Trang tin Global News của Canada mới đây đăng bài viết nhận định quốc gia Bắc Mỹ này có ý "lạnh nhạt" đối với hồ sơ gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Trung Quốc.
Sự hờ hững có chủ đích
CPTPP - khối thương mại ở vành đai Thái Bình Dương vốn được coi là một cửa ngõ quan trọng để Canada đa dạng hóa thương mại với các nước châu Á khác (ngoài Trung Quốc).
Ông Chris Zhou, người phát ngôn của Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada Mary Ng cho biết Ottawa nhận thức được mong muốn của Bắc Kinh trong việc tham gia CPTPP nhưng vẫn chưa có bất kỳ cuộc thảo luận nào giữa hai bên về việc này.
Theo ông Chris Zhou, Trung Quốc sẽ chỉ được phép gia nhập CPTPP nếu đáp ứng được “tiêu chuẩn cao” mà các nước thành viên yêu cầu. Quan điểm trên của Canada cũng phản ánh lập trường của tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sau khi ông tuyên thệ nhậm chức hôm 4/10.
Các chuyên gia phân tích cho rằng Canada nên thẳng thừng phản đối việc Trung Quốc gia nhập hiệp định thương mại quy tụ 11 quốc gia này.
Theo giới quan sát, việc hai công dân Michael Kovrig và Michael Spavor trở lại Canada an toàn giúp Ottawa có thêm cơ hội để phản đối Trung Quốc gia nhập CPTPP.
Hai công dân Canada trên đã bị bắt giữ ở Trung Quốc hồi năm 2018 với cáo buộc hoạt động gián điệp, ngay sau khi Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ.
Bắc Kinh luôn phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào giữa vụ kiện dẫn độ CFO của Huawei với việc giam giữ hai công dân Canada. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Canada Marc Garneau khẳng định việc hai công dân Canada được về nước ngay sau khi bà Mạnh Vãn Châu được thả là sự việc có gắn kết với vụ dẫn độ theo cách "rất trực tiếp".
Theo luật sư thương mại quốc tế Lawrence Herman, “Canada không có lý do gì để ủng hộ Trung Quốc" trở thành thành viên CPTPP.
"Hành vi kinh khủng của Trung Quốc đối với Canada trong hai năm qua, bao gồm cả những lời chỉ trích thù địch và hiếu chiến, đủ lý giải cho một phản ứng thờ ơ, nếu không muốn nói là lạnh nhạt, của Canada”.
Canada có thể nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc, nhưng tư cách thành viên của Canada trong CPTPP cho phép nước này sử dụng “tầm ảnh hưởng” của mình để chống lại “sự hung hăng của Trung Quốc.
Luật sư thương mại quốc tế Lawrence Herman
Chuyên gia về thương mại, TS. Meredith Lilly thuộc Trường Quan hệ quốc tế Norman Paterson, Đại học Carleton (Canada), cho rằng Ottawa không nhất thiết phải ủng hộ hoặc từ chối đơn xin gia nhập của Trung Quốc bởi vì thỏa thuận thương mại này đã có các quy định vững chắc xung quanh các tiêu chí cho các thành viên mới.
Chuyên gia Meredith Lilly lập luận: “Trung Quốc hiện không đáp ứng các tiêu chuẩn hoặc tham vọng được xác định trong tiến trình gia nhập CPTPP để có thể gia nhập hiệp định này".
Trung Quốc sẽ cần nghiêm túc thực hiện một loạt cải cách trong các lĩnh vực như doanh nghiệp nhà nước, trợ cấp nhà nước, lao động, nhân quyền và mua sắm.
Theo TS. Meredith Lilly, "sẽ là một sai lầm nếu các thành viên CPTPP hạ thấp các tiêu chí trong thỏa thuận để có thêm bất kỳ thành viên mới nào”.
Còn cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc Guy Saint-Jacques cho rằng Bắc Kinh đã không tuân thủ các cam kết mà nước này đã đưa ra cách đây hai thập niên khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Các công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn hơn so với các công ty Trung Quốc muốn hoạt động ở Canada. Ông Guy Saint-Jacques đề xuất: "Chúng ta phải dựa trên cách tiếp cận có đi có lại nhiều hơn”.
Màu sắc địa chính trị
Hồi giữa tháng 9 vừa qua, Trung Quốc đã chính thức đệ đơn xin gia nhập CPTPP. Việc tuyên bố nộp đơn xin gia nhập một ngày sau khi Mỹ, Anh và Australia thành lập AUKUS, khiến cho động thái của Trung Quốc nhuốm màu sắc cạnh tranh địa chính trị ngay từ đầu.
Sau đó, việc vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng tuyên bố nộp đơn xin gia nhập.
Dĩ nhiên là Bắc Kinh tức giận. Trung Quốc luôn phản đối sự tham gia của Đài Loan trên tất cả các đấu trường quốc tế vì Bắc Kinh coi hòn đảo này là một tỉnh ly khai.
Muốn ghi danh vào CPTPP, Trung Quốc hay Đài Loan phải nhận được sự đồng ý của tất cả các nước thành viên.
Theo các nhà phân tích, hồ sơ của Trung Quốc sẽ là vấn đề nan giải đối với nước nắm giữ chức Chủ tịch CPTPP. Hiện Nhật Bản đang giữ cương vị này trong năm 2021, tiếp theo sẽ là Singapore và New Zealand. Hai quốc gia sau có phần cởi mở hơn với tư cách thành viên của Trung Quốc so với Nhật Bản.
Australia đã tuyên bố rõ ràng rằng nước này phản đối đơn xin gia nhập của Trung Quốc. Chính phủ Nhật Bản cũng vậy.
Trong khi đó, biểu hiện ủng hộ của hai nước này đối với hồ sơ của Đài Loan càng làm đậm thêm màu sắc ý thức hệ của CPTPP.
Cựu Đại sứ Saint-Jacques và chuyên gia Lilly đều cho rằng Canada nên tán thành Đài Loan là thành viên CPTPP.
Trong những ngày gần đây, Thủ tướng Justin Trudeau đã lên tiếng khẳng định sự đoàn kết của Canada với hai đối tác lớn nhất trong CPTPP là Australia và Nhật Bản.
Thủ tướng Trudeau hôm 4/10 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Australia Scott Morrison. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về sự hợp tác chặt chẽ giữa Canada và Australia trong việc tăng cường thương mại toàn cầu, ủng hộ nhân quyền và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Cũng trong ngày 4/10, Văn phòng Thủ tướng Trudeau đã ra tuyên bố chúc mừng tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Thủ tướng Trudeau khẳng định: “Quan hệ thương mại và đầu tư sâu rộng của chúng ta, được củng cố bởi CPTPP, đóng góp lớn vào an ninh kinh tế của chúng ta”.
Là một hiệp định thế hệ mới, CPTPP mang đến cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Canada để mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, lựa chọn đối tác kinh doanh và đầu tư thông qua việc cắt giảm mạnh thuế quan tại một thị trường khổng lồ, với dân số khoảng 500 triệu người, nắm giữ 12,9% GDP toàn cầu và 14,9% giao dịch thương mại của thế giới.
Bình luận