Khoảng 1h45 ngày 12/6, anh Nguyễn Văn N. (45 tuổi, quê Vĩnh Long) đang nuôi bệnh tại Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ thì đột ngột khó thở, người tím tái nên được gia đình báo cho nhân viên y tế.
Nhận được thông tin, ekip điều dưỡng trực đã tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân, bóp bóng qua mask và xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Lệnh báo động đỏ nội viện được phát lên để khẩn cấp mời hội chẩn viện, hội chẩn liên viện với các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.
Khi ekip Hồi sức cấp cứu tiếp cận, bệnh nhân đã trong tình trạng thở ngáp cá, mạch nhanh nhẹ khó bắt, huyết áp khó đo. Nhận định đây là trường hợp cấp cứu tối khẩn về ngừng tuần hoàn hô hấp, các bác sĩ đã hồi sức tim phổi (CPR), bóp bóng và đặt ống nội khí quản, gắn các thiết bị theo dõi: nhịp tim, huyết áp, SpO2, chuẩn bị máy sốc điện.
Adrenaline (một loại hormone giúp cơ thể kích hoạt tất cả các cơ chế và bản năng sinh tồn) cũng được tiêm vào người để giúp bệnh nhân phục hồi huyết động, tái lập nhịp đập tự nhiên của tim.
Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Phẫu thuật gây mê - Hồi sức tích cực - Chống độc, tuy nhiên điện tim lúc này cho thấy hình ảnh rung thất sóng to, mạch huyết áp không đo được. Lập tức bệnh nhân được sốc điện khử rung 4 lần và sử dụng Adrenaline tiêm mạch chậm, Natribicarbonate truyền tĩnh mạch chậm.
Gần 40 phút tập trung cao độ của ekip cấp cứu, anh N. đã có nhịp tự thở, đồng tử 2 bên đều, còn phản xạ với ánh sáng, phục hồi nhịp xoang, nhịp tim đều, rõ, huyết áp ổn định. Khi tái lập được tuần hoàn, anh N. được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ để tiếp tục theo dõi và điều trị.
ThS.BS. Trần Văn Đăng, Khoa Phẫu thuật Gây mê - Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện Phụ sản Cần Thơ chia sẻ đây là trường hợp cấp cứu tối khẩn, bệnh cảnh xuất hiện đột ngột, không khai thác được bệnh sử, tiền sử bệnh lý, tiên lượng tử vong rất cao.
"Việc cấp cứu kịp thời tái lập tuần hoàn thành công trước khi chuyển tuyến đã giúp anh N. không mất đi “cơ hội vàng” điều trị. Thành quả này có được nhờ vào sự hỗ trợ cấp cứu đúng lúc kịp thời cùng quy trình “báo động đỏ nội viện” với sự chuẩn bị kỹ càng về chuyên môn trong công tác sẵn sàng đối phó với các tình huống cấp cứu nguy kịch, đe dọa đến tính mạng người bệnh" - Bác sĩ Đăng cho biết.
Bình luận