Meng Wanzhou (Mạch Vãn Chu) bị nhà chức trách Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ hôm 1/12/2018 khi bà quá cảnh ở Vancouver, Canada. Theo thông báo của Bộ Tư pháp Canada, các thủ tục dẫn độ bà Meng được chính thức bắt đầu sau khi xem xét kỹ các bằng chứng của vụ việc.
Bà Meng sẽ xuất hiện tại tòa án ở Vancouver vào ngày 6/3 và các công tố viên sẽ trình bằng chứng chống lại bà cũng như đưa ra các lập luận về việc dẫn độ. Nếu thẩm phán ra lệnh dẫn độ, người đứng đầu cơ quan tư pháp sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về việc có giao bà cho nhà chức trách Mỹ hay không.
"Hôm nay, các quan chức của Bộ Tư pháp Canada đã ban hành thẩm quyền để xử lý, chính thức bắt đầu một quá trình dẫn độ đối với trường hợp của bà Meng Wanzhou", chính phủ Canada nói trong một tuyên bố.
Trung Quốc đã phản bác quyết định này và lặp lại các yêu cầu trước đây về việc thả bà Meng. Các chuyên gia pháp lý đã dự đoán chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục dẫn độ, do Canada có các cam kết tư pháp chặt chẽ với Mỹ.
Dù vậy, có thể mất nhiều năm trước khi bà Meng được dẫn độ đến Mỹ, vì hệ thống tư pháp của Canada cho phép nhiều quyết định bị kháng cáo. Quyết định cuối cùng có thể sẽ thuộc về Bộ trưởng Tư pháp liên bang, người sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn hoặc "chọc giận" Mỹ bằng cách từ chối yêu cầu dẫn độ, hoặc chọc giận Trung Quốc bằng cách chấp nhận nó.
Giáo sư Wesley Wark, Trường Đại học Quan hệ Công chúng và Quốc tế của Đại học Ottawa cho biết, người Canada sẽ bị tác động khá nhiều từ quá trình này. "Tôi nghi ngờ chính phủ ông Trudeau đang hy vọng một cách tuyệt vọng rằng người Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận với người Trung Quốc", ông nói qua điện thoại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với Reuters vào tháng 12/2018 rằng ông sẽ can thiệp vụ việc nếu nó phục vụ lợi ích an ninh quốc gia hoặc giúp cho một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, khiến Ottawa nhấn mạnh quá trình dẫn độ không nên bị chính trị hóa.
Sau khi bà Meng bị bắt giữ, Trung Quốc bắt giữ hai người Canada vì lý do an ninh quốc gia, và một tòa án Trung Quốc sau đó đã kết án tử hình một người đàn ông Canada trước đây chỉ bị bỏ tù vì buôn lậu ma túy. Giáo sư Đại học Brock Charles Burton cho biết Bắc Kinh có khả năng "trả đũa" thêm.
"Họ đã nói rằng họ sẽ không thể chịu đựng được điều này ... thật rùng mình khi nghĩ hậu quả có thể xảy ra", ông nói với Canada Broadcasting Corp, rằng Bắc Kinh có thể gây sức ép với các chuyến hàng canola (hạt cải) của Canada hoặc ngăn chặn sinh viên Trung Quốc đến Canada.
Ottawa từ chối những kêu gọi từ Trung Quốc đòi trả tự do cho Meng, nói rằng họ không thể can thiệp vào ngành tư pháp.
"Và Trung Quốc hoàn toàn không hài lòng, kiên quyết phản đối việc ban hành thẩm quyền xử lý vụ việc", Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa cho biết trong một tuyên bố. Bắc Kinh trước đó đã đặt câu hỏi về tình trạng độc lập tư pháp ở Canada, nói rằng chính phủ nước này phải đối mặt với những cáo buộc can thiệp để ngăn chặn một phiên tòa tham nhũng.
Bộ trưởng Tư pháp Canada David Lametti từ chối bình luận. Huawei chưa bình luận ngay lập tức. Các luật sư của bà Meng cho biết họ thất vọng và mô tả các cáo buộc của Mỹ là có động cơ chính trị.
Video: Giám đốc tài chính Huawei sau khi được tại ngoại
Bình luận