• Zalo

Cảnh 'sống mòn' của lao động nghèo trong mùa dịch COVID-19

Đời sốngThứ Tư, 15/04/2020 11:02:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Không còn việc làm thuê do dịch COVID-19, có hôm bà Hội (68 tuổi, ở TP Pleiku, Gia Lai) vét thùng gạo chỉ còn nắm nhỏ, 4 bà cháu nấu cháo ăn qua bữa.

Video: Trải lòng của người lao động, người bán vé số mất việc trong mùa dịch

“Sống mòn” mùa dịch

Cơn tai biến gần 10 năm về trước khiến đôi chân của ông Đặng Thanh Vũ (50 tuổi, trú tổ 3, phường Hoa Lư, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai không còn trụ vững. Tuy nhiên, là cha của 2 đứa trẻ, trụ cột gia đình, ông vẫn phải cố đi bán vé số mỗi ngày để trang trải cuộc sống.

Thế nhưng nguồn sinh kế này đang bị dịch COVID-19 chặn lại do công ty xổ số tạm ngừng phát hành. 

Trước đây, cứ 7h là ông Vũ lại cầm xấp vé số ra khỏi nhà, rồi trở về lúc mặt trời gần khuất bóng với số tiền đủ mua thức ăn cho cả gia đình. Khi có dịch, ông phải đi bán xa hơn, tối về muộn hơn nhưng vẫn không bán nổi 100 tờ/ngày.

Rồi đến lúc việc bán vé số bị ngừng, vợ cũng phải thôi làm thuê ở chợ đêm, họ không biết kiếm tiền từ nguồn nào để nuôi 4 miệng ăn. 

Cảnh 'sống mòn' của lao động nghèo trong mùa dịch COVID-19 - 1

Ông Đặng Thanh Vũ xúc động khi nhận gạo ỗ trợ từ các mạnh thường quân.

Người đàn ông nhỏ bé trên chiếc xe lăn cũ chia sẻ: “Nhà nước nói hãy ở nhà để qua cơn dịch thì tôi cũng nghe theo. Lúc trước, đi bán vé số có đồng ra đồng vào, ngày cũng được 50 chục ngàn đồng. Nhưng dịch bệnh nên phải ở nhà, không đi đâu, chi tiêu cũng theo đó mà thắt chặt từng hào”.

Không chỉ người bán vé số, các lao động tự do cũng "lao đao" trong dịch COVID-19. Từ khi dịch bệnh trở nên căng thẳng, bà Trương Thị Hội (68 tuổi, TP. Pleiku) không còn được ai thuê đi làm công. Xót 3 đứa cháu nội chỉ trông cậy hết vào mình giờ cơm không đủ ăn, bà cảm thấy bất lực.

Cảnh 'sống mòn' của lao động nghèo trong mùa dịch COVID-19 - 2

Từ ngày giãn cách xã hội, bà Hội chỉ biết loanh quanh trong nhà, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo.

Nhắc đến hoàn cảnh của bà Hội, láng giềng không ai không thở dài cám cảnh. Hai người con dâu đều bỏ đi biệt từ nhiều năm trước. Con trai 1 người bệnh tật, 1 người đi xa kiếm sống, công việc khó khăn nên lâu lâu mới gửi về được vài đồng. Vì thế, người phụ nữ gần 70 tuổi này phải gồng mình nuôi 3 đứa cháu ăn học.

Bà Hội tâm sự: “Lúc chưa có dịch, tôi đi dọn nhà, cắt cỏ, ai thuê gì thì làm nấy, ngày được 50-100 ngàn đồng. Ngày nào người ta thương thì cho thêm, mấy bà cháu có thêm miếng thịt. Giờ dịch nên đành chịu, không ai thuê đi làm. Có hôm nhà hết gạo, chỉ vét được chút xíu, mấy bà cháu nấu cháo ăn qua bữa”.

Không bị bỏ rơi

Mấy hôm nay, thùng gạo nhà bà Hội không còn trống rỗng như trước. Bốn bà cháu nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ của chính quyền và cộng đồng.

Mới đây, UBND phường và Hội Cựu thanh niên xung phong, mỗi bên tặng cho mấy bà cháu 10 ký gạo. Còn bà con làng xóm thương mấy đứa nhỏ nên có gì ngon cũng mang sang cho. Tôi chỉ mong mau hết dịch để được đi làm, có tiền nuôi các cháu chứ cũng không mong gì nhiều”, bà Hội tâm sự.

Niềm vui tương tự cũng đến với gia đình ông Đặng Thanh Vũ. Người đàn ông bán vé số kể với ánh mắt rưng rưng: “Mấy ngày gần đây, phường, tổ dân cư và bà con trong xóm hay mang cho gạo, mỳ tôm, giúp cả gia đình vượt qua khó khăn mùa dịch. Vợ chồng tôi không biết nói gì, thật lòng cảm ơn rất nhiều".

Thấu hiểu hoàn cảnh của những người lao động, người bán vé số trong mùa dịch, nhiều mạnh thường quân  tại Gia Lai, bao gồm cả cá nhân và doanh nghiệp, đóng góp để san sẻ khó khăn với họ.

Cảnh 'sống mòn' của lao động nghèo trong mùa dịch COVID-19 - 3

Nhiều phần quà đến với người lao động nghèo.

Ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hội Thương, chủ dãy trọ gần 10 phòng ở địa chỉ 109/9 Phùng Hưng, quyết định miễn 100% tiền thuê trọ trong 2 tháng cho các khách hàng của mình. 

"Tôi không có điều kiện kiếm 'cần câu cơm' cho người thuê trọ nên cố gắng hỗ trợ bằng việc giúp bà con ổn định nơi ở để yên tâm vượt qua mùa dịch", ông Quý nói.

Vị chủ nhà trọ hảo tâm này cũng đứng ra vận động bà con trong phường đóng góp người ký gạo, người bó rau, miếng thịt hoặc ít tiền để giúp người nghèo. Họ cũng cung cấp danh sách những lao động nghèo lên UBND phường để đề xuất hỗ trợ.

Hiện toàn tỉnh Gia Lai có hơn 1.000 người bán vé số dạo. Ông Nguyễn Hoàng Nam - Giám đốc Công ty TNHH Xổ số kiến thiết tỉnh, cho hay: “Từ ngày ngưng phát hành vé số, công ty xuất quỹ phúc lợi 140 triệu đồng mua 10 tấn gạo để hỗ trợ mỗi người bán vé số dạo trên địa bàn 10 kg. Chúng tôi cũng chuyển 9.000 chiếc khẩu trang y tế và 300 chai nước rửa tay kháng khuẩn đến các đại lý nhằm hỗ trợ người bán vé số”.

Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Hữu Quế, Chủ tịch UBND thành phố Pleiku cho biết, tỉnh cũng có công văn kêu gọi các cơ sở kinh doanh, chủ hộ cho thuê nhà trên địa bàn chia sẻ khó khăn với người lao động nghèo, công nhân thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

HIỀN MAI
Bình luận
vtcnews.vn