Cận cảnh đội chó nghiệp vụ của Việt Nam tìm kiếm nạn nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trở về nước sau gần 10 ngày làm trưởng đoàn cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại vùng tâm chấn động đất Thổ Nhĩ Kỳ, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) vẫn chưa hết cảm giác tự hào, xúc động vì cống hiến của đoàn được nhân dân nước bạn ghi nhận.
Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, chuyến công tác đặc biệt lần này mang lại rất nhiều cảm xúc cho anh và đồng đội. Ngày 9/2, khi nhận được lệnh lên đường, 24 cán bộ, chiến sỹ chỉ có 4 tiếng để chuẩn bị xong các phương tiện. Đúng 18h, đồ đạc cơ bản hoàn thành để đưa các cán bộ, chiến sỹ ra sân bay,
Đặt chân tới Thổ Nhĩ Kỳ sau 2 chặng bay kéo dài tới 24 tiếng đồng hồ, Đại tá Nguyễn Minh Khương nhớ lại, lúc đó đã 12h đêm, thời tiết chìm trong giá lạnh.
"Khó khăn đầu tiên đoàn công tác phải căng mình vượt qua là điều kiện thời tiết khác hoàn toàn so với Việt Nam. Đêm đầu tiên cán bộ, chiến sỹ ngủ tại đó nhiệt độ ngoài trời là -6, - 7 độ C. Trong khi đó, chúng tôi chỉ có giường gấp và nệm rất mỏng, kèm theo chăn bông mà cán bộ, chiến sỹ thường đắp ở Việt Nam. Chính vì vậy mà đêm đầu tiên chúng tôi chỉ ngủ được 1 - 2 tiếng, sáng hôm sau lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ", Đại tá Khương kể lại.
Sau khi dựng xong lều dã chiến và vận hành chuyển 12,5 tấn hàng hoá, Đoàn chia làm 2 nhóm, một nhóm tiếp cận hiện trường, nhóm còn lại tiếp tục sắp xếp công việc để thực hiện công tác hậu cần và những điều kiện đảm bảo cho các nhóm tiếp theo làm việc xuyên đêm.
Hiện trường đoàn công tác của Bộ Công được đề nghị khảo sát có 15 người bị mắc kẹt.
7h30, Đại tá Khương và các đồng đội bắt tay ngay vào nhiệm vụ thực hiện cứu hộ cứu nạn. Họ làm việc miệt mài đến 18h30 cùng ngày.
"Anh em báo cáo chỉ huy đã được người dân địa phương cung cấp bánh mỳ để ăn tạm, vì vậy mọi người quyết tâm phải cứu bằng được người mắc kẹt trong toà nhà rồi mới tính đến việc thay ca", Đại tá Khương chia sẻ.
Theo phán đoán của đoàn, thời điểm xảy ra động đất là 4h sáng, vì vậy ít người ra phòng khách, phòng bếp. Chính vì vậy, Đại tá Khương xác định sẽ tập trung tìm vị trí nạn nhân ở phòng ngủ.
"Các chiến sỹ dùng xe múc, xe cào, xe cơ giới để loại bỏ toàn bộ bê tông bị sập đổ ở phía ngoài để tiếp cận vị trí gần nạn nhân nhất, nơi phòng ngủ của gia đình, chúng tôi xác định chắc chắn có nạn nhân. Đoàn sử dụng các thiết bị dò tìm để xác định hình ảnh nạn nhân và xem có sự sống hay không", Phó Cục trưởng PCCC &CNCH cho biết.
Ngay trong ngày đầu tiên đoàn Việt Nam cứu hộ, cứu nạn, kỳ tích đã xảy ra. Khi phát hiện sự sống trong đống bê tông đổ nát, lập tức cán bộ, chiến sỹ đề xuất tạo ra một lối nhỏ vừa người chui. Hai chiến sỹ bò từ ngoài vào trong, vừa bò vừa bới bê tông. Tiến sâu được khoảng 6 mét, cán bộ cứu nạn dùng viên gạch gõ vào bức ngăn của tường để tạo ra âm thanh.
"Khi chiến sỹ gõ và cất tiếng hỏi bằng tiếng Anh "Hello, how are you?", bất ngờ có tiếng cạch cạch vào tường cùng câu trả lời rõ ràng vọng ra "I'm fine", Đại tá Khương cho biết lúc này tất cả mọi người vỡ oà xúc động khi biết có người còn sống. Ngay sau đó, đoàn cứu hộ của Việt Nam phối hợp lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan bàn phương án, thống nhất cách tiếp cận đưa thanh niên 17 tuổi ra ngoài an toàn.
Không chỉ làm công tác cứu nạn, 24 cán bộ, chiến sỹ còn thực hiện nhiệm vụ mà Bộ trưởng Bộ Công an giao là hỗ trợ về y tế. Khoảng 2 tấn hàng hoá gồm những thiết bị y tế như thuốc men đã được đoàn cứu nạn Bộ Công an chuyển giao cho nước bạn.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường và xung quanh nơi đoàn đóng quân, đoàn công tác cử cán bộ, chiến sỹ đi động viên, thăm hỏi, chia sẻ mất mát với người dân, những người đang phải sống tạm ở lán trại, vỉa hè... dưới trời giá rét.
"Chúng tôi chia sẻ với họ từ những vật thiết yếu, đơn giản nhất được mang từ Việt Nam sang như mỳ tôm, lương khô. Người dân rất xúc động vì chúng ta hỗ trợ đúng thời điểm, đúng việc và đúng vật họ đang cần", Đại tá Nguyễn Minh Khương cho hay.
Dù không hiểu rõ ngôn ngữ của nhau nhưng người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn muốn nói lời cảm ơn đến đoàn công tác. "Tôi rất cảm ơn vì các bạn đã đến đây giúp đỡ, giữ lại sự sống. Nếu chẳng may Việt Nam có xảy ra thiên tai, chúng tôi chắc chắn cũng sẽ lên đường giúp đỡ". Đáp lại lời cảm ơn đó, Đại tá Nguyễn Minh Khương chia sẻ: "Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ hữu nghị. Chính vì vậy, khi có sự cố xảy ra với các bạn, chúng tôi sẵn sàng lên đường sang giúp đỡ các bạn. Chúng tôi không bao giờ muốn có thảm họa, thiên tai xảy ra. Chúng tôi chỉ mong muốn mời người dân Thổ Nhĩ Kỳ sang thăm đất nước Việt Nam tươi đẹp và mến khách".
Sau 7 ngày chạy đua với thời gian để tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp trong những đống đổ nát, đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam tham gia cứu hộ cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; phối hợp cùng lực lượng cứu hộ cứu nạn các nước giải cứu được một người còn sống ra khỏi khu vực sập đổ; tìm kiếm, đưa được 14 thi thể nạn nhân ra ngoài bàn giao cho cơ quan y tế địa phương; đồng thời trao tặng nhiều vật tư y tế tặng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và thành phố Adiyaman.
Trước khi chia tay họ để sang khu vực khác cứu hộ cứu nạn, một tình nguyện viên đã cởi áo, xin chữ ký của đoàn công tác của Việt Nam để làm kỷ niệm.
"Họ dành tình cảm rất đặc biệt đối với chúng tôi, trong nhà hàng khi chúng tôi vào hay trong quá trình chờ đợi ở sân bay, trên cả máy bay khi chúng tôi về. Đấy là những tình cảm mà tôi nghĩ người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng như đoàn công tác sẽ nhớ mãi trong cuộc đời của mình", Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khương chia sẻ.
Bình luận