Cầu thủ Việt Nam hiện tại có đủ khả năng chơi bóng ở Hàn Quốc, Nhật Bản, hay xa hơn là sang châu Âu? Nếu hiện tại chưa đủ, thì bao giờ bóng đá Việt Nam mới vang danh ở xứ người? Đó là những câu hỏi chưa có lời đáp, bởi bấy lâu nay, con đường xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam chưa bao giờ rõ ràng.
Đã có những chuyến đi, thậm chí đi ồ ạt 3, 4 cầu thủ cùng sang nước ngoài chơi bóng, nhưng hầu hết đều không gặt hái thành công. Tuy nhiên, cũng có những cầu thủ rất tài năng, được giới chuyên môn đánh giá cao và nhận được lời đề nghị từ CLB nước ngoài, nhưng chưa từng rời khỏi Việt Nam thi đấu để trả lời cho câu hỏi trên.
Video: Tuyển Việt Nam hạ Trung Quốc ngày đầu năm mới
Đó là câu chuyện của Quang Hải, Hoàng Đức, Hùng Dũng, Tiến Linh cùng rất nhiều cầu thủ tài năng khác, như những chú cá đang chờ thời để vươn mình ra biển lớn.
"Cá lớn trong ao tù"
Sau thất bại của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2020, chuyên gia bóng đá Đông Nam Á Gabriel Tan đã có bài phân tích trên ESPN, trong đó ông chỉ ra vấn đề nổi cộm của bóng đá Việt Nam hiện nay là việc các cầu thủ chỉ thu mình chơi bóng ở V-League.
Có những tài năng giàu triển vọng, được các CLB nước ngoài để ý, lại đang ở độ tuổi đỉnh cao sự nghiệp, nhưng lại lựa chọn thi đấu trong vùng an toàn V-League, thay vì hướng tầm mắt sang các quốc gia có những nền bóng đá phát triển hơn để thi đấu.
"Quang Hải, Hoàng Đức hay Tiến Linh chỉ chơi bóng trong nước. Họ chưa thử sức mình ở sân chơi lớn, do đó có nguy cơ sống thoải mái trong vòng an toàn tựa như cá lớn trong ao tù", Gabriel Tan ví von.
Trình độ những cầu thủ nói trên đã đủ để cạnh tranh ở các đội bóng quốc tế? Trợ lý Lee Young Jin đánh giá là khả năng thi đấu của cầu thủ Việt Nam ở các CLB nước ngoài là khả thi.
4 năm qua, bóng đá Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc dưới bàn tay dìu dắt của HLV Park Hang Seo, không chỉ trên phương diện thành tích với những chiến công lịch sử, mà ở khía cạnh trình độ, đẳng cấp cầu thủ cũng được cải thiện đáng kể.
Quang Hải, Hùng Dũng, Tiến Linh,... đã được cọ xát với những đối thủ hàng đầu châu lục, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ả Rập Xê Út đến UAE, Trung Quốc, Oman.
Việc liên tục thi đấu với các đội mạnh không thể giúp bóng đá Việt Nam lập tức bắt kịp đẳng cấp châu lục, minh chứng là 7 trận thua trong lần đầu dự vòng loại ba World Cup 2022 cho thấy khoảng cách trình độ không ngắn lại trong ngày một, ngày hai.
Tuy nhiên, những trải nghiệm đỉnh cao đã giúp vị thế cầu thủ Việt Nam được nâng tầm trong mắt giới chuyên môn. AFC không tiếc lời khen Quế Ngọc Hải là "đá tảng phòng ngự", gọi những pha xử lý của Quang Hải là "ma thuật", hay ca ngợi Hoàng Đức, Tiến Linh.
Hình ảnh bóng đá Việt Nam nói chung và cầu thủ Việt Nam đã rất khác so với 5-10 năm trước. Đây là thách thức, bởi việc duy trì vị thế trong thời gian dài, giữa guồng quay khắc nghiệt của bóng đá châu Á không phải chuyện đơn giản.
Bóng đá Việt Nam mới nổi trong vài năm qua, chưa thể sánh ngang với những thế lực lâu đời như Nhật Bản, Hàn Quốc. Nếu không duy trì được thành tích tốt, việc rơi vào quên lãng là khó tránh.
Nhưng đây cũng là cơ hội, để cầu thủ Việt Nam đường đường chính chính sang nước ngoài thi đấu, khi cái nhìn của giới mộ điệu về bóng đá Việt Nam đang thay đổi từng ngày.
Lời mời của đương kim vô địch Thái Lan BG Pathum United cho Hoàng Đức, việc một số CLB Nhật Bản quan tâm Quang Hải, hay trước đó là bản hợp đồng được Cerezo Osaka soạn cho Văn Lâm,... có thể mở ra chặng đường xuất ngoại đầy hứa hẹn cho cầu thủ Việt Nam.
Vấn đề là Quang Hải, Hoàng Đức, Tiến Linh,... có thực sự muốn và sẵn sàng bước khỏi vùng an toàn?
Cần sự quyết tâm
Bóng đá Việt Nam cần một tấm gương thành công ở nước ngoài để tạo động lực cho những cầu thủ khác quyết tâm thử thách bản thân.
Đó là trải nghiệm bóng đá Thái Lan đã có, và thành công rực rỡ. Khi Chanathip Songkrasin sang Nhật Bản thi đấu, cầu thủ có biệt danh "Messi J" phải nhận nhiều hoài nghi.
Chanathip có thể hình khiêm tốn. Trước khi tới Consadole Sapporo, thành tích của Chanathip chỉ gói gọn ở Muangthong United, sau quãng thời gian chơi cho BEC Tero Sasana - đội bóng nằm ở nhóm đua trụ hạng.
