Những ngày Tết, mạng xã hội lan truyền hóa đơn thanh toán của nhà hàng Hưng Phát (đường Trần Phú, TP. Nha Trang) với nhiều món ăn bình dân nhưng được tính với giá “cắt cổ” như: cơm trắng giá 200.000 đồng/ đĩa, đậu hà lan xào tỏi giá 300.000 đồng/ phần, đậu bắp luộc 300.000 đồng/ phần…
Những cái giá trên trời đó khiến nhiều người không khỏi bức xúc bởi được chế biến từ những nguyên liệu rau củ quả rất đỗi rẻ tiền, nhưng đưa vào nhà hàng và bán cho khách du lịch đã bị đội giá lên gấp nhiều lần.
Choáng váng hơn, nhà hàng này còn tính 800.000 đồng cho 4 phần cơm trắng và 1,5 triệu đồng cho 3 phần trứng xào cà chua.
Chưa dừng lại ở đó, một hóa đơn khác của quán Tháp Bà Làng Chài (đường Phạm Văn Đồng, P. Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang) lại tiếp tục khiến dân mạng dậy sóng.
Hóa đơn thanh toán trên được tính vào ngày mồng 3 Tết Nguyên đán với các món rau khổ qua xào 500.000 đồng/ dĩa, mồng tơi giá 250.000 đồng/dĩa, cháo 400.000 đồng…
Nhiều ý kiến đều bày tỏ sự bức xúc với cách chặt chém của nhà hàng này. Theo họ giá tính tiền trong phiếu quá đắt so với mặt bằng giá cả hiện nay.
Ông Trần Chính Lý, quản lý nhà hàng Tháp Bà Làng Chài cho rằng nhà hàng không chặt chém. Cháo trên hóa đơn thực tế là cháo tôm hùm, khổ qua xào là khổ qua xào bò, mồng tơi là mồng tơi xào bò… Do khách đông, nhà hàng kín bàn, nên thu ngân đã sơ ý in hóa đơn cho nhanh đã đánh thiếu không có từ “tôm hùm” hay “bò” gây nhầm lẫn.
Tuy nhiên những lời giải thích của chủ nhà hàng vẫn không thuyết phục được dư luận, gây nên một làn sóng phẫn nộ không chỉ với du khách mà ngay cả những cư dân mạng.
Mới đây, ông Phạm Văn Hữu, quyền Cục trưởng Cục quản lý thị trường Khánh Hòa cho biết, đơn vị vừa ban hành quyết định xử phạt quán Tháp Bà Làng Chài (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) 750.000 đồng về hành vi vi phạm không niêm yết giá bán hàng hóa, dịch vụ.
Việc xử phạt như trên xem ra vẫn còn quá nhẹ, bởi thực tế tình trạng chặt chém du khách chưa bao giờ có dấu hiệu giảm lại, thậm chí còn tinh vi hơn.
Các nhà làm luật thường nghĩ rằng thiệt hại tình trạng “chặt chém” là nhỏ nên hình thức xử phạt cũng nhẹ. Đó chính là lỗ hổng để nhiều cá nhân trục lợi, và dần trở thành tiền lệ xấu của ngành du lịch.
Có thể thấy chặt chém du khách không phải là “bệnh nan y”, chỉ mới bùng phát cách đây vài chục năm, chủ yếu do lòng tham của con người và cách thức quản lý nửa vời của chính quyền địa phương. Thiết nghĩ, bài thuốc đơn giản nhất để trị “bệnh” này là phải xử lý nghiêm theo luật định những đối tượng vi phạm như phạt hành chính lên đến cả chục triệu đồng, rút giấy phép kinh doanh, cấm hành nghề vĩnh viễn, thậm chí có thể xử lí hình sự…
Các cơ quan chức năng cần quyết liệt trong hành động như lời ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó chủ tịch TP. Nha Trang đã khẳng định: “Quan điểm của Thành phố là sai phạm của các nhà hàng đến đâu kiên quyết xử lý đến đó. Không thể để một Thành phố du lịch thân thiện xây dựng bao lâu, một điểm đến trong năm du lịch quốc gia lại có tình trạng giá như vậy”.
Bên cạnh đó để hạn chế nạn “chặt chém” thì trước tiên du khách phải tự bảo vệ mình, trước khi đặt món ăn uống cần phải hỏi giá cả rõ ràng, thậm chí nên buộc đại diện chủ quán báo giá bằng giấy tờ để làm bằng chứng, tránh tình trạng dùng rồi mới khiếu nại.
Bình luận