• Zalo

Cảnh sát Việt Nam truy nã tội phạm được trang bị như thế nào?

Pháp luậtThứ Năm, 23/07/2015 07:39:00 +07:00Google News

Bộ Công an đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tăng cường trang thiết bị, nâng cao nghiệp vụ, kỹ thuật cho lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm

(VTC News) - Bộ Công an đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tăng cường trang thiết bị, nâng cao nghiệp vụ, kỹ thuật cho lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng.

Bộ Công an vừa có báo cáo tổng kết 10 năm công tác truy nã tội phạm, giai đoạn 2004 – 2014. Một trong những nội dung quan trọng của báo cáo đó là công tác xây dựng lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm.

Theo đó, thực hiện Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004, Bộ Công an đã quyết định chuyển giao việc theo dõi công tác truy nã từ lực lượng Cảnh sát Hình sự sang Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp.
Đến năm 2005, trước tình hình đối tượng truy nã (ĐTTN) hệ trật tự xã hội (TTXH) phát sinh nhiều, Bộ Công an đã quyết định thành lập Phòng truy bắt ĐTTN thuộc Cục Cảnh sát ĐTTP về TTXH, thành lập Đội truy bắt ĐTTN thuộc Phòng Cảnh sát ĐTTP về TTXH Công an cấp tỉnh và thành lập Tổ truy bắt ĐTTN thuộc Đội Cảnh sát ĐTTP về TTXH Công an cấp huyện.

Trong thời gian từ năm 2005 đến năm 2009, có hai lực lượng quản lý, theo dõi, tham mưu cho lãnh đạo các cấp chỉ đạo công tác truy nã đó là hệ Văn phòng Cơ quan CSĐT giữ vai trò thường trực BCĐ KH327 theo dõi chung và hệ lực lượng Cảnh sát ĐTTP về TTXH theo dõi, chỉ đạo công tác truy bắt ĐTTN của lực lượng Cảnh sát ĐTTP về TTXH.

Ảnh minh họa

Để thống nhất việc quản lý, theo dõi, hướng dẫn và chỉ đạo công tác truy nã tội phạm, ngay sau khi triển khai Nghị định 77 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, Bộ đã quyết định thành lập lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm chuyên trách từ Trung ương đến địa phương trên cơ sở hợp nhất lực lượng theo dõi truy nã của Văn phòng Cơ quan CSĐT và các đơn vị theo dõi truy nã của Cảnh sát hình sự.

Ở cấp Bộ thành lập Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (C52) thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (nay là Tổng cục Cảnh sát), cấp tỉnh thành lập Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) và cấp huyện thành lập Đội Cảnh sát truy nã tội phạm.

Đến nay đã có 62/63 Công an địa phương đã thành lập Phòng Cảnh sát truy nã (riêng Công an tỉnh Ninh Thuận chưa thành lập Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm mà để Đội Cảnh sát truy nã tội phạm thuộc Phòng PC45). Có 22 Đội Cảnh sát truy nã tội phạm trực thuộc Công an cấp huyện.

Hiện toàn quốc có tổng số 1.255 cán bộ chiến sĩ làm công tác truy nã.

Để nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm, Bộ Công an đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường trang thiết bị, nâng cao nghiệp vụ, kỹ thuật cho lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm, giai đoạn 2011-2020” với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng.

Đến nay đã trang cấp cho lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm toàn quốc về các trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ bước đầu đã phát huy tác dụng, nâng cao hiệu quả công tác xác minh, truy bắt ĐTTN.

Cụ thể, Cảnh sát truy nã đã được trang cấp 43 xe ô tô, 288 xe mô tô, 67 máy Photocopy, 150 mũ chống đạn, 150 áo giáp chống đạn, 200 đôi găng tay bắt dao, 05 bộ đèn pha chiếu xa công suất cao.... Ngoài ra Bộ Công an đã duyệt mua trang cấp cho lực lượng Cảnh sát truy nã toàn quốc 150 khẩu súng ngắn đa năng, 150 chiếc ống nhòm, 132 máy ảnh nghiệp vụ.

