• Zalo

Cảnh sát biển Việt Nam được quyền truy đuổi tàu thuyền trong trường hợp nào?

Thời sựThứ Hai, 19/11/2018 16:48:00 +07:00Google News

Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Quốc hội thông qua chiều 19/11 quy định cụ thể những trường hợp các chiến sĩ được quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển.

Chiều 19/11, 467/468 đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thuận, đồng ý thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 41 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trước đó, ngày 5/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường cụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

canhsatbien 7

 Quốc hội thông qua Luật Cảnh sát biển. 

Điều 3 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.

Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.

Trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, Hải quân là nòng cốt; trong bảo vệ biên giới quốc gia trên biển, Bộ đội Biên phòng là nòng cốt; trong thực thi pháp luật trên biển, cảnh sát biển Việt Nam là nòng cốt; mỗi lực lượng đều được pháp luật quy định nhiệm vụ, chức năng cụ thể phù hợp với vị trí, vai trò của mình; đồng thời có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và quy định về việc phối hợp hoạt động, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Luật quy định Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển trong các trường hợp: Vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển; Không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này; Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động truy đuổi; Trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Phạm vi, thẩm quyền và trình tự truy đuổi tàu thuyền trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

bien-doi-tau-091752010 9

 Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cũng báo cáo giải trình về các nội dung khác của dự thảo luật như về nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam; phạm vi hoạt động; biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; công bố, thông báo cấp độ an ninh hàng hải và thay đổi cấp độ an ninh hàng hải; phạm vi phối hợp;

nguyên tắc phối hợp; về cấp bậc, quân hàm, chức vụ, chế độ phục vụ, chế độ chính sách và quyền lợi của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp.

Luật cũng xác định ngày 28/8 hằng năm là Ngày truyền thống của Cảnh sát biển Việt Nam. Luật Cảnh sát biển Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/ 7/ 2019.

>>> Đọc thêm: Quốc hội thông qua Luật Đặc xá sửa đổi: Không đặc xá cho tội phản bội Tổ quốc

Nhạc Dương
Bình luận
vtcnews.vn