(VTC News) - Cạnh tranh trong kinh doanh là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, nhưng cũng là "con dao hai lưỡi" có thể giết chết doanh nghiệp.
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, cạnh tranh có vai trò vô cùng quan trọng. Cạnh tranh đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm mọi biện pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao để đáp ứng thị hiếu và nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, cạnh tranh cũng có hai mặt. Ngoài mặt tích cực thì cũng có thể mang lại những hậu quả tiêu cực to lớn, nếu các doanh nghiệp áp dụng những phương thức cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp đối thủ nhằm chiếm thị phần.
Bia Huda Huế bị tung tin đồn bán cho doanh nghiệp Trung Quốc |
Đại diện Công ty đã lên tiếng giải trình về việc công ty đang là nạn nhân của một “âm mưu” cạnh tranh không lành mạnh, được của đối thủ lập kế hoạch chi tiết.
Đối thủ cạnh tranh đã cố tình chụp ảnh sản phẩm giả để bêu xấu sản phẩm Baby Care. Nhiều thông tin sai lệch, không có thật liên quan đến sản phẩm Baby Care đã ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.
Chưa kể, danh tiếng công ty sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng . Đây sẽ là lợi thế để các đối thủ cạnh tranh lợi dụng và lan truyền để “bôi xấu” doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp trong ngành đồ uống cũng đã từng bị ảnh hưởng bởi hành vi này.
Ngoài việc làm nhái, làm giả các sản phẩm của những công ty có thương hiệu, gần đây những “người ác ý” còn tung tin đồn sai sự thật, gây ảnh hưởng uy tín các doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp ngành sữa bị đồn nhiễm melamin, nay lại bị đồn có đỉa bên trong… Thông tin này xuất hiện cùng thời điểm với việc các thương lái Trung Quốc tăng cường gom mua đỉa khiến người tiêu dùng phát hoảng.
Cách đây hai năm, tại tỉnh Quảng Trị xuất hiện tin đồn tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch) đã bán Công ty Bia Huế cùng với thương hiệu bia HUDA cho đối tác Trung Quốc.
Thông tin này làm ảnh hưởng rất lớn uy tín của Bia Huế cũng như gây hoang mang trong dư luận. Nhưng sự thật vẫn luôn là sự thật, những tin đồn này nhanh chóng được dập tắt.
Hay như nổi đình nổi đám gần đây là việc các sản phẩm nước uống của Tân Hiệp Phát liên tục dồn dập bị phát hiện có “dị vật trong chai” khiến Tân Hiệp Phát lao đao trong cuộc khủng hoảng thương hiệu.
Dị vật trong chai: Thông tin khó xác định nhưng làm nhiều doanh nghiệp chân chính phải chịu thiệt hại nặng |
Thực tế, sơ xuất trong sản xuất, kinh doanh là khó tránh, song những hiện tượng bất thường như những chai nước vốn được người tiêu dùng ưa chuộng từ những thương hiệu nổi tiếng trong nước như Tân Hiệp Phát bỗng dưng xuất hiện côn trùng, có mốc nấm, thậm chí có cả những dị vật… cứ liên tiếp diễn ra, đủ mọi nhãn hàng thì cũng là một câu hỏi cần đặt ra!
Công nghệ làm hàng giả hiện nay khá tinh vi. Người ta có thể đóng lại chai và khiến người tiêu dùng không thể nào nhận biết được. Và không loại trừ có những đối tượng, tổ chức nào đó muốn làm mất uy tín thương hiệu Việt Nam. Đây là thủ đoạn mà chúng ta cần cảnh giác.
Không lành mạnh trong kinh doanh hiện nay còn được “hỗ trợ” bởi các trang mạng xã hội với các thiết bị hiện đại. Trên các diễn đàn xã hội, facebook, fanpage… những facebooker rất nhanh chóng tạo ra các hội tẩy chay sản phẩm này, hội bội nhọ sản phẩm khác, hội “Tẩy chay hóa chất độc hại đối với trẻ em” và trang fanpage “Tẩy chay các nhà sản xuất vô lương tâm” v.v..
Ngoài ra, trên các trang mạng thường xuất hiện những hình ảnh, bài viết, biếm họa được chế tác rất thu hút, đầy sáng tạo nhưng mục đích để bôi nhọ uy tín của các doanh nghiệp chân chính.
Không thể trách người tiêu dùng khi họ bị hoang mang, dao động bởi những tin đồn “bủa vây” mọi lúc, mọi nơi, nhất là những tin đồn về thực phẩm, đồ uống luôn có độ “nhạy cảm” cao vì đánh thẳng vào sự lo ngại về sức khỏe của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ngoài những động thái kịp thời của các cơ quan chức năng và nhà sản xuất, bản thân người tiêu dùng cũng cần đến sự thông thái của mình để “tăng sức đề kháng” trước “bão” tin đồn.
Video: Trong chai nước của Tân Hiệp Phát có gì?
Người tiêu dùng nên tỉnh táo tự xem xét tin đó có được khẳng định bởi nhà chức trách hay cơ quan nhà nước hay không, lắng nghe ý kiến nhà sản xuất và sử dụng kinh nghiệm và kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của mình để phán xét đúng, sai. Một người tiêu dùng thông thái sẽ luôn vững vàng trước các tin đồn vô căn cứ. Cần biết, việc xây dựng thương hiệu là một việc rất khó, nhưng bảo vệ thương hiệu còn khó hơn. Chính vì vậy, những công ty càng có thương hiệu lớn như Tân Hiệp Phát, như Cty Cồ phần Thương mại và dịch vụ Việt Úc hay Huda Huế…họ lại càng phải giữ gìn những “đứa con” của mình một cách yêu quý và an toàn nhất, cũng như trân trọng khách hàng như “ thượng đế” thì có lý nào lại tự mình đập đổ “nồi cơm” của chính mình.
Chỉ mong rằng, trong thời gian tới, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng về mặt giám sát, nhà sản xuất chân chính thực hiện đảm bảo quy trình sản xuất đúng chuẩn, an toàn và người tiêu dùng bình tĩnh hơn trong mua sắm và xử lý thông tin nhằm đấu tranh với những hiện tượng không lành mạnh, làm hàng giả, gian lận thương mại.
Ngoài ra cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa đối với hành vi tung tin đồn thất thiệt để răn đe và làm gương. Và cũng nên nhớ rằng người tiêu dùng chỉ giận dữ, tẩy chay với những doanh nghiệp chối bỏ trách nhiệm và tìm lý do để đổ lỗi mà thôi.
Mai Trân
Bình luận