Nhìn vào số lượng phim tham dự Cánh diều 2014, lễ trao giải diễn ra vào tối 15/3 tới, vấn đề nan giải muôn thuở đặt ra vẫn là sự chênh lệch giữa số lượng phim mang tính nghệ thuật và phim nặng yếu tố giải trí.
Có thể thấy 9/12 bộ phim điện ảnh tham dự Cánh diều đều là phim mang nhiều yếu tố giải trí, được làm với mục đích thương mại tại các phòng vé. Trong khi Cánh diều là giải thưởng uy tín của Hội Điện ảnh Việt Nam, đề cao yếu tố nghệ thuật và nghề nghiệp.
Một phim đề tài chiến tranh cách mạng nhưng không lên gân, khô cứng theo kiểu hô hào; mang lại cho người xem sự đồng cảm, những phút giây thật sự hồi hộp, thắt lòng bởi không khí ‘đậm đặc’ chiến tranh trong sự mong manh giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc.
Nhưng liệu một bộ phim vừa mới gặt hái tới 6 giải thưởng: Bông sen vàng, giải Biên kịch, giải Nam/Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, giải Họa sỹ thiết kế mỹ thuật, giải Khán giả bình chọn có tiếp tục đạt Cánh diều vàng?
Đó cũng là bộ phim được đánh giá là dung hòa được chất làm phim điện ảnh hài hước theo kiểu Hollywood với văn hóa phương Đông.
Còn Quả tim máu, bộ phim được dựa theo vở kịch cùng tên rất ăn khách ở sân khấu kịch Phú Nhuận trong nhiều năm qua được đưa lên màn ảnh rộng với yếu tố hài hước pha lẫn kinh dị.
Quả tim máu đưa người xem trải qua đầy đủ các cảm xúc từ sợ hãi, bất ngờ, căng thẳng cho tới sảng khoái trước những tình huống không nhịn được cười. Victor Vũ là đạo diễn chắc tay và nổi danh ‘sát thủ’ giải thưởng nên không khó để dự đoán chắc chắn anh sẽ tiếp tục thành công ở Cánh diều 2014.
Một bộ phim đáng chú ý nữa là Đường đua (Hồng Ánh), bộ phim hiếm hoi mà không có một tờ báo nào ‘chê’ bất cứ điều gì liên quan tới nội dung, kịch bản, diễn xuất…nhưng lại không trụ nổi ở các cụm rạp quá 2 tuần.
Dù nhận được chăm chút kỹ càng của ê kíp làm phim trẻ, tử tế và có lương tâm, nhưng Đường đua đứng chơi vơi giữa ranh giới nghệ thuật hay giải trí khiến bộ phim trở nên thiếu điểm nhấn.
Có thể nói, ở hạng mục phim Điện ảnh giải Cánh diều năm nay, sẽ là cuộc chiến tay đôi giữa Những người viết huyền thoại với Victor Vũ: Cô dâu đại chiến 2 hoặc Quả tim máu.
Câu chuyện phòng vé
Từ câu chuyện phim nghệ thuật hay phim điện ảnh, lại nói đến câu chuyện phòng vé.
Luật bất thành văn trong nền điện ảnh Việt Nam từ trước tới nay: Phim nghệ thuật thì kén người xem, phim giải trí thì doanh thu kỷ lục.
Thế nên mới có chuyện Những người viết huyền thoại cho đến Đường đua, dù được khen ngợi và gặt hái nhiều giải thưởng nhưng đều lặng lẽ rời khỏi các phòng chiếu mà gần như không thu hồi được vốn.
Còn những người làm phim giải trí thương mại, ngay từ khi lên kịch bản và bấm máy, họ đã xác định rõ đối tượng khán giả và mục đích làm phim. Bằng ngôn ngữ hiện đại, cách dẫn dắt câu chuyện thú vị, Tèo Em, Cô dâu đại chiến, Quả tim máu đều liên tiếp xô đổ các kỷ lục phòng vé.
Phá vỡ kỷ lục của chính mình trong Long Ruồi trước đó, Tèo Em của đạo diễn Charlie Nguyễn đạt doanh thu 80 tỷ đồng sau khi công chiếu ở tất cả các cụm rạp.
Còn Quả tim máu, thu về 55 tỷ đồng chỉ sau 10 ngày phát hành, con số đáng mơ ước của bất cứ một bộ phim bom tấn nào trên thế giới được nhập về Việt Nam.
Bình luận