Năm 2019, một số tỉnh nhỏ như Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi... đang có nhiều chính sách đổi mới để thu hút đầu tư nhằm đẩy mạnh phát triển nền kinh tế, níu kéo nguồn nhân lực bản địa, tạo đà phát triển cho các tỉnh nói riêng và các địa phương lân cận nói chung.
Để làm rõ hơn về những ưu điểm và hạn chế của việc trải thảm đỏ thu hút đầu tư, PV VTC News đã phỏng vấn chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển xung quanh chính sách chiến lược này.
Tạo bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh
- Năm 2019, các tỉnh nhỏ như Ninh Thuận, Bình Thuận… sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư bằng nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp bên ngoài, ông có nhận xét gì về chính sách này?
Chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư dựa trên việc các tỉnh có thiếu nguồn lực thì cần có nguồn vốn ngoài, không thể chỉ dựa vào nguồn vốn đang có mà đủ được. Thế nhưng việc thu hút các nguồn vốn ngoài này tốt nhất phải đền từ các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, cũng như năng lực về chuyên môn.
Chủ trương thu hút đầu tư ở các khu vực vốn đã kéo dài trong nhiều năm và hầu như năm nào cũng có một số tỉnh cũng tổ chức các hội nghị để thu hút vốn đầu tư vào tỉnh.
Tóm lại, thu hút vốn đầu tư là chủ trương đúng, cần thiết để có thể mời gọi được những nhà đầu tư lớn có tiềm lực về vốn và năng lực để có thể phát triển được các dự án lớn của tỉnh đó, khi mà năng lực địa phương không thể đáp ứng được.
- Liệu việc dành quá nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư ngoài tỉnh như vậy có dẫn đến những hệ quả xấu hay không?
Ở đây chúng ta thấy, trước mắt khi các tỉnh muốn thu hút đầu tư là đã nghĩ đến việc địa phương của mình đang yếu kém, muốn người ta tới đây, đem vốn và năng lực tới đây thì buộc phải có những chính sách vượt trội hơn nơi khác. Ví dụ giao đất, miễn thuế hay nhiều yếu tố ưu đãi khác.
Những ưu đãi đó đều có những điều hợp lý của nó. Hợp lý là nếu địa phương mình muốn có những người làm ăn giỏi tới thì mình phải có cái gì đó trả cho họ.
Tuy nhiên quan sát trong vòng 10 năm nay, rõ ràng thấy dù sự cạnh tranh về chính sách ưu đãi giữa các tỉnh đã được đẩy lên, các tỉnh có chính sách tốt đi nữa thì việc huy động cũng không đạt kết quả.
Tôi thấy rằng, nếu như mọi chính sách, mọi ưu đãi cho doanh nghiệp phá vỡ cái chung của địa phương thì sẽ dẫn đến sự rối loạn. Như vậy chúng ta sẽ thấy rằng kinh tế của địa phương đó sẽ lại dịch chuyển tiếp mà không cân bằng, vượt quá mức hợp lý.
Tóm lại là, ưu đãi cho doanh nghiệp là cần thiết, nhưng tùy theo vùng miền mà địa phương đó nên đưa ra những chính sách hợp lý. Ưu đãi doanh nghiệp cũng không được phá vỡ cấu trúc chung của kinh tế thị trường, quy định của những chính sách chung thì việc thu hút đầu tư mới hiệu quả.
- Có nghĩa là việc dành những chính sách ưu đãi cho bên ngoài như thế không tạo được sự công bằng cho các doanh nghiệp bên trong địa phương đó?
Chúng ta cũng biết rằng, FDI có những đóng góp rất rõ ràng cho Việt Nam và tiếp tục đóng góp nữa. Nhưng mà chúng ta cũng nhìn nhận lại cách chúng ta tham gia, khi mà dù mạnh về FDI nhưng doanh nghiệp nội địa lại không mạnh lên được. Trong khi đó ở tất cả các quốc gia thì doanh nghiệp nội địa nó lại cấu thành, quyết định xây năng lực cạnh tranh quốc gia. Và muốn vượt qua bảng trung bình, muốn phát triển lên thì phải cần những doanh nghiệp mạnh. Đó là toàn cục ở Việt Nam.
Trở về một tỉnh cũng vậy, muốn thu hút vốn đầu tư thành công thì phải có nội lực để cùng hợp tác với nhau. Nội lực đó chính là những doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp địa phương của mình. Nếu những doanh nghiệp đó có sức mạnh, kinh doanh tốt hơn thì vốn đầu tư từ ngoài vào – hai bên hợp tác mới hiệu quả. Còn nếu như doanh nghiệp nội địa của tỉnh mà không mạnh thì cuối cùng tỉnh đó không có năng lực riêng của họ.
Mọi ưu đãi để thu hút đầu tư phải tính toán hài hòa, bảo đảm sự hợp tác phù hợp giữa các doanh nghiệp bên ngoài và doanh nghiệp nội địa. Còn nếu ta cứ chú trọng trải thảm đỏ cho doanh nghiệp ngoài mà doanh nghiệp địa phương yếu thì việc thu hút đầu tư của tỉnh đó cũng không thành công.
Thu hút đầu tư theo chiều sâu
- Nhiều doanh nghiệp khi đầu tư vào một tỉnh, họ chọn cách tập trung vào một ngành nghề, một khu vực có hạ tầng, liệu việc này có dẫn đến sự mất cân bằng trong phát triển kinh tế của địa phương?
