảm đỏ Cannes lần thứ 72 nhưng các giải thưởng danh giá không có chỗ cho điện ảnh quốc gia tỷ dân.

Tân Hoa Xã so sánh số lượng nghệ sĩ Trung Quốc tham dự Liên hoan phim (LHP)Cannes lần thứ 72với cụm từ "quân đoàn". “Đội quân Trung Quốc” gây cảm giác mạnh mỗi khi xuất hiện. Các nhà tổ chức còn thực hiện Đêm Trung Quốc để quảng bá điện ảnh Trung Hoa.

Trong khi đó, giải Cành cọ vàng danh giá nhất thuộc về phim Parasite (Ký sinh trùng). Parasite do đạo diễn Bong Joon Ho thực hiện, được đánh giá là tuyệt tác điện ảnh khi đan xen nhiều thể loại. Đây là năm thứ hai liên tiếp Cành cọ vàng thuộc về một tác phẩm điện ảnh châu Á. Năm 2018, Shoplifters của Nhật Bản được xướng tên ở hạng mục danh giá nhất.

saoTrungQuoctaiCannes (1)

Điện ảnh Hàn Quốc được vinh danh ở Cannes 2019. Năm 2018, một phim của Nhật Bản đoạt Cành cọ vàng.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, dân mạng cho rằng điện ảnh nước này đang thoái trào. LHP Cannes 2019 đã cho thấy sự sáo rỗng, khoa trương và lố bịch của giới nghệ sĩ đến từ đất nước này.

Dàn sao đổ xô tạo dáng, khoe thân ở thảm đỏ

Theo 163, showbiz Trung Quốc mang tới liên hoan phim quốc tế dàn nghệ sĩ đông đảo tạo dáng trên thảm đỏ. Từ đêm khai mạc đến ngày bế mạc, số lượng nghệ sĩ quốc gia tỷ dân luôn áp đảo so với nhiều nước châu Á khác.

Đó là ngôi sao hạng A như Chương Tử Di, Củng Lợi, Hứa Tình, Quan Hiểu Đồng, Sui He, Hề Mộng Dao. Bên cạnh đó còn là sự đổ bộ của dàn nghệ sĩ ít tên tuổi: Thi Dư Phi, Kim Xảo Xảo, Kỳ Di Nhã.

saoTrungQuoctaiCannes (2)

Trung Quốc mang đội quân hùng hậu nghệ sĩ tới Cannes.

“Với nghệ sĩ Trung Quốc, Cannes không còn là sự kiện điện ảnh mà đơn giản chỉ là nơi phô diễn váy áo”, 163 nhận định. Các trang web thương mại điện tử và công ty du lịch công bố các gói dịch vụ “dự thảm đỏ Cannes” với kinh phí từ 15.000 USD đến 25.000 USD.

Tờ Sohu chê cười: “Các quốc gia láng giềng tới Cannes để quảng bá phim ảnh và văn hóa quốc gia. Còn người Trung Quốc khi nghĩ về Cannes chỉ miệt mài bình luận ngôi sao thảm đỏ”.

Những ngày qua, từ khóa được tìm kiếm nhiều trên Weibo liên quan đến Cannes là “sao mặc phản cảm”, “nghệ sĩ bị đuổi ở thảm đỏ”, “nghệ sĩ Trung Quốc làm mất mặt quốc gia”. Ngay cả Củng Lợi và Chương Tử Di cũng không được đánh giá cao tại Cannes năm nay khi dự liên hoan phim với vai trò khách mời danh dự, không có phim mới.

Sau sự kiện, Thi Dư Phi và vài hot girl mạng xã hội còn khóc, gửi lời xin lỗi khi bị chỉ trích “làm mất mặt quốc gia”. Cảnh Điềm phân bua không bị đuổi khỏi thảm đỏ Cannes do tạo dáng quá lâu như lời phàn nàn từ công chúng. Thi Dư Phi thậm chí còn tuyên bố muốn rút khỏi showbiz vì những lời miệt thị.

Những người yêu điện ảnh không khỏi xót xa trước sự khoe mẽ của giới nghệ sĩ. Mỗi năm, các nhà phát hành phim đều tự hào khoe thành tích hàng loạt phim thắng lớn về doanh thu, xô đổ mọi kỷ lục, có thể cạnh tranh với các bom tấn Hollywood. Nhưng các "bom tấn" này đều biến mất ở các giải thưởng lớn.

saoTrungQuoctaiCannes (3) 3

Chương Tử Di hay Củng Lợi không có tác phẩm tại LHP Cannes năm nay. Họ là khách mời danh dự.

“Liệu rằng chúng ta có đang tự ru ngủ nhau?”, 163 đặt câu hỏi. Nhìn sang láng giềng là Hàn Quốc và Nhật Bản, họ không ồn ào dự thảm đỏ nhưng lại mang về những giải thưởng uy tín.

Xấu hổ trước Nhật Bản và Hàn Quốc, tiếc thời hoàng kim

LHP Cannes có khoảng 21 phim tranh tài ở hạng mục Cành cọ vàng. Trong số đó, Trung Quốc tự hào với tác phẩm Gặp gỡ ở nhà ga phía nam do Hồ Ca, Quế Luân Mỹ, Liêu Phàm, Vạn Thiến đóng chính. Giới phê bình chấm phim 2,7 điểm trong thang điểm 4. Đó là con số đáng khích lệ.

Tuy nhiên, bộ phim không tạo được dấu ấn đặc sắc so với 20 tác phẩm còn lại. Các hoạt động phim ảnh của Trung Quốc tại Cannes chủ yếu diễn ra bên ngoài trung tâm hội nghị Le Palais.

saoTrungQuoctaiCannes (4) 3

Trung Quốc loay hoay với dàn sao trên thảm đỏ và ra về tay trắng.

Đó là đêm tiệc Đêm Trung Quốc lần thứ nhất. Ngoài ra còn là các buổi giao lưu quảng bá điện ảnh do Châu Đông Vũ chia sẻ. Nữ diễn viên Hứa Tình tham gia diễn đàn quảng bá điện ảnh châu Á.

Những năm qua, Cannes mất dần sức hút do ngành công nghiệp điện ảnh thế giới giảm đáng kể số phim sản xuất trong năm. Dù thế, Trung Quốc luôn mang đến Cannes nhiều phim trình chiếu bên ngoài LHP. Đáng tiếc, danh giá tại liên hoan phim không dành cho các tác phẩm điện ảnh Trung Hoa.

Sự tiếc nuối và hoài niệm quá khứ cũng là suy nghĩ của nhiều người yêu điện ảnh Trung Quốc. Từ năm 1959, Trung Quốc có phim đầu tiên tham gia LHP Cannes. Năm 1993, Bá Vương biệt Cơ tạo nên chấn động khi đoạt giải Cành cọ vàng.

26 năm qua, điện ảnh Trung Quốc vẫn sống trong hồi ức huy hoàng của thời Trương Quốc Vinh và Củng Lợi ngày ấy.

“Năm ngoái là Shoplifters, năm nay là Ký sinh trùng lần lượt mang hào quang cho điện ảnh châu Á. Điện ảnh Trung Quốc có cảm thấy hổ thẹn không? Sau thời phim võ hiệp, Trung Quốc đang ở đâu trên bản đồ điện ảnh?”, một nhà làm phim trăn trở.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn