Mấy ngày gần đây, thông tin bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể nhiều khả năng không được công chiếu tại hệ thống rạp CGV khiến cộng đồng mạng, đặc biệt là các tín đồ điện ảnh xôn xao với nhiều ý kiến trái chiều.
Nhưng trong tâm bão lần này điều dễ nhận thấy nhất đó là, khán giả ái mộ bộ môn nghệ thuật thứ 7 đang trở nên ngày càng tỉnh táo và họ đang đứng về người Việt, phim Việt nhiều hơn.
Nên hòa hay nên chiến?
Tại buổi họp báo sau xuất chiếu đầu tiên cho giới truyền thông vào chiều 17/8, diễn viên, đạo diễn kiêm nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã bật khóc khi phải công bố thông tin, tính đến thời điểm này 'Tấm Cám: Chuyện chưa kể' không được phát hành từ đơn vị CGV.
“Đả nữ” bật khóc vì những nỗ lực, tâm huyết của cá nhân cô, đơn vị sản xuất, phát hành cùng toàn bộ ekip lên đến hơn 500 người.
Theo đại diện của nhà sản xuất quá trình thương thảo về việc phát hành một bộ phim thường được thực hiện trước 1 tháng và từ ngày 8/6, họ đã chính thức liên hệ đặt vấn đề về việc phát hành tại CGV.
Sau hơn 1 tháng kể từ ngày liên hệ, đại diện của cụm rạp CGV phản hồi với tỉ lệ rất thấp so với các phim Việt Nam do CGV phát hành tại cụm rạp BHD Star.
Đại diện CGV yêu cầu được xem bản phim trước khi chốt tỉ lệ cuối cùng. Sau khi xem phim, mặc dù đại diện CGV có tăng tỉ lệ lấy phim tuy nhiên vẫn thấp hơn tỉ lệ của một phim Việt đầu tư trung bình do CGV phát hành và thấp hơn rất nhiều so với tất cả tỉ lệ mà BHD Star đã ký với các đối tác khác như Lotte, Galaxy, và các cụm rạp khác.
Được biết, mong muốn của cả VAA (Vietnam Artist Agency) và BHD là tỷ lệ của chủ phim và chủ rạp phim là 50%-50%, con số trung bình hợp lý cho cả hai bên.
Trong câu chuyện của Tấm Cám, tỷ lệ ăn chia giữa đơn vị sản xuất, chủ phim, nhà phát hành với các đối tác dĩ nhiên là yếu tố quan trọng. Phía BHD, Ngô Thanh Vân cũng thừa nhận đây là quyết định rất khó khăn tuy nhiên điều khiến họ quan tâm lớn nhất trong tình hình hiện nay của thị trường đó là cần có sự công bằng trong việc phát hành phim Việt và đồng nhất trong tỉ lệ ăn chia với các cụm rạp trong cả nước.
Diễn viên Ngô Thanh Vân tin tưởng rằng với một sản phẩm được thực hiện tâm huyết, tử tế, là thể loại còn khá mới mẻ và hoàn toàn được thực hiện bởi ekip Việt Nam bộ phim nếu được chiếu rộng rãi sẽ là cơ hội để nâng hình ảnh của điện ảnh Việt đồng thời lấy lại niềm tin cho khán giả.
Cô cũng lên tiếng bác bỏ nhiều thông tin trái chiều chưa chính xác trước khi sự việc được công bố và khẳng định: “VAA và BHD không đưa ra những yêu cầu quá đáng. Chúng tôi chỉ xin sự công bằng và không đòi hỏi những con số quá đáng. Chúng tôi làm phim và muốn người Việt Nam được xem bộ phim của mình”.
Phía BHD cũng mong muốn trong sự việc lần này, cạnh tranh lành mạnh là yếu tố cần được đặt lên hàng đầu. Dù không thể kìm nén cảm xúc nhưng cả hai đơn vị này vẫn hy vọng sẽ có câu chuyện cổ tích với Tấm Cám: Chuyện chưa kể bằng một kết thúc có hậu.