Cái này phụ thuộc vào việc nguyên tắc lợi thế vùng miền và tính đa dạng có hòa hợp hay không.
Lợi thế vùng miền là gì? Ví dụ, Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về phù sa, về nuôi trồng, những nông sản và lúa gạo thì đó là lợi thế vùng miền. Nếu như một doanh nghiệp lớn vào, họ đi chuyên sâu vào một lợi thế trong ngành nghề thì rất hoan nghênh vì nó đi vào chiều sâu và bảo đảm năng lực không chỉ cho địa phương đó, mà còn giúp cho quốc gia cạnh tranh với các nước khác trong chính ngành nghề đó.
Tình trạng thứ 2 là tính đa dạng ngành nghề cho địa phương đó, vừa có nhiều loại kinh doanh, vừa tạo việc làm sẽ tạo sự đa dạng trong địa phương. 2 cái này nếu kết hợp được thì rất tốt.
Tuy nhiên, có những doanh nghiệp lớn trong tỉnh, cái gì cũng làm, từ cầu đường, đường xá đến thương mại dịch vụ, một doanh nghiệp bao trùm hết thì như vậy là không tốt. Nó cho thấy doanh nghiệp này đang lợi dụng mối quan hệ với địa phương mà lấn át hết mọi doanh nghiệp nhỏ khác trong mọi ngành nghề, không cho những doanh nghiệp khác có năng lực trong ngành nghề đó phát triển lên.
- Vậy nếu những doanh nghiệp thâu tóm thị trường rút đi hoặc thất bại thì kinh tế địa phương liệu có bị suy giảm hoặc là sụp đổ theo doanh nghiệp đó hay không?
Các doanh nghiệp như vậy thay vì đi vào chiều sâu, họ nhận thấy địa phương này có nhiều mảng thuận lợi và cứ vay vốn để làm. Chúng ta cũng biết, khi doanh nghiệp không đầu tư vào lõi mà chỉ vay vốn ngân hàng thì sẽ dễ thất bại.
Quan trọng ở đây, là doanh nghiệp đầu tư tràn lan dựa vào quan hệ, dựa vào tỉnh để họ làm rồi họ thất bại, đến khi họ rút đi, không chỉ địa phương đó bị hụt hẫng, mà còn mất đi nhiều thời gian mà địa phương đó có thể tìm được các doanh nghiệp khác ổn định hơn để phát triển.
Còn một vấn nạn nữa là nợ mà tỉnh phải gánh, bởi vì khi một doanh nghiệp họ phát triển thì tỉnh cũng phải đi theo dự án của họ. Thậm chí, có tỉnh còn phải vay tiền để tạo hạ tầng hoặc cung cấp đất cho họ. Đến khi doanh nghiệp thất bại thì toàn bộ gánh nợ đó tỉnh hoàn toàn phải lãnh và không có nguồn chi trả.
- Ông có thể đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy việc các tỉnh thu hút đầu tư theo chiều sâu, thưa ông?
Việc thu hút đầu tư đã diễn ra rất nhiều năm và hầu như tỉnh nào cũng áp dụng nhưng theo dạng “trải thảm đỏ”.
Video: Các chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2019
Tức là, ưu đãi về đất đai, về thuế thậm chí về hạ tầng. Với những ưu đãi như vậy, sau đó lại không có được những doanh nghiệp chất lượng mà doanh nghiệp họ chỉ đòi hỏi ưu đãi mà thôi. Các giải pháp mà các tỉnh đưa ra đều hợp lý và mang tính chiến lược trọng tâm, chỉ cần làm chính xác thôi.
Còn giải pháp cho sự cạnh tranh là phải xác định địa phương mình có lợi thế gì và lợi thế thì chỉ có một vài lợi thế thôi. Cần phải xác định những lợi thế trọng điểm thì mới có thể đi vào chiều sâu.
Thứ nhất, lãnh đạo địa phương cần tập trung: Cái cơ bản nhất là hạ tầng phát triển kinh tế, chứ không phải hạ tầng phát triển dân sinh về bất động sản khi kinh tế còn yếu. Ví như vùng đó là vùng lúa gạo, mà con đường không đủ cho lưu lượng thì phải tìm cách mở đường.
Thứ hai là xác định lĩnh vực mà tỉnh mình ưu thế và kêu gọi đầu tư chiều sâu.
Thứ ba là nghiên cứu hướng phát triển Khoa học Công nghệ của sản phẩm đó. Khi đạt được những điều này thì lực phát triển có thể coi là bền vững.
Chẳng hạn, thanh long đem lại lợi ích lớn cho Bình Thuận, tuy nhiên tỉnh lại không đầu tư để phát triển thanh long, không đi sâu vào nghiên cứu giống để phát triển. Trong khi Đài Loan đi sau chúng ta nhưng lại tạo ra những giống tốt với chất lượng cao. Chúng ta có ưu thế về giống, về cây trồng nhưng lại không có chiều sâu kể cả thương mại để rồi cuối cùng phải phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Bên đó họ không mua thì thanh long đổ vỡ.
Do đó, địa phương cần mời những doanh nghiệp có năng lực, dù ban đầu sẽ có những khó khăn, nhưng sau này khi hỗ trợ cho doanh nghiệp đi vào chiều sâu sẽ nâng cao năng lực địa phương.
- Cảm ơn ông!
Bình luận