Cần có một Nghị định quy định rõ
Những năm qua, nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và trong một số văn bản quan trọng khác.
Trong đó, đáng chú ý, Điều 14, 15, Luật Công an Nhân dân năm 2014 đã giao Bộ Công an giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về Trật tự an toàn xã hội, trong đó có PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Tuy vậy, với yêu cầu từ thực tế, công tác cứu hộ, cứu nạn cần có một nghị định quy định cụ thể, rõ ràng hơn về nội dung này.
Theo dự thảo nghị định Chính phủ trình lần này thì đối tượng áp dụng là lực lượng dân phòng; PCCC cơ sở; PCCC chuyên ngành; Cảnh sát PCCC và các cơ quan, tổ chức cá nhân khác có liên quan.
Lực lượng PCCC sẽ là đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin về các sự cố, tai nạn cần cứu nạn, cứu hộ; Tham mưu cho Bộ Công an và chính quyền địa phương thực hiện việc quản lý Nhà nước và tổ chức công tác cứu nạn, cứu hộ theo các tình huống cơ bản được quy định tại Nghị định này.
Đồng thời sẽ chỉ huy, điều hành, tổ chức, thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ theo các tình huống cơ bản…
Thời gian qua, các sự cố, tai nạn và việc cứu nạn, cứu hộ là thuộc lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội và Bộ Công an đã được giao là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực này.
Trong văn bản mới nhất ngày 28/6/2016 Văn phòng Chính phủ có thông báo số 158/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 1634 năm 2010 của Thủ tướng và triển khai thực hiện Chỉ thị số 47 năm 2015 của Ban Bí thư về PCCC, trong đó giao Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ, cứu nạn tăng cường công tác cứu nạn, cứu hộ hàng ngày, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế phối hợp, thống nhất chỉ huy giữa các lực lượng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy.
Lực lượng Cảnh sát PCCC làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn
Theo Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh - Cục trưởng Cục PCCC và Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Công an, thực tế hiện nay, công tác cứu hộ, cứu nạn có vị trí đặc biệt quan trọng và cần phải có một nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC.
“Hiện các sự cố, tai nạn có chiều hướng gia tăng về số vụ, tính chất nguy hiểm và thiệt hại về người, tài sản theo sự phát triển của kinh tế, xã hội. Khi có sự cố, mọi người dân phải tham gia các hoạt động cứu nạn, cứu hộ để cứu người, cứu tài sản”, Cục trưởng Đoàn Việt Mạnh cho biết.
Đáng lưu ý, các sự cố, tai nạn xảy ra hầu hết có tính chất nguy hiểm, phức tạp, cần được cứu nạn, cứu hộ khẩn cấp, do đó đòi hỏi phải có một lực lượng chuyên nghiệp được đào tạo, huấn luyện thành thục các kỹ năng, được trang bị đầy đủ phương tiện để giải quyết sự cố, tai nạn nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Trong nhiều năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Công an đã và đang thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ.
Cũng theo Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, trong 5 năm (2012-2016), lực lượng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ, cứu nạn đã trực tiếp chỉ huy tổ chức cứu nạn, cứu hộ hơn 16.500 vụ.
Trong đó đã giải thoát và hướng dẫn thoát nạn được hơn gần 1,7 triệu người và cứu được hơn 3.300 người bị thương, bị mắc kẹt trong các vụ sự cố, tai nạn.
Thống kê cho hay, qua nghiên cứu ở 73 nước trên thế giới thì tất cả 73 nước (100%) mà trong đó có các nước lớn như Mỹ, Nga, Pháp, Nhật Bản... đều thành lập các tổ chức chuyên trách phụ trách việc cứu nạn, cứu hộ và chức năng cứu nạn, cứu hộ đều được giao cho lực lượng PCCC.
Video: Xe thang chữa cháy 38 tỷ đồng hiện đại nhất Việt Nam
Bình luận