Phó Chánh án tòa án Tối cao British Columbia Heather Holmes cho biết phán quyết chính thức về việc bà Mạnh Vãn Châu có bị dẫn độ sang Mỹ hay không sẽ được đưa ra vào ngày 21/10.
Bà Mạnh bị bắt tại sân bay Vancouver vào cuối năm 2018 theo yêu cầu của các nhà chức trách Mỹ. Bà bị cáo buộc gian lận trong giao dịch với HSBC bằng cách lừa dối ngân hàng này về việc Huawei bán thiết bị cho Iran thông qua công ty con Skycom.
Các luật sư bào chữa cho bà Mạnh lập luận rằng phía Mỹ không có đủ bằng chứng để kết tội bà Mạnh và dẫn độ bà.
Tuy nhiên, luật sư Robert Frater của Bộ Tư pháp Canada đã phản bác lập luận này trong phiên điều trần cuối cùng về việc dẫn độ bà Mạnh hôm 18/8. Theo ông Frater, bằng cách không tiết lộ mối quan hệ thực sự của Huawei với Skycom, bà Mạnh đã khiến HSBC có nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Tuy bà Mạnh đã trung thực trong cuộc họp với giám đốc điều hành của HSBC, nhưng bà lại không cung cấp "toàn bộ sự thật" cho phía ngân hàng.
“Ngân hàng HSBC đã bị tước mất cơ hội công bằng để thực hiện hành động cần thiết”, ông Frater nói.
Luật sư Frater nói thêm rằng bên bào chữa cho giám đốc Huawei đang cố gắng "đổ lỗi cho nạn nhân" bằng cách tuyên bố chính ngân hàng HSBC đã quyết định chuyển tiền từ Skycom qua Mỹ.
Trong suốt phiên điều trần, bà Mạnh Vãn Châu đã theo dõi quá trình tố tụng thông qua một phiên dịch viên. Bà phải đeo thiết bị theo dõi điện tử ở mắt cá chân.
Huawei là thương hiệu công nghệ toàn cầu đầu tiên của Trung Quốc và là trung tâm của căng thẳng Mỹ -Trung về công nghệ và vấn đề an ninh của hệ thống thông tin. Chính phủ Trung Quốc đã chỉ trích vụ bắt giữ giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm cản trở sự phát triển công nghệ của nước này.
Hiện bà Mạnh vẫn đang được tại ngoại trong biệt thự riêng ở Vancouver.
Bình luận