Video: Cuộc sống khổ sở của người dân trong khu tập thể cũ đã xuống cấp trầm trọng.
Khu tập thể Kim Liên (quận Đống Đa) - được xây dựng trong những năm 1959-1965, gồm 42 nhà chung cư cao từ 2-6 tầng - là một trong những khu tập thể lâu đời nhất ở Hà Nội vừa được lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng vì đã xuống cấp trầm trọng. Mục sở thị những căn hộ mới thấy hết cuộc sống khổ cực của người dân nơi đây.
Tường lở loét, chực chờ rơi đè người
Ngay bên ngoài căn hộ, ai cũng có thể nhìn thấy cảnh vữa tường lở loét, bong tróc, rêu xanh phủ kín như khu nhà hoang. Nguy hiểm hơn, những mảng vữa trên tường, trần nhà, trần cầu thang chỉ chực chờ rơi xuống đầu người dân bất cứ lúc nào.
“Ở đây chỉ còn nửa non những người không đủ tiền mua nhà khác thì phải ở lại. Còn lại phần lớn đã rời đi và cho thuê với giá rẻ từ lâu rồi. Họ không chịu nổi mối lo sợ tường vữa một ngày nào đó sẽ rơi đè người”, một cư dân sống ở tòa B6, tập thể Kim Liên nói.
Bà Trần Minh Anh (81 tuổi), sống ở dãy nhà C2 cũng cho biết: “Khu chúng tôi tổng số có 62 hộ dân thì chỉ còn 28 hộ còn sống ở đây thôi, số còn lại họ chấp nhận để nhà không hoặc cho người có thu nhập thấp thuê giá rẻ”.
Bà Minh Anh sinh sống ở căn hộ rộng 26,8m2 tại khu tập thể Kim Liên từ năm 1964 đến nay là gần 60 năm. Gần hết cuộc đời gắn bó với khu tập thể này, không biết bao nhiêu lần gia đình bà phải bỏ tiền ra sửa chữa, tu tạo lại nhưng đến giờ vẫn phải chịu cảnh trời không mưa nhưng trong nhà lúc nào cũng dột, phải mang chậu ra để hứng nước.
Theo bà Minh Anh, dãy nhà C1 và C2 là một trong những dãy nhà được xây dựng sớm nhất. Hiện trần nhà đã xuống cấp nhiều năm, nước thải từ tầng trên cứ âm ỉ ngấm xuống tầng dưới cả ngày lẫn đêm.
Bà Minh Anh ngao ngán kể về cảnh sống khổ sở khó tin ngay giữa Thủ đô Hà Nội: Phải dùng chậu nhựa để hứng nước do tầng phía trên thẩm thấu xuống, nấu cơm cũng phải đội nón vì sợ ướt người.
“Nấu cơm là phải đội nón. Nhiều khi nấu xong nồi canh rồi, chưa kịp cho ra bát thì nước bên trên chảy hết vào nồi, phải đổ đi vì nước ngấm xuống toàn là nước thải. Tôi nhớ như in chiều mùng 1 Tết năm vừa rồi, nhà tôi phải đổ cả mâm cỗ đi, con cái không dám về đây ăn uống vì sợ bẩn”, bà Minh Anh thở dài nói.
Người dân nấu cơm phải đội nón, đi vệ sinh phải che ô vì căn nhà bị dột.
Từng bỏ số tiền 500 triệu đồng cách đây 18 năm để mua căn tập thể tầng 2, dãy nhà C2, khu tập thể Kim Liên, bà Trần Thị Thu Thủy (SN 1955) cho biết, trước khi dọn về đây sống, gia đình bà đã chi số tiền gần bằng một nửa tiền mua nhà để cải tạo lại.
Tuy nhiên, theo bà Thủy, tất cả công trình phụ của dãy tập thể hỏng hết nên một mình nhà bà sửa cũng không ăn thua.
“Nhà tôi phá bỏ hết, bóc hết, ốp lát làm mới hoàn toàn mà tầng trên vẫn chảy nước xuống tầng dưới. Có hôm đang ăn cơm, cả mảng vôi vữa trên trần nhà lở xuống một đống”, bà Thủy nói.
Phần tường và trần dãy nhà B6, khu tập thể Kim Liên vữa bong tróc, lộ cả cốt sắt.
Hơn 30 năm làm tổ trưởng của dãy nhà tập thể C2, ông Trần Đình Tuấn, 94 tuổi đã chứng kiến quá lâu cảnh hầu hết các công trình phụ ở khu tập thể này bị hỏng, nước từ nhà này chảy xuống nhà kia vô cùng bẩn thỉu.
