(VTCNews) - Thưa bác sĩ, gần đây tôi có biểu hiện đầy bụng, khó tiêu, đau vùng thượng vị và đôi khi còn có cảm giác buồn nôn. Đi khám tôi được phát hiện mắc chứng đau dạ dày. Hiện tôi đang dùng thuốc điều trị do bác sĩ kê đơn. Vậy xin cho hỏi trong đời sống thường ngày cũng như trong chế độ ăn uống tôi cần lưu ý điều gì để kiểm soát tình trạng bệnh? Xin cảm ơn.
Tâm Đức (Tây Ninh)
Trả lời: Thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày ảnh hưởng rất lớn đến "sức khỏe" của dạ dày, khi đã mắc chứng bệnh liên quan đến dạ dày nói chung và chứng đau dạ dày nói riêng bạn cần thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt để kiểm soát tình trạng bệnh.
Không nên ăn trước khi đi ngủ: Bất kể đó là loại thực phẩm gì bạn cũng không nên lựa chọn thu nạp chúng trước giờ đi ngủ. Bởi lẽ hàm lượng protein trong thực phẩm sẽ gây ảnh hưởng đến lượng axit cũng như dịch vị có sẵn trong dạ dày. Từ đó bạn sẽ phải gánh chịu cảm giác đầy bụng khó tiêu, gây nên tình trạng ấm ách và đó chính là nguyên nhân chi phối giấc ngủ của bạn. Vì thế tốt nhất trước khi đi ngủ bạn không nên ăn phụ và nếu có thể nên thiết lập bữa ăn tối trong ngày là bữa ăn nghèo nàn nhất so với bữa ăn trưa và ăn ăn sáng.
Hạn chế đồ uống chứa caphein: Những đồ uống có chứa caphein có thể hàm lượng axit trong dạ dày tăng lên, là tiền nguyên nhân gây nên chứng vọp bẻ hoặc cảm giác khó chịu. Đặc biệt kết quả nghiên cứu của trung tâm Mayo Clinic còn chỉ ra rằng những rắc rối này rất dễ “viếng thăm” những người có thói quen thu nạp 3 tách cà phê mỗi ngày.
Không chỉ có vậy, cà phê còn gây nên khá nhiều hệ lụy với sức khỏe ví như nó khiến cho chất lượng của bạn không đạt chất lượng, gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim….
Cho nên nếu bạn là một “tín đồ” của cà phê thì nên học cách cắt giảm nó thay thế bằng những loại đồ uống khác.
Ăn uống đúng bữa: Nhiều người thường có thói quen ăn uống “tùy hứng” không tuân theo một nguyên tắc nhất định hay một khung giờ đã lập trình sẵn.
Đây là một thói quen tai hại, làm tăng nguy cơ mắc chứng đau dạ dày hoặc viêm loét dạ dày. Cần thay đổi nhanh chóng thói quen ăn uống này để dạ dày có thể làm việc đúng thời điểm và vận hành hết khả năng của nó.
Không nên ăn lạnh: Bởi những đồ ăn lạnh sẽ khiến cho dạ dày phải mở rộng mạch máu, làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan khác, cản trở quá trình tiêu hóa bình thường.
Nước lạnh cũng dễ kích thích khiến nhu động đường tiêu hóa tăng nhanh, ảnh hưởng đến sự hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể. Trong khi đó nó còn làm loãng dịch dạ dày, ảnh hưởng đến tiêu hóa.
Không tự ý dùng thuốc: Thuốc luôn là con dao hai lưỡi, bên cạnh những tác dụng chính thì thuốc cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ. Việc sử dụng thuốc không kê đơn một cách tùy thích sẽ là thủ phạm gây hại cho dạ dày, những rắc rối điển hình thường gặp là viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày và đau dạ dày.
Loại thuốc được coi là “khắc tinh” hàng đầu với dạ dày là thuốc giảm đau, hạ sốt vì thế nếu cảm giác đau đớn trong phạm vi có thể kiểm soát thì không nên lạm dụng thuốc giảm đau. Nếu có cần được bác sĩ chuyên khoa kê đơn và hướng dẫn cụ thể, tránh tự ý dùng thuốc bừa bãi.
Từ bỏ thuốc lá: Thuốc lá gây nguy hại đến sức khỏe là điều không còn xa lạ với nhiều người, khi hút thuốc thì mọi cơ quan bộ phận trong cơ thể đều phải gánh chịu những hệ lụy và tất nhiên không loại trừ dạ dày.
Lý giải một cách đơn giản rằng chất nicotine độc hại điển hình trong khói thuốc sẽ làm hẹp mạch máu của dạ dày, gây cản trở đến hoạt động bình thường của nó, từ đó “tiếp tay” cho những chứng bệnh liên quan đến dạ dày.
Ăn chậm nhai kỹ: Là cách hiệu quả để hỗ trợ hoạt động của bộ máy tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng. Ăn uống quá nhanh sẽ gây nên tình trạng khó tiêu hóa vì não không kịp tiếp nhận những “thông tin” từ dạ dày để chuyển hóa. Quá trình này kéo ra dài lâu ắt sẽ dẫn đến hệ lụy của chứng đau dạ dày.
Lời khuyên dành cho bạn khi ăn tốt nhất là nên ăn chậm, nhai kỹ để hỗ trợ dạ dày trong quá trình tiêu hóa.
Khổng Thu Hà
Bình luận