Australia đang tìm đến cơ chế “trọng tài quốc tế” của Tổ chức Thương mại thế giới sau khi Trung Quốc áp thuế 80% đối với lúa mạch của họ.
Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham hôm 16/12 cho biết sẽ chính thức thông báo cho WTO về yêu cầu của mình vào đêm cùng ngày. Theo The Guardian, quá trình này có thể mất nhiều năm để hoàn thành, nhưng đối với Australia, đây là “bước tiếp theo phù hợp”.
“Chúng tôi từ lâu đã là người ủng hộ hệ thống dựa trên luật lệ quốc tế, cũng như tầm quan trọng của sự gắn kết và hợp tác đa phương. Có các quy tắc quốc tế và trọng tài quốc tế độc lập để giải quyết các tranh chấp, và trong trường hợp như vậy, chúng tôi sẽ gọi người phân xử”, ông nói.
Trung Quốc gần như ngăn nông dân Australia xuất khẩu lúa mạch khi áp thuế 80% đối với xuất khẩu ngũ cốc vào tháng 6, cáo buộc Australia đã “bán phá giá” - khi các nhà xuất khẩu bán sản phẩm với giá thấp hơn trên thị trường nước ngoài so với thị trường nội địa, điều mà Australia phủ nhận.
Birmingham nói: “Chúng tôi rất tự tin rằng dựa trên bằng chứng, dữ liệu và phân tích mà chúng tôi đã tổng hợp lại, Australia có thể bảo vệ lập trường của mình cực kỳ mạnh mẽ".
Xuất khẩu lúa mạch của Australia sang Trung Quốc trị giá khoảng 1 tỷ USD một năm trước đợt hạn hán gần đây. Đây là loại ngũ cốc được sử dụng nhiều nhất trong ngành công nghiệp bia.
Các chuyên gia cho biết Bắc Kinh đã cân nhắc việc hạn chế nhập khẩu lúa mạch của Australia kể từ năm 2018 trong bối cảnh lo ngại rằng Trung Quốc - nước chỉ sản xuất khoảng 20% lượng lúa mạch mà họ cần - phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu.
Nhưng thuế quan được đưa ra trong bối cảnh xung đột gay gắt giữa Canberra và Bắc Kinh đã làm dấy lên lo ngại rằng các biện pháp này cũng có động cơ chính trị.
Mỗi biện pháp đều có lý do kỹ thuật, nhưng nhiều luồng ý kiến ở Canberra cho rằng điều này có liên quan đến việc Australia cố gắng đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong nước và ở châu Á-Thái Bình Dương.
Ít nhất 13 ngành của Australia đã phải chịu thuế quan hoặc một số biện pháp gián đoạn thương mại từ Trung Quốc, bao gồm lúa mạch, thịt bò, than, đồng, bông, tôm hùm, đường, gỗ, du lịch, giáo dục trường đại học, rượu, lúa mì và len.
Trước đó, Australia vẫn né tránh việc đưa các tranh chấp lên WTO, vì lo ngại việc giải quyết có thể mất nhiều năm và làm xấu đi mối quan hệ.
Căng thẳng với Trung Quốc cũng đặt ra câu hỏi về mô hình kinh tế hàng thập kỷ của Australia, trong việc cung cấp nguyên liệu thô cho một nền kinh tế đang nổi lên chóng mặt như Trung Quốc.
Bình luận