Căng thẳng tại Triều Tiên tác động tới nhiều mặt của nền kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam. Đầu tiên, căng thẳng khiến giá vàng, giá dầu tăng vọt. Còn đồng đô la Mỹ tại Việt Nam lại chịu nhiều tác động trái chiều. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Những căng thẳng về chính trị trên thế giới thời gian qua là rất đáng lo ngại”.
Giá vàng có thể tăng vọt
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, những căng thẳng trong quan hệ Mỹ với Triều Tiên thời gian qua không chỉ đơn thuần là mối quan hệ của 2 nước, mà nó có ảnh hưởng đến cả thế giới, trong đó, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Triều Tiên - những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Bên cạnh đó, những căng thẳng này còn tác động rất lớn đến 2 quốc gia lớn khác là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đây đều là những nước có nền kinh tế lớn nên chắc chắn những căng thẳng về chính trị sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế thế giới.
Thứ nhất, sự tác động rõ rệt nhất là khi có căng thẳng xảy ra, các nước sẽ tập trung chuẩn bị cho chiến tranh. Các lĩnh vực ngoài kinh tế sẽ phát triển, ví dụ như nền công nghiệp sản xuất vũ khí. Cũng vì thế mà các lĩnh vực khác sẽ giảm tăng trưởng.
Thứ hai, những căng thẳng này sẽ ảnh hưởng đến người dân đang sinh sống tại các nước đó, mà cụ thể nhất là làm cầu tiêu dùng giảm. Mọi người sẽ tiết kiệm chi tiêu, thay vào đó để tiền vào những tài sản tích trữ có tính an toàn cao.
Thực tế, trong mấy ngày căng thẳng vừa qua, giá vàng thế giới và trong nước đã có những biến động nhất định. Nếu đầu tuần, giá vàng ghi nhận ở mức 36,48-36,56 triệu đồng/lượng, thì chốt phiên cuối tuần, giá vàng đã lên tới 37,25 triệu đồng/lượng. Đây là mức cao nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây.
Đặc biệt, theo dự đoán, giá vàng tuần tới có thể sẽ tiếp tục đà tăng do những lo ngại về tình hình kinh tế và địa chính trị trên thế giới.
Theo ông Long, việc giá vàng tăng trong thời gian vừa qua là một diễn biến tất yếu khi tình hình chính trị, kinh tế bất ổn. Vàng vốn được coi là tài sản trú ẩn an toàn, nên khi có bất ổn, vàng sẽ được nhiều người tìm đến, khiến giá vàng tăng mạnh.
“Với những căng thẳng tại Triều Tiên, chắc chắn giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tháng này”, ông Long cho biết.
Khi mọi người đổ xô đi mua vàng như một kênh trú ẩn an toàn, cũng có nghĩa dòng tiền sẽ đổ vào vàng là chủ yếu, khi đó các lĩnh vực sản xuất khác sẽ bị ngưng trệ vì dòng vốn không còn chảy nhiều vào các lĩnh vực này nữa.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng phân tích, tình hình căng thẳng tại Triều Tiên trong thời gian vừa qua đã khiến giá vàng tăng mạnh. Giá vàng tăng sẽ tác động trực tiếp lên nền kinh tế.
Vàng không được xem là một thước đo hoặc một loại hàng hóa chủ lực trong nền kinh tế. Khi giá vàng tăng mạnh, các nhà đầu tư trên thị trường tài chính không thể không chú ý đến vàng, nhất là khi những loại tài sản khác như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, bất động sản…, chưa mang lại hiệu quả sinh lợi như mong đợi. Khi đó, thị trường sẽ có xu hướng chuyển dịch một phần vốn vào vàng để sinh lợi.
Mặt khác, nếu giá vàng tăng, các doanh nghiệp và người dân sẽ không dám vay vàng. Nếu các ngân hàng huy động vàng mà không có người vay, kênh tín dụng vàng sẽ tắc nghẽn và khi đó sẽ gây lãng phí vì một nguồn vàng lớn không được sử dụng.
Giá USD nguy cơ hỗn loạn
Khi xảy ra căng thẳng chính trị, kim loại quý sẽ theo chiều hướng đi lên. Đồng đô la Mỹ thì khác. Giá đô la Mỹ sẽ nhận những tác động trái chiều.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trước những căng thẳng tại Triều Tiên thời gian vừa qua, giá đô la Mỹ sẽ giảm đi. Trong khi đó, Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào đô la Mỹ.
Khi đô la Mỹ mất giá, tiền Việt vẫn giữ giá, tức là tiền Việt tăng giá. Đồng nội tệ tăng giá sẽ khó nâng cao cạnh tranh xuất khẩu.