“Vợ tôi đêm nào cũng phải chạy lên tầng, đi dọc hành lang để quét cho nước đỡ chảy xuống nhà mình. Có hôm 1,2 giờ sáng, có hôm 3 giờ sáng thấy nước nhỏ lộp bộp là lại dậy để quét”, ông Tuấn cho hay.
Bên trong nhà vệ sinh của gia đình, ông Tuấn phải dùng một chiếc ô lớn để che phía trên của bồn cầu. Ông cho biết, đi đánh răng, rửa mặt cũng phải đội nón, đi tắm hay đi vệ sinh cũng phải che ô kẻo nước dột xuống bẩn hết người.
Phải dùng nước đục ngầu mà vẫn lo thiếu
Sinh sống tại một căn hộ tầng 3 ở tòa B6, khu tập thể Kim Liên, ngày ngày bà Phạm Thu Giang (SN 1964) còn nơm nớp lo không có nước sạch để dùng.
“Bể chứa nước ở đây là bể ngầm, kết hợp với đường ống dẫn nước bằng sắt lâu ngày đã xuống cấp nặng nên mỗi lần mưa, bơm nước lên nhà thì nước đục ngầu. Chúng tôi phải chờ chất bẩn lắng xuống rồi mới dám dùng", bà Giang nói.
Mỗi nhà dân tại đây đều có một bể lắng ở ngoài hành lang hoặc trong nhà để lọc nước sạch.
Để khắc phục tình trạng trên, gia đình nào tại dãy nhà B6 cũng phải tự lắp đặt bể lắng trong nhà hoặc ngoài hành làng nhưng đó cũng chỉ là phương án tạm bợ. “Cứ tối đến, người ta mở máy bơm bể chứa, cư dân cũng chờ đến lúc đó để bơm nước lên bể lắng. Nếu hôm nào người quản lý bể rượu say không mở máy bơm thì nước đục cũng không có mà dùng.
Những bể lắng được người dân lắp đặt hầu như không bể nào có phao báo đầy. Thế nên mỗi lần bơm nước tôi phải đứng nghe tiếng nước chảy trong bình, cảm giác tiếng kêu thấy bể sắp đầy nước thì tắt máy bơm, nếu không là tràn nước", bà Giang cho biết.
Mặt khác, đường ống dẫn nước xuống cấp đã góp phần đẩy nhanh tốc độ bong tróc của những bức tường. Nước rò rỉ từ đường ống khiến tường ẩm, bở, tạo điều kiện cho rêu xanh phát triển. Đến lúc tường ẩm quá không chịu được, từng mảng vữa lớn bong ra, rơi tự do không thể kiểm soát.
“Mỗi lần bế cháu đi qua cầu thang, hành lang là tôi lại rảo bước thật nhanh vì sợ vữa rơi vào đầu”, bà Giang kể.
Một mảng tường ngoài hành lang tầng 3 tòa B6, cạnh đường ống nước sắp rơi xuống mái tôn tầng 1.
Đường nước ngổn ngang ở hành lang trước cửa mỗi căn nhà.
Bà Giang cũng cho biết, đường nước ngoài hành lang là của nhà nước, không ai được phép tu sửa. Chỉ từ sau đồng hồ vào trong nhà là của dân, muốn tu sửa, nâng cấp thế nào cũng được. Chính vì thế, trần nhà, tường nhà phía trong ít bị thấm nước rò rỉ và dễ cải tạo hơn.
Tuy nhiên, góc tường ngay dưới nhà vệ sinh tầng trên vẫn bị ngấm nước dù đã tu sửa nhiều lần.
“Mấy hôm trước, sau vụ cháy chung cư mini ở Khương Đình, người ta cũng đến đây để lắp hộ cứu hỏa, chứ trước đó không hề có. Hộp thì lắp xong rồi nhưng không có bình cứu hỏa. Tác dụng cứu hỏa thì chưa thấy nhưng chỗ bắt vít vào tường vữa rơi hết ra, không cẩn thận lại sụp cả lan can", bà Giang hoang mang nói.
UBND TP Hà Nội vừa quyết định lập quy hoạch chi tiết 1/500 để xây dựng lại khu tập thể Kim Liên và vùng phụ cận, quận Đống Đa.
Phạm vi lập quy hoạch rộng hơn 43 ha, thuộc địa giới hành chính phường Kim Liên và phường Phương Mai, quận Đống Đa. Trong đó, phía Đông Bắc giáp phố Đào Duy Anh. Phía Đông, Đông Nam giáp phố Phương Mai, đường Giải Phóng và khu tập thể Phương Mai. Phía Tây Bắc giáp phố Phạm Ngọc Thạch và phía Tây Nam giáp sông Lừ.
Chi phí dự toán lập quy hoạch hơn 1,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, gồm cả chi phí tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư; công bố quy hoạch; thực hiện công tác thầu và lập mô hình.
Bình luận