Trước nay, ngành Y thường chỉ tuyển sinh một tổ hợp truyền thống là B00 Toán, Hóa, Sinh; Ngành Dược tuyển tổ hợp Toán, Hóa, Sinh hoặc Toán, Lý, Hóa. Để mở rộng diện tuyển sinh, những năm gần đây, nhiều trường đại học có đào tạo khối ngành Y-Dược bắt đầu mở rộng tổ hợp xét tuyển, trong đó xét tuyển cả tổ hợp có môn ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên...
Đặc biệt năm nay việc một số trường đại học như Đại học Văn Lang, Đại học Duy Tân, Đại học Võ Trường Toản và trường Đại học Tân Tạo xét tuyển ngành Y bằng tổ hợp có môn Ngữ văn khiến giới Y học không khỏi ngỡ ngàng, băn khoăn và lo lắng.
Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký - Tổng hội Y học Việt Nam khẳng định, môn Ngữ văn quan trọng cho tất cả các ngành học. Nhưng về chuyên ngành Y, quan trọng nhất vẫn là những môn Khoa học tự nhiên như Toán, Hóa, Sinh, có chăng thêm môn Ngoại ngữ.
Liên quan đến sự cần thiết về kỹ năng giao tiếp, ứng xử của những bác sĩ tương lai, ông Sơn nói vấn đề y đức, y nghiệp và giao tiếp, ứng xử đã được đưa vào chương trình đào tạo.
Trong khi đó ngành Y là một trong những ngành học có chương trình đào tạo nặng nhất, công phu nhất và thời gian đào tạo lâu nhất. Chất lượng tuyển sinh đầu vào và quá trình đào tạo liên quan trực tiếp tới tính mạng bệnh nhân. Do vậy phương án tuyển sinh tốt sẽ sàng lòng được những học sinh, sinh viên ưu tú theo học ngành Y.
“Chất lượng nhân lực ngành Y liên quan trực tiếp đến năng lực đào tạo của các trường, liên quan trực tiếp đến năng lực của sinh viên. Nếu năng lực của sinh viên đáp ứng và phù hợp với những môn của ngành học các em sẽ có lợi thế. Còn môn Ngữ văn không ai nói không quan trọng. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là chuyên môn, trình độ, khả năng của người học”, ông Sơn nêu quan điểm.
Không đưa ra quan điểm đồng tình hay phản đối trước việc một số trường đại học đưa môn Ngữ văn vào đề án tuyển sinh ngành Y nhưng GS. Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương khẳng định, đào tạo Y khoa là vấn đề quan trọng do vậy bất kỳ một sự thay đổi nào trong phương án tuyển sinh cần phải trải qua quá trình nghiên cứu, đánh giá tác động.
“Tôi không bình luận đưa môn ngữ Văn vào để xét tuyển ngành Y là tốt hay không tốt. Nhưng khi đưa môn Văn vào xét tuyển thì phải được sự đánh giá của các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học ngành Y. Sau khi có căn cứ khoa học rồi thì cần có một văn bản hợp pháp hóa chứ không phải mỗi trường tuyển sinh một cách, mỗi năm thay đổi một kiểu", GS. Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Nhìn lại quá trình đào tạo ngành Y, GS Nguyễn Anh Trí cho biết, các môn quan trọng để làm căn cứ tuyển sinh ngành Y là Toán, Hóa, Sinh. Nếu cần có sự đổi mới trong xét tuyển đầu vào phải dựa trên căn cứ khoa học.
Trong khi đó, GS.TS. Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng trường Đại học Y – Dược (ĐHQG Hà Nội), nguyên Giám đốc Bệnh viện E cũng đặt câu hỏi băn khoăn khi một số cơ sở đào tạo mở rộng các tổ hợp xét tuyển ngành Y, trong đó có môn Ngữ văn.
Ông Thành nói, ngành Y nói riêng và khối ngành Sức khỏe nói chung phải trải qua một quá trình đào tạo lâu dài, công phu, quá trình học tập gian khổ do vậy các cơ sở đào tạo cần thận trọng trong phương án xét tuyển.
"Các cơ sở đào tạo cần cân nhắc kỹ xét tuyển môn Ngữ văn cho ngành Y-Dược. Những học sinh muốn theo đuổi ngành học này thường là những bạn có khả năng về các môn Sinh học, Hoá học. Còn bây giờ nếu xét tuyển điểm của môn Văn cao nhưng các điểm các môn tự nhiên lại thấp sẽ không phát triển được", GS.TS. Lê Ngọc Thành nói.
Để đảm bảo chất lượng đầu vào, hiện Bộ GD-ĐT có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) khi tuyển sinh khối ngành Sức khỏe. Tuy nhiên, liệu quy định này đã đủ trong việc kiểm soát đầu vào đào tạo ngành Y? Bác sĩ Trương Hồng Sơn cho rằng, đã đến lúc Bộ Giáo dục, Bộ Y tế cần rà soát, đánh giá lại các quy định hiện hành về tuyển sinh, đào tạo khối ngành Y-Dược.
"Nếu không quản lý chặt biết đâu sang năm lại có trường đưa môn giáo dục thể chất vào xét tuyển ngành Y thì sao? Do vậy các Bộ chuyên ngành cần ngồi lại với nhau để đưa ra một quy định chung trong đó xác định những môn học nào có thể dùng để xét tuyển ngành Y. Chứ không phải mỗi trường đưa ra một tổ hợp khác nhau bởi kết quả đầu ra cuối cùng là đào tạo ra bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho người dân", Bác sĩ Trương Hồng Sơn đề xuất.
Bình luận