Cần tháo gỡ điểm nghẽn cho dòng vốn

Đầu TưThứ Bảy, 26/11/2022 19:36:42 +07:00
(VTC News) -

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, khó khăn của DN Việt Nam hiện nay là nhất thời, điều quan trọng phải xử lý điểm nghẽn dòng vốn để chuyển vào sản xuất, kinh doanh.

Sáng nay (26/11), Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức Chương trình cà phê doanh nhân HUBA lần thứ 66 với chủ đề “Tìm giải pháp tài chính DN trong tình hình hiện nay”.

Hiện nay, DN đang đối mặt với khó khăn kép ảnh hưởng đến dòng tiền. Đó là tình hình kinh tế thế giới đang lạm phát, chiến tranh Nga-Ukraine, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, dòng tín dụng nước ngoài cho DN Việt Nam cũng bị hạn chế… Còn trong nước, dòng vốn vay lãi suất tăng cao khiến DN khó tiếp cận.

Chuyên gia kinh tế đánh giá, khó khăn của DN Việt Nam hiện nay là khó khăn nhất thời, điều quan trọng phải xử lý điểm nghẽn dòng vốn để chuyển vào sản xuất, kinh doanh. Thực tế, nền kinh tế không thiếu tiền, chỉ là nguồn tiền đó chưa chuyển được thành nguồn vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh vì nhiều người đang lo lạm phát.

Cần tháo gỡ điểm nghẽn cho dòng vốn - 1

 Các chuyên gia kinh tế đánh giá, khó khăn của DN Việt Nam hiện nay là nhất thời, điều quan trọng phải xử lý điểm nghẽn dòng vốn để chuyển vào sản xuất, kinh doanh.

Theo chuyên gia kinh tế, chúng ta phải có giải pháp khơi thông dòng vốn, làm lành mạnh thị trường tài chính, như loại bỏ trái phiếu dưới chuẩn ra khỏi thị trường, có cơ chế kiểm soát tốt việc phát hành trái phiếu DN, DN cần tái cấu trúc bằng cách tăng vốn cổ phần, vì nếu công ty hoạt động tốt thì nhiều nhà đầu tư sẵn sàng mua cổ phần và mua bán sáp nhập. Còn phương án bơm vốn ra thị trường cần phải cân nhắc.

Theo ông Dominit Scriven, Chủ tịch Quỹ đầu tư Capital, trái phiếu DN là kênh huy động vốn tốt, tạo nguồn vốn trung và dài hạn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian qua có một số việc ảnh hưởng đến phát hành trái phiếu DN, vì vậy cơ quan chức năng cần có cách kiểm soát tốt, minh bạch, ít rủi ro thì kênh này sẽ thu hút được nguồn vốn.

Làm sao chúng ta cho bức tranh trái phiếu DN ít rủi ro hơn. Chúng ta có minh bạch hơn không? Có báo cáo tài chính trung thực không? Có chấp nhận hệ thống quản trị công ty theo chuẩn mực không? Chúng ta cố gắng giảm rủi ro để khi chủ động đặt vấn đề với chủ nợ sẽ cơ cấu lại được”, Chủ tịch Quỹ đầu tư Capital gợi ý.

Còn TS. Trần Du Lịch cho rằng, để khơi thông dòng vốn, cơ quan chức năng nên đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, từ đó sẽ tác động đến các ngành khác. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để DN tiếp cận tốt hơn với gói cho vay 40.000 tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho DN với lãi suất 2%.

Chúng ta làm sao tháo những điểm nghẽn để dòng tiền chảy vào thị trường. Nền kinh tế không thiếu tiền chỉ thiếu vốn, kể cả phía nhà nước, DN, ngân hàng và người dân. Hiện nay, nhiều DN có sẵn tiền nhưng vì họ thấy chưa ổn nên họ chưa đưa ra thị trường. Một số dự án bị nghẽn về thủ tục chưa triển khai được nên tất cả phải tháo gỡ”, TS. Trần Du Lịch nêu giải pháp.

Lệ Hằng(VOV-TP.HCM)
Bình luận
vtcnews.vn