Thời gian gần đây, câu chuyện về Uber lại khiến dư luận xôn xao. Cụ thể là trong văn bản trả lời Uber về Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, Bộ Giao thông Vận tải chính thức yêu cầu Uber Việt Nam không phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành, cho tới khi hoàn thiện các thủ tục hoạt động. Điều này gây ra nhiều bất lợi đối với chính công ty Uber Việt Nam, những tài xế đối tác đăng ký tham gia dịch vụ và hơn ai hết đó chính là khách hàng.
Có thể thấy, Uber là một hiện tượng lớn trong cuộc cách mạng của nền “kinh tế chia sẻ”. Chúng ta có thể kể đến rất nhiều ứng dụng công nghệ khác như Airbnb, ShareMyStorage, Triip.me, Skillshare... với chức năng kết nối người cung cấp hàng hóa, dịch vụ với những người có nhu cầu.
Tại Việt Nam, nền kinh tế chia sẻ đang ngày càng trở nên lớn mạnh và vượt ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội thì “Từ góc độ quản lý nhà nước, chủ yếu là quản lý về thuế của Việt Nam, thách thức đặt ra là làm sao xác định anh doanh nghiệp này đang làm cái gì, rồi thu nhập của anh ta phát sinh ra thuộc dạng gì để tôi đánh thuế, đánh theo luật gì đang có? Thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu hay thuế thu nhập doanh nghiệp? Khi chúng ta còn chưa biết định danh như thế nào, không biết làm thế nào thì sẽ gây ra sự hoang mang ban đầu. Sau đó, tôi nghĩ rằng, xã hội tiến hóa và sẽ có cách định danh cho loại hình kinh doanh mới đó”.
Hiện tại, loại hình dịch vụ như Uber vẫn đang đứng trước sự tranh cãi trong việc định danh xem liệu đây là “dịch vụ công nghệ” hay “dịch vụ kinh doanh vận tải”. Nếu đây là một “dịch vụ công nghệ” thì theo cam kết WTO, Việt Nam cho phép các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, do vậy, nhà cung cấp dịch vụ không phải đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các ứng dụng chỉ đóng vai trò trung gian để kết nối người tiêu dùng đến bên cung cấp dịch vụ nên nhà phát triển ứng dụng không thể chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến chất lượng hay nghĩa vụ thuế của các đối tác.
Nếu xác định Uber là loại hình “dịch vụ kinh doanh vận tải” và phải chịu sự quản lý của Bộ Giao thông vận tải; thì những ứng dụng khác như chia sẻ phòng ở hay người dân địa phương trở thành hướng dẫn viên du lịch sẽ chịu sự quản lý của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; ứng dụng gia sư trực tuyến sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép;…?. Đối với việc có hàng trăm ứng dụng mới ra đời hàng ngày như hiện nay thì liệu các cơ quan chức quan có thể phân chia và quản lý hết? Và nếu không quản lý nổi, thì giải pháp được đưa ra có phải là thủ tiêu cạnh tranh?
Ngay từ khi Uber mới bước vào thị trường Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng từng thẳng thắn nói, “người tiêu dùng được hưởng lợi, sao ta không hợp pháp hóa để quản lý, phải bỏ ngay tư tưởng không quản được thì cấm”.
Rõ ràng, nền kinh tế chia sẻ mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả đất nước. Với nền kinh tế chia sẻ, mọi người có thể có được thứ họ muốn một cách dễ dàng, hay cũng mở ra cơ hội gia tăng thu nhập. Đối với một quốc gia, việc cạnh tranh trong kinh tế sẽ thúc đẩy đất nước phát triển; dù thời gian đầu, những doanh nghiệp, cá nhân đang vận hành hình thức kinh doanh truyền thống có thể phản đối, nhưng chắc chắn họ sẽ phải thay đổi để không phải chịu quy luật đào thải của thị trường.
Bình luận