Nhưng bằng nỗ lực bền bỉ, Chanathip đã làm rạng danh bóng đá Thái Lan. Ở mùa giải trọn vẹn đầu tiên chơi bóng, tiền vệ này lọt vào đội hình tiêu biểu giải đấu. Sau 5 năm, Chanathip đá 113 trận, ghi 14 bàn, tỏa sáng rực rỡ ở vai trò tiền vệ tấn công với nhiều pha xử lý khiến giới chuyên môn Nhật Bản nể phục.
Tài năng của Chanathip được ghi nhận khi Kawasaki Frontale - nhà vô địch J-League 2020/2021 đã bỏ ra khoản tiền kỷ lục để mang cầu thủ này về từ Consadole Sapporo. Thành công vang dội trên đôi vai nhỏ bé của Chanathip đã mang đến sự tự tin khổng lồ cho cả nền bóng đá Thái Lan.
Trước Chanathip, không nhiều cầu thủ Thái Lan sang những nền bóng đá hùng mạnh chơi bóng. Sau Chanathip, nhiều cầu thủ Thái Lan đã sẵn sàng sang xứ mặt trời mọc, trong đó có Supachok Sarachat, Weerathep Pomphan, Kritsada Kaman.
Bóng đá Việt Nam đang cần "Chanathip" để mở đường sang nước ngoài. Những chuyến đi thất bại của Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng, hay mới nhất là Văn Hậu đã tạo ra sự e ngại lớn. Hầu hết cầu thủ Việt Nam xuất ngoại chỉ trụ được 1 năm ở đội chủ quản rồi bị trả về, rồi chấn thương liên miên, xuống phong độ, mất chỗ đứng ở đội tuyển.
So với việc đánh cược sự nghiệp ở nước ngoài, chơi bóng trong nước là lựa chọn an toàn hơn nhiều. Hà Nội FC chuẩn bị gia hạn hợp đồng với Quang Hải bằng mức lót tay kỷ lục, Hoàng Đức có thể được CLB Viettel mời chào hợp đồng "khủng", tương tự là trường hợp của Hùng Dũng, Tiến Linh.
Thi đấu ở V-League không những an toàn (được chơi bóng thường xuyên, đá với đồng đội quen thuộc, sức cạnh tranh giải đấu thấp), mà còn giúp cầu thủ có mức thu nhập cao. Tấm lưới an toàn đó đã ngăn chân Hoàng Đức, Quang Hải đến những chân trời mới trong nhiều năm qua.
Thực tế này có thể thay đổi? Quang Hải chia sẻ với truyền thông: "Tôi luôn có suy nghĩ nếu có cơ hội, tôi rất muốn được trải nghiệm, thử sức với môi trường quốc tế, qua đó biết được khả năng của mình đến đâu. Nhưng ở thời điểm này, tôi chưa thể tiết lộ được bởi mọi thứ đang ở trước mắt. Tôi muốn tập trung cho những gì trước mắt, còn tương lai thì phải tính toán kỹ lưỡng để có bước đi đúng đắn".
Trong khi đó, Hoàng Đức tiết lộ: "Trong năm mới, tôi muốn thể hiện hết mình để những đội bóng nước ngoài nhìn vào, muốn mình sang đó thi đấu và mong một ngày nào đó tôi có thể xuất ngoại chơi bóng".
Tuy nhiên, ngay cả khi cầu thủ mong muốn sang nước ngoài, vẫn còn một trở ngại khác, đó là CLB chủ quản.
Bao lâu nay, bóng đá Việt Nam dù đã lên chuyên nghiệp, nhưng nhiều đội vẫn hoạt động theo mô hình bao cấp, đó là chờ nguồn tiền rót xuống từ bầu sữa địa phương, doanh nghiệp. Chủ tịch một CLB Việt Nam từng liệt kê 3 nguồn thu của đội, mà không nguồn nào trong số đó liên quan mật thiết đến thành tích của đội.
Các CLB chỉ có chức năng nhận tiền tài trợ, rồi chi tiêu và hoàn thành chỉ tiêu. Bóng đá không nuôi nổi bóng đá, bản thân các CLB cũng không làm ra tiền.
Một nền bóng đá vận hành dị thường sản sinh ra cách thức chuyển nhượng dị thường. Đơn cử, Muangthong thu lại khoản tiền chuyển nhượng lớn từ việc bán Chanathip cho Consadole, rồi tái đầu tư khoản tiền đó cho đào tạo trẻ, chuyển nhượng.
Nếu Hà Nội FC bán Quang Hải, tiền chuyển nhượng sẽ được dùng để làm gì, và đội bóng của bầu Hiển có... thực sự cần khoản tiền chuyển nhượng đó?
Như đã nói, không CLB nào ở V-League làm ăn có lãi, hay sống bằng chuyển nhượng, mà đa số tồn tại bằng cơ chế xin cho từ tài trợ của doanh nghiệp và tỉnh. Do đó, nhu cầu bán cầu thủ kiếm tiền là chưa rõ ràng. Nếu Hà Nội FC hay Viettel để cầu thủ xuất ngoại, thì đấy là vì đại cục của bóng đá Việt Nam, chứ CLB không có động lực kinh tế rõ ràng.
Mà ba chữ "vì đại cục" nói cũng rất... chung chung. Không thể đòi hỏi các đội phải nghĩ cho cái chung nền bóng đá, bởi CLB phải lo thành tích trước. Có thành tích, mới có đầu tư, tài trợ. Mà để có thành tích, CLB liệu có chịu để báu vật của mình rời sang đội khác?
Hỏi cũng đã là trả lời. Đường xuất ngoại của các cầu thủ còn rất gian truân, một khi bóng đá Việt Nam vẫn cứ vận hành theo quy cách này.
Bình luận