• Zalo

Cảnh sát biển Thái bắn ngư dân Việt, nguyên lãnh đạo Tổng cục Biển Đảo: 'Tôi rất bất ngờ'

Thời sựThứ Sáu, 18/09/2015 01:05:00 +07:00Google News

Thai Lan ban tau ca Viet Nam - Nguyên lãnh đạo Tổng cục Biển Đảo cũng rất bất ngờ khi biết tin, ông cho rằng còn rất nhiều điều nghi vấn.

(VTC News) - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải Đảo Việt Nam bất ngờ khi biết tin Cảnh sát biển Thái Lan là lực lượng nổ súng bắn ngư dân Việt Nam thương vong.

Phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải Đảo Việt Nam về việc Cảnh sát biển Thái Lan thừa nhận đã nổ súng bắn vào tàu cá Việt Nam khiến 1 người chết và 2 người bị thương.

- Cảnh sát biển Thái Lan đã chính thức thừa nhận là lực lượng nổ súng vào tàu cá Việt Nam khiến 3 ngư dân của ta thương vong, ông đón nhận thông tin này thế nào?

Tôi rất bất ngờ. Bởi một tổ chức thi hành pháp luật của chính phủ sử dụng xuồng cao tốc mà ngư dân Việt Nam nói không rõ cờ và tên hiệu nên tôi đã nghĩ đó chỉ có thể là cướp biển.

Có thể nói, trong bất kỳ trường hợp nào, việc nổ súng khiến ngư dân thương vong là hành động hết sức nghiêm trọng. Trong trường hợp này, Cảnh sát biển Thái Lan có thể tạm giữ ngư dân rồi thông báo cho Việt Nam qua đường ngoại giao.
Ngư dân chỉ những vết đạn bị tàu lạ bắn. (Ảnh: Dân trí) 

- Dường như vẫn còn nghi vấn xoay quanh cách thức hoạt động của lực lượng này, thưa ông?

Tôi không thể hiểu, tại sao lực lượng này không tạm giữ ngư dân mà lại truy đuổi và nổ súng. Sau đó chiếc xuồng cao tốc này lại quay đầu bỏ đi.

Bên cạnh đó, nếu chiếc xuồng cao tốc truy đuổi và nổ súng vào ngư dân của ta là lực lượng của chính phủ Thái Lan thì phương tiện phải mang cờ, có phù hiệu, có số tàu, hoặc ít nhất phải có chữ, có dấu hiệu trên thân tàu để mọi người có thể nhận diện được.

Tuy nhiên, theo lời các ngư dân kể lại thì họ chỉ thấy lực lượng trên tàu cao tốc mặc đồng phục, không có dấu hiệu khác trên thân tàu để nhận biết đó là lực lượng nào. Đây là vấn đề mà tôi cũng đang muốn chờ kết quả xác minh từ phía các cơ quan chức năng của Thái Lan.

Ngược lại, cơ quan chức năng của Việt Nam cũng cần phải nghiêm túc đánh giá thông tin một cách khách quan, thận trọng, xác minh chính xác lời khai của các ngư dân liên quan đến sự việc xảy ra hôm đó xem có trung thực và nhất quán hay không.


- Theo ông, bây giờ phía Việt Nam cũng như Thái Lan cần phải làm gì để giải quyết sự việc?

Theo tôi được biết, Việt Nam và Thái Lan vẫn thường xuyên tổ chức các đội tuần tra chung tại vùng biển giáp ranh giữa 2 nước. Tuy nhiên, không phải lúc nào đội tuần tra chung cũng gặp sự việc phải giải quyết như vậy.

Trong trường hợp này, nếu thường xuyên thông báo, trao đổi và tăng cường tuần tra chung trên biển thì mọi việc có lẽ không đi quá xa như vậy.

Các địa phương ven biển cần quản lý ngư trường hoạt động của ngư dân trên biển tốt hơn nữa, kịp thời phòng ngừa và giảm thiểu các rủi ro tương tự có thể xảy ra.

Theo tôi, việc cảnh sát biển Thái Lan bắn tàu cá Việt Nam là một sự việc đang tiếc, nằm ngoài mong muốn của chính phủ 2 nước. Lúc này cả Việt Nam và phía Thái Lan đều phải xác minh, làm rõ và giải quyết một cách nghiêm túc, thỏa đáng để giữ gìn truyền thống hữu nghị tốt đẹp vừa qua giữa hai dân tộc.

Từ việc giải quyết sự việc này, cả 2 bên cũng sẽ rút được những bài học kinh nghiệm quý giá trong việc xây dựng, củng cố vùng biển hòa bình, ổn định.


- Lời khuyên nào cho ngư dân sau vụ việc đáng tiếc này, thưa ông?

Như tôi đã từng nói, ngư dân nước ta hầu như chưa được trang bị tốt kiến thức, kỹ năng xử lý các tình huống trên biển khi gặp nhân tai và thiên tai, cũng như thiếu phương tiện thông tin liên lạc đầy đủ khi ra khơi.

Sau sự việc này, ngư dân cẩn chủ động tìm hiểu, học hỏi về những quy định của luật pháp khi ra khơi đánh bắt, tránh việc vô tình hoặc cố ý đi ra ngoài vùng biển Việt Nam.

- Đối với các cơ quan chức năng cần phải làm gì sau sự việc này, thưa ông?

Đây cũng là lúc, các hội nghề cá các tỉnh, các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan cần phải vào cuộc để hướng dẫn, trang bị cho ngư dân những kiến thức, kỹ năng cần thiết và phải diễn tập tho các tình huống để làm sao giảm thiểu thiệt hại về người và của khi gặp các sự cố trên biển.

Thậm chí, nên có quy định mới có tính ràng buộc pháp lý đối với ngư dân hành nghề trên biển để tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động trên biển của họ.

Minh Quyết (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn