Cuộc gặp do đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên của Mỹ - Joseph Yun điều hành trước đó tập trung vào các công dân Mỹ bị giữ tại Triều Tiên, nhưng cũng chạm đến mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Mỹ đã liên lạc với Triều Tiên ít nhất là từ tháng 2/2017 ở mức độ quan chức và có những cuộc đối thoại cấp thấp hơn giữa những người Mỹ, dù không đại diện cho chính phủ Mỹ và các quan chức Triều Tiên, CNN cho biết thêm.
Họ làm việc thông qua cơ chế đã có từ lâu gọi là “New York channel” (kênh New York) được tạo ra để gửi thông điệp qua lại trong Liên Hợp Quốc và ông Yun thường xuyên liên lạc với người đồng cấp quan trọng là đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Park Song Il. Các cuộc gặp diễn ra ở nước ngoài, bao gồm cả New York và Oslo, Na-uy.
Sau thời gian đóng băng kéo dài giữa Mỹ và Triều Tiên dưới thời Tổng thống Obama, những liên hệ giữa hai bên đã hoạt động trở lại khi ông Trump lên nắm quyền.
Các quan chức trả lời CNN họ hy vọng kênh ngoại giao này sẽ dẫn đến đối thoại mềm mỏng hơn. Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson trước đó nhấn mạnh trước công chúng mục tiêu của Mỹ là bắt đầu những cuộc nói chuyện với Triều Tiên với điều kiện trước tiên là Bình Nhưỡng ngừng chương trình hạt nhân của mình.
Trong bài phát biểu, ông Tillerson cũng gợi ý "chúng tôi có biện pháp ngoại giao rất tích cực đang diễn ra, phần lớn là ở hậu trường vì đó là nơi ngoại giao hiệu quả nhất".
Vào ngày 10/8, bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng khen ngợi nỗ lực ngoại giao để giải quyết vấn đề Triều Tiên của ông Tillerson là có tác dụng và là cách thường được ưu tiên để giải quyết khủng hoảng. Chiến tranh theo ông sẽ là một thảm kịch.
Theo CNN, ở cấp thấp hơn, đã có những cuộc đàm thoại thuộc kênh thứ hai về việc cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên. Những cuộc nói chuyện này thường được sử dụng để giải quyết tình huống ngoại giao khó và dù có thể không bao gồm các đại diện chính phủ Mỹ hiện tại, nhưng những chuyên gia và cựu quan chức thông qua đó vẫn có được sự giao tiếp.
Bình luận