(VTC News) - Hàng ngàn cảnh sát Hong Kong vào cuộc dỡ bỏ chướng ngại vật trên đường phố, trong khi người biểu tình tuyên bố sẽ chống lại đến cùng.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) hôm 19/11, hơn 3.000 cảnh sát với đầy đủ công cụ hỗ trợ đã được cử đến đường Mong Kok để dẹp bỏ những chướng ngại vật do người biểu tình dựng lên.
Cảnh sát Hong Kong gỡ rào chắn do người biểu tình dựng lên - Ảnh: SCMP |
Ngày mai, 20/11, ít nhất 28.000 cảnh sát sẽ tới khu vực này để khai thông một trong những con đường trước kia sầm uất nhất đặc khu Hong Kong.
Trước đó, hôm 18/11, tòa nhà của các cơ quan hành chính Hong Kong đã được 1.000 cảnh sát 'giải vây' sau khi có thông tin cho rằng người biểu tình sẽ đập phá nơi này.
Tuy nhiên, SCMP dẫn nguồn tin cảnh sát Hong Kong cho rằng khu vực Mong Kok sẽ khó lòng được 'giải phóng' trong vài ngày.
Trong khi đó, những người biểu tình ở các con đường khác như Argyle và Nathan được cho là sẽ phải rút lui trước áp lực của cảnh sát vào ngày 20/11.
Công ty xe bus Chiu Luen và hai hãng taxi được cấp phép lưu thông trên các con đường Argyle và Nathan. Nhưng người biểu tình ở hai khu vực này cũng tuyên bố họ sẽ chống cự lại sự trấn áp của cảnh sát.
Theo SCMP, sáng nay, những nhân viên tới tòa nhà hành chính Hong Kong có thể được đi lại dễ dàng mà không cần đến sự hỗ trợ của cảnh sát.
Tòa án Hong Kong ra phán quyết cho phép xe bus và một vài hãng taxi được di chuyển trên những khu phố có người biểu tình chiếm đóng. Tuy nhiên, giới sinh viên biểu tình phản đối việc mà họ cho là 'cảnh sát cố ý mở rộng hơn khu vực được tòa án cho phép'.
Video được cho là ghi lại vụ cảnh sát Hong Kong đánh đập người biểu tình - Nguồn: SCMP
Nghị sĩ Albert Ho Chun-ying được SCMP dẫn lời cho biết nếu cảnh sát tiếp tục 'giải phóng mặt bằng' rộng hơn so với diện tích được tòa án chấp thuận thì đây là 'hành vi mang mục đích chính trị' có thể gây tác động ngược.
Thủ lĩnh giới sinh viên biểu tình Hong Kong Joshua Wong Chi-Fung tuyên bố họ không hề chặn bãi đỗ xe, chặn cửa thoát hiểm như một số cáo buộc gần đây.
Joshua Wong cũng nói sinh viên sẽ không ngừng biểu tình cho tới khi đòi hỏi 'bầu cử một cách dân chủ' được chấp thuận.
Phong trào biểu tình ở Hong Kong bắt đầu lên cao từ tháng 10 vừa qua, sau khi Bắc Kinh tuyên bố các thành viên của Hội đồng lập pháp Hong Kong sẽ do Bắc Kinh lựa chọn, trong khi sinh viên Hong Kong đòi tự do chọn lựa ứng viên thích hợp.
Cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ một số sinh viên biểu tình, trong đó có cả thủ lĩnh Joshua Wong nhưng sau đó đã thả họ ra.
Cuộc biểu tình của sinh viên Hong Kong được nhiều tờ báo phương Tây coi là 'cách mạng dù' khi sinh viên dùng ô, dù chống lại những lần xịt hơi cay và bom khói từ phía cảnh sát.
Văn Việt (Theo SCMP)
Bình luận