Chuyên gia Ngô Trí Long
"Khi đô la Mỹ mất giá, tiền Việt vẫn giữ giá, tức là tiền Việt tăng giá. Đồng nội tệ tăng giá sẽ khó nâng cao cạnh tranh xuất khẩu", ông Long cho biết.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, khi đồng đô la Mỹ suy yếu, các nhà xuất khẩu thêm đau đầu vì hàng hoá của họ xuất khẩu sẽ thu được ít ngoại tệ hơn khi xuất khẩu hàng hoá.
Xét ở khía cạnh khác, nếu giá vàng tăng quá "nóng", nguồn cung vàng sẽ khan hiếm; khi đó, việc "nhập vàng không chính thức" sẽ khiến nhiều đầu mối phải thu gom USD trên thị trường tự do để thanh toán số vàng nhập đó, tạo ra sự khan hiếm cục bộ đối với đồng đô la Mỹ.
Khi giá đồng đô la Mỹ trên thị trường tự do tăng mạnh, sẽ dẫn đến tâm lý muốn “găm” đồng ngoại tệ này để chờ tăng giá tiếp. Chính vì thế, nhiều người muốn giữ đồng đô la Mỹ thay vì bán cho các ngân hàng.
"Khi không mua đủ số đô la Mỹ từ người dân và doanh nghiệp, sẽ xảy ra tình trạng chậm trễ trong thanh toán quốc tế và gây áp lực lên thị trường ngoại tệ", ông Phong cho biết.
Giá dầu 'dọa' tăng nóng
Khi tình hình bất ổn, ngoài vàng, giá dầu cũng sẽ có xu hướng tăng. Bằng chứng là ngay sau khi Mỹ tấn công Syria, giá dầu thô đã ngay lập tức tăng 2%. Syria cũng giống như Triều Tiên, tuy đây không phải là nước sản xuất dầu lớn, nhưng khi có căng thẳng về chính trị, dù ít dù nhiều cũng sẽ đẩy giá dầu tăng lên. Việc giá dầu sẽ tăng đến đâu phụ thuộc vào tình hình căng thẳng giữa các quốc gia này.
Dầu là một trong những mặt hàng khá "nhạy cảm", nó là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế, phục vụ sản xuất, đời sống, an ninh quốc phòng.
Vì vậy, khi giá dầu biến đổi sẽ kéo theo hàng loạt mặt hàng khác cũng biến đổi theo; nói cách khác, giá dầu tăng sẽ làm cho mặt bằng giá tăng, thiết lập nên một mặt bằng giá mới.
Thực tế, mỗi lần giá xăng dầu được điều chỉnh là một lần các cơ quan chức năng phải 'đau đầu' vì nếu giá dầu tăng quá cao sẽ khiến cho những mặt hàng thiết yếu nhất từ mớ rau, cân thịt cũng có thể sẽ bị đẩy giá.
"Nói cách khác, khi giá xăng dầu biến động, sẽ làm tăng chi phí đầu vào, thiết lập nên mặt bằng giá mới và khiến lạm phát của xu hướng tăng", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay.
Ông Long nhấn mạnh thêm: “Trong khi đó, vấn đề lạm phát hiện đang được Thủ tướng Chính phủ cảnh báo là vẫn còn tiềm ẩn rủi ro và có nguy cơ quay trở lại. Ba tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng, lạm phát cũng là vấn đề cần được cảnh báo. Vì vậy, những căng thẳng về chính trị trên thế giới thời gian qua là rất đáng lo ngại”.
Tác động đến xuất nhập khẩu
Theo ông Long, xuất nhập khẩu là động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế. Nhưng nếu những xung đột về chính trị xảy ra, đây cũng sẽ là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề.
Quý I vừa qua, tăng trưởng xuất nhập khẩu trong nước thấp hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2005, 2006. Khi xuất khẩu bị ảnh hưởng thì cũng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong nước.
"Vừa rồi, Chính phủ cũng phải đưa ra một kiến nghị là có thể phải khai thác thêm dầu để đẩy mạnh tăng trưởng", ông Long cho biết.
Khi bất ổn, tùy từng mặt hàng xuất khẩu, người ta sẽ quyết định đầu tư vào đâu. Những hợp đồng đã ký thì sẽ không thể thay đổi, nhưng tiềm năng, xu thế trong thời gian tới sẽ bị tác động lớn. Theo đó, những mặt hàng là ưu thế của Việt Nam chưa chắc đã có thị trường, nên chưa chắc đã là thế mạnh xuất khẩu.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, căng thẳng tại Triều Tiên sẽ khiến thương mại quốc tế bị ảnh hưởng. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, giá dầu tăng cao, tỷ giá đô la Mỹ bị tác động, chưa kể những ảnh hưởng khác nữa từ các nước có liên quan như Nhật Bản, Hàn Quốc. Lúc bấy giờ, nền kinh tế trong nước sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức.
Video: Triều Tiên phô trương sức mạnh
Bình luận