• Zalo

'Cạn' ngân sách, cán bộ từ xã đến thôn làm việc không lương

Thời sựThứ Năm, 24/12/2015 06:27:00 +07:00Google News

Tình trạng UBND xã hết ngân sách chi trả lương cho cán bộ đã diễn ra 2 tháng nay tại xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Do huyện đặt ra chỉ tiêu thu ngân sách quá cao, UBND xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh hết tiền chi trả lương cho cán bộ đã 2 tháng nay.

Thời gian qua, người dân xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh bàn tán xôn xao về việc cán bộ công nhân viên chức, công chức, hợp đồng từ xã đến thôn bị nợ tiền lương. Hơn nữa, hiện giờ ngân sách của xã đã không còn để chi trả.

Một nhân viên làm việc tại xã Thạch Khê (xin được giấu tên) cho biết: “Đã hai tháng nay (tháng 11 và tháng 12/2015), anh em chúng tôi chưa được nhận lương”.
UBND xã Thạch Khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh. (Ảnh: Dân Trí).
UBND xã Thạch Khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh. (Ảnh: Dân Trí). 
Ông Nguyễn Hữu Tr cũng cho biết, 2 tháng cuối năm nay ông vẫn chưa nhận được lương.

“Lương của tôi thì cũng chỉ có hơn 900 nghìn đồng/tháng. Hiện tháng 11 và tháng 12/2015 tôi chưa được nhận. Tôi cũng không biết nguyên nhân vì sao”.

Ông Tr cũng cho biết, trước đó cũng đã xảy ra tình trạng chậm trả lương. Cứ 2 tháng mới trả lương một tháng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Xuân Mậu, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Khê cho biết có sự việc trên. “Hiện đang nợ lương cán bộ, nhân viên hai tháng lương”, ông Mậu cho biết.

Liên quan tới sự việc trên, ông Bùi Tất Thành, Cán bộ Tài chính - Kế toán xã Thạch Khê cũng thừa nhận: “Hiện đang nợ lương cán bộ đương chức từ xã đến thôn là 2 tháng (tháng 11 và tháng 12/2015). Nợ lương cán bộ hưu trí và đối tượng bảo trợ xã hội (người tàn tật, người già trên 80 tuổi là 1 tháng (tháng 12/215)”.

Ông Thành cho biết thêm, hiện cán bộ đương chức từ xã đến thôn là gần 130 người và số tiền lương nợ 2 tháng là hơn 400 triệu đồng.

Khi được hỏi nguyên nhân dẫn đến sự việc này, lãnh đạo xã này cho biết do huyện đặt ra chỉ tiêu thu ngân sách quá cao.

Cũng theo ông Thành: “Năm 2015, huyện giao chỉ tiêu thu ngân sách là hơn 4 tỷ đồng. Trong đó xã sẽ được hưởng 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ tiêu đó là quá cao so với thực tế của địa phương, nên xã không thể hoàn thành. Đến nay chỉ mới thu được hơn 50% kế hoạch thu ngân sách”.

Ông Thành viện dẫn ví dụ như huyện đặt chỉ tiêu thu ngân sách đối với khoản thu khác là 200 triệu nhưng thực tế xã chỉ thu được 58 triệu.

Ông Bùi Tất Thành, Cán bộ Tài chính - Kế toán xã Thạch Khê. (Ảnh: Dân Trí).
Ông Bùi Tất Thành, Cán bộ Tài chính - Kế toán xã Thạch Khê. (Ảnh: Dân Trí). 
Hiện nay, xã Thạch Khê mới thu ngân sách được hơn 2 tỷ đồng. Theo quy định xã sẽ được hưởng hơn 900 triệu đồng/2 tỷ đồng này. Và tất cả các khoản chi của xã gần như phụ thuộc vào khoản tiền hưởng % từ thu ngân sách.

“Trong số hơn 900 triệu này thì phải chi một phần cho đầu tư phát triển, số còn là chi thường xuyên. Trong khi mỗi tháng trả tiền lương cho cán bộ nhân viên đã lên tới hơn 250 triệu/tháng”.

Theo tìm hiểu và được biết, năm 2014 huyện Thạch Hà cũng giao thu ngân sách quá cao và xã này đã không thể hoàn thành kế hoạch. Nhưng năm 2015 huyện Thạch Hà vẫn tiếp tục giao chỉ tiêu cao về thu ngân sách.

“Năm 2016 huyện còn giao chỉ tiêu thu ngân sách cao hơn nữa. Năm sau lại càng khó khăn hơn nữa”, ông Thành cho biết.

Cũng theo ông Thành thì việc nợ lương cũng phần nào ảnh hưởng đến công việc chung của toàn xã, nhất là ở thôn xóm.

“Hiện xã cũng đã làm tờ trình gửi UBND huyện Thạch Hà xin bổ sung ngân sách hoặc xin ứng ngân sách năm 2016 nhưng đến giờ huyện chưa có ý kiến gì”, ông Thành cho biết.

Trước đó, tại một số địa phương cũng đã xảy ra tình trạng hụt thu NSNN, không có nguồn để chi trả các nguồn phúc lợi xã hội.

Trước sự việc này, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đã ký công văn gửi các địa phương về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước.

Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu UBND các tỉnh, TP chỉ đạo ngành thuế, hải quan tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế, phấn đấu tăng thu ở mức cao nhất để hoàn thành mục tiêu ngân sách nhà nước (NSNN) đề ra.

Các sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh, TP quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ quy định. Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí hội nghị, hội thảo, khánh tiết, hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền.

Bộ Tài chính yêu cầu UBND tỉnh, TP đảm bảo các khoản chi trong dự toán được giao, không để xảy ra tình trạng chậm lương, nợ lương cán bộ công chức, viên chức, đảm bảo chính sách chế độ xã hội trên địa bàn.

Trường hợp trên địa bàn có cơ quan hụt thu hoặc thiếu hụt tạm thời các quỹ ngân sách cần chủ động giãn tiến độ hoặc tạm dừng thực hiện các khoản chi chưa cần thiết; nếu vẫn thiếu nguồn thì sử dụng thêm các nguồn lực tài chính của địa phương như quỹ dự trữ tài chính.

Bộ Tài chính nhấn mạnh nếu thực thiện các giải pháp trên mà vẫn khó khăn về NSNN thì các địa phương báo cáo bằng văn bản kịp thời đến cơ quan cấp trên để xem xét cho phép tạm ứng nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách quan trọng.
Nguồn: ĐS&PL
Bình luận
vtcnews.vn