Ngày 7/1, UBND TP Cần Thơ ban hành “Kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị cấp thành phố và quận, huyện”.
Theo đó, người được lấy phiếu tín nhiệm gồm: Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND thành phố; Phó Giám đốc Sở; cấp trưởng, cấp phó đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, huyện; Trưởng các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND quận, huyện là Ủy viên UBND; Chủ tịch, Giám đốc, Trưởng ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên (nơi không lập ban kiểm soát), Kế toán trưởng công ty TNHH MTV thuộc UBND thành phố.
Không lấy phiếu tín nhiệm đối với người có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 9 tháng tính đến ngày tổ chức cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với mỗi chức danh tối đa ở hai nơi (tại cấp ủy cùng cấp và nơi công tác). Mức độ đánh giá gồm có “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”.
Bộ phận tổ chức cán bộ của cơ quan, đơn vị lập danh sách cán bộ, công chức được lấy phiếu tín nhiệm báo cáo lãnh đạo cơ quan, đơn vị; chuẩn bị phiếu tín 3 nhiệm; đề xuất thành phần Ban Kiểm phiếu; thông báo cụ thể thời gian, địa điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm (chậm nhất 05 ngày trước ngày lấy phiếu tín nhiệm).
Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm có cán bộ của các Ban Xây dựng đảng (tổ chức, kiểm tra, văn phòng cấp ủy) và đại diện Sở Nội vụ tham dự..
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm theo kế hoạch của UBND thành phố; tổng hợp kết quả lấy phiếu tín nhiệm, báo cáo UBND thành phố trước ngày 31/1/2019.
Theo UBND TP Cần Thơ, mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm nâng cao vị trí, vai trò và uy tín đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong sở, ban, ngành thành phố và UBND quận, huyện; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; làm cơ sở để cấp thẩm quyền xem xét, đánh giá, quy hoạch, bố trí, sử dụng.
Việc lấy phiếu tín nhiệm phải đảm bảo tính công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm.
Bình luận