Ngày 3/5, BV đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận bệnh nhân Bùi Văn S., 57 tuổi, ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang trong tình trạng sốt cao 39,5 độ từng cơn. Vùng nách bệnh nhân có vết loét đỏ.
Sau thăm khám, BS Nguyễn Văn Hùng, khoa Khám bệnh chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh sốt mò, được chuyển lên khoa Truyền nhiễm để điều trị.
Gia đình bệnh nhân cho biết, cách đây 7 ngày, ông S. đột ngột sốt cao kèm đau đầu dữ dội. Gia đình vội vã đưa đến BV đa khoa huyện điều trị nhưng không tiến triển nhiều nên chuyển tiếp lên tuyến trên.
BS Hùng cho biết, sốt mò là sốt phát ban truyền nhiễm do vi rút Rickettsia tsuisugamushi (thường gọi là con mò) gây ra.
Loại này thường đốt bệnh nhân ở những chỗ kín, khó phát hiện như nách, ngực, bẹn, kẽ hậu môn... Sau thời gian ủ bệnh, virus sẽ xâm nhập vào máu, các tế bào nội mạc ở mạch máu và tăng sinh, gây viêm, xung huyết tại vết đốt và phát ban, sưng hạch kèm theo đau đầu và sốt cao kéo dài, có thể lên tới 40-41 độ.
Diễn tiến của bệnh thay đổi từ những thể nhẹ đến nặng, gây tổn thương nhiều cơ quan. Trường hợp nặng giai đoạn sớm sẽ gây suy tuần hoàn ngoại biên (thường xuất hiện trong tuần đầu), giai đoạn muộn có tổn thương tăng sinh và thuyên tắc xuất hiện trong các mao mạch nhỏ, hôn mê, rối loạn chức năng gan... và có thể gây tử vong.
Video: Cách diệt muỗi hiệu quả phòng chống Zika và sốt xuất huyết
Tại miền Bắc, bệnh chủ yếu xuất hiện ở các tỉnh miền núi, nơi có nhiều bụi cây, rừng rậm. Đối tượng dễ bị mò đốt là những người làm ruộng, làm rẫy, khai hoang...
Sốt mò thường xảy ra vào mùa mưa và nóng, thời điểm từ tháng 5 đến tháng 10.
Bệnh sốt này dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như thương hàn, sốt rét, leptospira, dịch hạch, nhiễm khuẩn máu, sốt xuất huyết…
Bác sĩ khuyến cáo, người dân nên đeo bít tất vào tay, chân, mặc quần áo chẽn gấu khi đi vào các vùng rừng núi, nơi cây cối rậm rạp; không phơi quần áo, đặt ba lô trên bụi rậm, không nằm trên cỏ…
Khi bị sốt, nổi hạch, có các nốt lạ trên cơ thể, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Bình luận