40% có phải là tất cả
40% là tổng số cụm rạp của CGV đang nắm giữ so với toàn thị trường điện ảnh Việt Nam. Trong thế đối sánh, 60% thị phần còn lại thuộc về những nhà phát hành: Lotte, BHD, Galaxy, Platinum, Mega GS...
Các nhà phát hành quốc nội, nhìn về bề nổi hoàn toàn lép vế và đã chấp nhận chịu thiệt suốt thời gian qua, đặc biệt liên quan đến tỷ lệ ăn chia khi phát hành phim Việt.
Đó cũng là lý do, cách đây không lâu, 8 nhà phát hành trong nước: BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và công ty VAA vừa có đơn khiếu nại đến Cục Điện ảnh, Hội Điện ảnh và các cơ quan chức năng khẳng định họ đang bị hệ thống rạp CGV chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim ở rạp.
Sự việc diễn ra từ trung tuần tháng 6, sau đó mọi thứ dường như khá im ắng, những tưởng sẽ “chìm xuồng” nhưng, lần này câu chuyện đã hoàn toàn khác?
Video trailer phim Tấm Cám tuyệt đẹp
Trước hết, bàn đến con số 40% cụm rạp của CGV. Trước khi Tấm Cám: Chuyện chưa kể không được cụm rạp này nhận phát hành nhiều người đinh ninh rằng, không được chiếu tại đây đồng nghĩa với việc bộ phim mất đi 40% doanh thu.
Nếu làm một phép tính thủ công, điều này có vẻ đúng. Tuy nhiên, nếu xét một cách cặn kẽ, 40% doanh thu kia chỉ tồn tại khi một bộ phim được xếp các xuất chiếu theo cách công bằng nhất, chứ không phải đẩy ra những khung giờ xấu trong khi giờ vàng hoàn toàn vắng bóng.
Do đó, việc không được chiếu ở rạp CGV không hoàn toàn đồng nghĩa với việc Tấm Cám: Chuyện chưa kể mất đi đúng 40% này. Dù cả phía VAA, BHD đều thừa nhận đây là một thiệt hại không hề nhỏ nhưng hiện tại bộ phim đang nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các nhà phát hành còn lại. Xét một cách công bằng, đây là một bộ phim nên xem, đáng xem với sự đầu tư chỉn chu từ một kịch bản chặt chẽ, dàn diễn viên diễn xuất đều tay, kỹ xảo đẹp mắt...
Quay ngược thời gian không lâu, khi hai bộ phim của nhà phát hành Galaxy là Independence Day: Resurgence và X-men: Apocalypse không chiếu tại CGV, những quan ngại về câu chuyện doanh thu cũng được đặt ra.
Mất đi 40% thị phần phòng chiếu, doanh thu của phim chắc chắn giảm, nhưng theo một số nguồn tin con số này thấp hơn rất nhiều so với 40% nói trên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, khi một bộ phim tạo hiệu ứng nơi khán giả họ sẵn sàng đến bất kỳ rạp chiếu nào, thậm chí có thể xem lại đến vài lần.
Sau một tin không vui VAA và đại diện nhà phát hành BHD cũng đón nhận một tín hiệu lạc quan. Hai đơn vị này vừa đạt được thoả thuận với Kidari Ent, một công ty của Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh phát hành phim điện ảnh, DVD, TV và VOD về việc mua toàn bộ bản quyền của phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” để phát hành tại thị trường Hàn Quốc.
Tính đến thời điểm hiện tại, câu chuyện giữa CGV với các nhà sản xuất, phát hành khác trong nước vẫn chưa ngã ngũ và xem ra, cuộc chiến công khai mới chỉ thực sự bắt đầu. “Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục lao vào một cuộc chiến không cân sức để đổi lấy sự tồn vong”.
Ủng hộ phim Việt, tạo điều kiện cho sự phát triển công bằng đồng thời phá vỡ thế độc quyền trong cuộc chiến cá lớn nuốt cá bé, đã đến lúc các nhà phát hành trong nước cần hơn sự quyết tâm và liên kết để tạo nên sức mạnh tổng thể.
Bình luận