Nóng, lạnh thất thường dễ bị “sốc nhiệt”
Trước đó, PV VTC News đã thông tin về quán Ice Coffee được thiết kế toàn bộ bằng băng đá độc đáo, lạnh đến -10 độ C nằm trên đường Trường Chinh (Quận Tân Phú, TP.HCM) trở thành điểm đến mới lạ khiến nhiều bạn trẻ ở Sài Gòn phát cuồng, đứng ngồi không yên.
Khác với những quán café thông thường, lối thiết kế ở đây độc đáo, hấp dẫn như bàn ghế, quầy bar, kệ tủ, những chiếc lồng đèn màu,…hoàn toàn được làm bằng băng. Để giữ nhiệt, các bạn trẻ khoác cho mình chiếc áo choàng bằng lông, đôi găng tay và trên mỗi bàn ghế đều phủ một lớp thảm da dày để giữ nhiệt.
Mặc dù, quán đã trang bị những vật dụng giữ nhiệt cho khách nhưng với nhiệt độ âm đến 10 độ C, các bạn trẻ vẫn lạnh cóng người.
PV VTC News đã thử thả mình vào độ lạnh âm đến 10 độ C, nhưng không tài nào trụ vững trong vòng 5 phút, phải chạy ra chạy vào gần chục lần. Điểm đặc biệt, chúng tôi vào thì lạnh tê cứng người nhưng ra lại nóng, có cảm giác hơi rít, khó chịu trong người và đau đầu.
Chị Trần Thị Thanh Hương (ngụ Quận 10, TP.HCM) cho biết, nghe tiếng đồn về quán café -10 độ C rất hút giới trẻ ở Sài Gòn, chị rủ người bạn đi cùng nhưng mới bước vào làn khói lạnh bốc lên, phà vào người tê điếng. Chị chịu không nổi, chỉ muốn tháo chạy.
“Ở lâu, tôi có cảm giác khó chịu, tay chân tê cứng như đông thành đá nhưng ra ngoài thì thấy nóng rã người như tan chảy vậy. Sau đó, tôi về nhà lại có triệu chứng như khó thở, nghẹt mũi, đau đầu, người mệt mỏi, sốt,…”.
Nguy cơ tử vong cao
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM cho biết: “Tình trạng nóng lạnh thất thường, xảy ra liên tục sẽ có nguy cơ bị sốc nhiệt là rất cao.
Cơ thể đột ngột tiếp xúc với môi trường ở nhiệt độ xuống thấp như đang đi ngoài nắng nóng 37-38 độ C vào phòng máy lạnh đột ngột chỉ có 17-18 độ C hay trời nóng chuyển sang lạnh, sự chênh lệch nhiệt độ nhiều sẽ làm nhiệt độ cơ thể hạ đột ngột, mồ hôi không toát ra được sẽ làm tổn hại đến trung khu thần kinh”.
Cũng theo bác sĩ Nga, tình trạng sốc nhiệt nhẹ, cơ thể thường có biểu hiện như mệt mỏi, lờ đờ, nói lắp, đau đầu, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn… Trong trường hợp nặng, có thể gây ra tình trạng thở nhanh và nông (hơi thở không sâu), tim đập nhanh và có khi dẫn đến tử vong.
“Với những người nhạy cảm, sức đề kháng yếu, nguy cơ mắc bệnh là rất cao. Đặc biệt đối tượng trẻ nhỏ, người cao tuổi thường là những người bị bệnh tim mạch, bệnh phổi, bệnh thận hoặc những người dùng các loại thuốc khiến cơ thể dễ bị mất nước nguy cơ sốc nhiệt là rất lớn. Vậy, việc đề phòng nguy cơ “sốc nhiệt” là điều rất cần thiết”, bác sĩ Nga nói.
Cách phòng tránh
Theo bác sĩ Nga, để phòng tránh tình trạng sốc nhiệt, mọi người phải giữ ấm cho cơ thể khi bước vào café âm 10 độ C, mặc nhiều áo ấm để dung hòa nhiệt độ trong cơ thể.
Video: Đón không khí lạnh bất thường
“Mọi người cần phải giữ ấm ở những bộ phận như cổ, tai, mũi, tay, chân,…vì những bộ phận này rất dễ bị lạnh”, bác sĩ Nga chia sẻ.
Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc đột ngột với không khí lạnh cũng như bổ sung các chất dinh dưỡng để giữ nhiệt. Khi vào quán café âm 10 độ C, mọi người có cảm giác đau đầu hay khó chịu trong người nên bước ra ngoài dùng tách trà gừng nóng để giữ ấm cơ thể, khi về nhà phải dùng nước ấm lau mình và có thể đứng chạy tại chỗ để làm nóng giúp cân bằng nhiệt độ trong cơ thể, tránh tình trạng sốc nhiệt.
Sốc nhiệt có thể gây biến chứng cho tất cả các cơ quan:
+ Tim mạch: nhịp nhanh xoang, tụt HA, thay đổi ST-T, tăng men tim, thủng cơ tim
+ Phổi: phù phổi, viêm phổi, kiềm hô hấp và ARDS
+ Thận: tiêu cơ vân, suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp
+ Điện giải: hạ kali máu, tăng kali máu, hạ calci máu, tăng natri máu, hạ đường huyết, tăng uric máu.
+ Huyết học: Rối loạn đông máu, hội chứng đông máu rải rác nội mạch
+ Thần kinh: liệt nửa người, hôn mê, mất trí nhớ, thay đổi tính cách, thất điều, thất ngôn
+ Gan: vàng da, hoại tử tế bào gan, suy gan
Bình luận