Theo báo cáo của Bộ Công an, công tác truy nã tội phạm đã có nhiều chuyển biến tích cực, số ĐTTN bắt, vận động đầu thú, thanh loại tăng cao.

Cụ thể, từ 01/10/2004 đến ngày 15/11/2014, toàn quốc đã truy bắt, vận động đầu thú, thanh loại được 76.414 ĐTTN, trong đó có 16.207 ĐTTN nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Trong đó, lực lượng Công an đã truy bắt, vận động đầu thú, thanh loại được 76.148 ĐTTN (bắt 48.164 đối tượng, vận động đầu thú 25.966 đối tượng, thanh loại 2.018 đối tượng).

Trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2009 (trước khi có lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm chuyên trách), lực lượng Công an toàn quốc bắt, vận động đầu thú và thanh loại được 34.871 đối tượng (5.949 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm).

Từ khi có lực lượng Cảnh sát truy nã chuyên trách (từ năm 2010 đến năm 2014) toàn quốc đã bắt, vận động đầu thú và thanh loại 41.277 ĐTTN, tăng 6.406 đối tượng so với trước khi có lực lượng Cảnh sát truy nã chuyên trách. Số nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm là 10.122 đối tượng, tăng 4.173 đối tượng.

Bên cạnh những thành tích đạt được, Bộ Công an cũng nhận định còn có một số hạn chế trong công tác truy nã tội phạm.

Theo đó, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng mục tiêu làm giảm số đối tượng truy nã phát sinh chưa đạt được như yêu cầu đặt ra. Từ tháng 10/2004 đến ngày 15/11/2014, toàn quốc đã ra quyết định truy nã 73.156 đối tượng (16.758 ĐTTN nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm), trung bình hàng năm phát sinh hơn 7.000 ĐTTN.

Nhiều quyết định truy nã chỉ đáp ứng yêu cầu của hồ sơ tố tụng xác định bị can đã bỏ trốn, việc thiếu các thông tin cần thiết để xác định đối tượng truy nã như ảnh, đặc điểm nhận dạng, danh chỉ bản…. Việc sử dụng biểu mẫu “Quyết định truy nã” mang tính hiệu lực không cao gây khó khăn cho quá trình xác minh truy bắt, đặc biệt đối với việc truy nã quốc tế.

Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm không được khám xét địa điểm nơi bắt giữ đối tượng khi triển khai bắt ĐTTN nên không có điều kiện thu giữ kịp thời vật chứng cũng như tài liệu liên quan đến vụ án do đối tượng gây ra, từ đó dẫn đến vật chứng có thể bị tẩu tán hoặc tiêu hủy gây khó khăn cho việc xử lý vụ án.

Ngoài ra, việc tạm giữ đối tượng truy nã sau khi lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm bắt hoặc vận động đầu thú gặp rất nhiều bất cập vì phải chờ Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ.

Trong nhiều trường hợp, do Cơ quan điều tra chưa tiếp nhận và ra quyết định tạm giữ kịp thời dẫn đến lực lượng Cảnh sát truy nã phải giữ ĐTTN tại nơi làm việc không đảm bảo an toàn và không đúng quy định.

Các thông tin liên quan đến quá trình lẩn trốn của ĐTTN cũng chưa được khai thác và xử lý kịp thời, phục vụ cho quá trình điều tra, khai thác mở rộng vụ án cũng như tổ chức các hoạt động phòng ngừa không để đối tượng trốn.

Biên chế nhiều Phòng PC52 còn thiếu, không đủ bố trí 4 đội công tác theo quy định của Bộ, ngoài một số ít Đội Cảnh sát truy nã tội phạm được thành lập, tại Công an cấp huyện chỉ bố trí 01 cán bộ làm công tác theo dõi chuyên đề truy nã thuộc Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH.

Việc phối hợp trao đổi thông tin, xác minh truy bắt, dẫn giải, trao trả các đối tượng truy nã có yếu tố nước ngoài kết quả chưa cao. Việc tiến hành áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với đối tượng truy nã quốc tế trong thời gian chờ bàn giao còn lúng túng, chưa thống nhất, một số trường hợp Viện kiểm sát nhân dân từ chối phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ, lệnh tạm giam.

Đà Long

Bình luận
vtcnews.vn