Cùng 1 xóm, mà đi từ nhà nọ sang nhà kia mất 1,5 tiếng đi thuyền. Người trưởng xóm phải rất vất vả mới chèo được mái thuyền, vì nước vẫn chảy xiết, chỉ một chút sơ sẩy là có thể rơi xuống dòng nước sâu 10m vẫn cuồn cuộn đục ngàu. Bốn bề mênh mông nước, thi thoảng lại gặp xác chết của gia súc, gia cầm nổi lên, bốc mùi nồng nặc.
Xóm 11 của xã Hà Linh là nơi giáp ranh với "rốn lũ" Phương Mỹ, huyện Hương Khê. Nước ngập trên các thửa ruộng như một dòng sông lớn, chảy thành dòng, gió thổi mạnh, tưởng phải bỏ cuộc giữa chừng vì quá hiểm nguy, vì thương người chèo thuyền quá chừng.
Nhưng bước chân đến những ngôi nhà của người dân gần như bị tách biệt với thế giới bên ngoài, mới thấy, tận cùng của những nhọc nhằn, vất vả.
Rớt nước mắt nhìn cảnh người dân mò mẫm tìm lại lau từng chiếc bát, chiếc nồi, áy náy vì không có cốc nước sạch mời đoàn cứu trợ, bởi mấy ngày nay họ cũng chỉ ăn mì tôm sống.
Đàn lợn 5 con nhọc nhằn nuôi cả năm trời cũng cuốn theo cơn lũ dữ, chỉ còn chiếc chuồng trống trơn. Món tài sản đáng giá nhất, là mấy con gà may mắn sống sót sau đợt lũ, nước rút đến đâu, được đưa lên chỗ cao đến đó.
Còn con người, vẫn bì bõm vật lộn với sự khắc nghiệt của thiên tai, bằng sức lực nhỏ bé. Người đàn ông chủ gia đình gần như bị câm, chỉ biết nắm tay thật chặt, rưng rưng cảm ơn những thùng mì, số tiền của độc giả gửi tặng.
Anh con trai, chủ lực kinh tế của gia đình bị thương nặng ngay lồng ngực khi khiêng đồ chạy lũ, giờ cũng chưa dám chắc tình hình sức khoẻ sẽ thế nào.
Mỗi số phận là một niềm thương. Nhìn bóng người trưởng xóm liêu xiêu in dưới mặt nước, tận tình đưa đoàn cứu trợ đến từng nhà dân còn bị cô lập, không quản vất vả, hiểm nguy, chịu đói cùng đoàn từ sáng sớm đến nửa buổi chiều, thấy thương đến thắt lòng.
Ở xứ đất cằn sỏi đá, thiên tai bão lũ triền miên năm này sang tháng khác, sự khắc khổ hằn sâu trên mỗi gương mặt người.
Vậy mà nụ cười động viên đoàn cứu trợ của người đàn ông ấy, âm vang chất giọng đặc trưng của người miền Trung, vẫn vang lên trên "mặt sông", ấm lòng biết nhường nào.
Video cận cảnh cuộc sống cơ cực của người dân sau lũ lịch sử
Bình luận