• Zalo

Cần chuẩn bị những gì cho mâm cỗ cúng rằm tháng 7?

Gia đìnhThứ Tư, 10/08/2022 11:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Mâm cỗ cúng rằm tháng 7 là một trong những mâm lễ được chuẩn bị công phu, chu đáo bậc nhất trong năm.

Vào ngày rằm tháng 7 âm lịch, các gia đình Việt đều làm lễ cúng gia tiên, thần linh để thể hiện sự tri ân, đồng thời cúng thí thực cho các cô hồn, thể hiện sự từ bi, thương xót đến những vong hồn cô đơn, đói rét.

Mâm cỗ cúng rằm tháng 7 cần những gì?

Lễ cúng rằm tháng 7 đầy đủ thường gồm mâm cúng Phật, mâm cúng gia tiên và mâm cúng cô hồn. Tuy nhiên, tùy điều kiện và quan điểm mà từng gia đình có thể điều chỉnh. Nhiều nhà chỉ làm 2 mâm, mâm trong nhà dành cúng gia tiên, thần linh và mâm ngoài trời cúng chúng sinh, cô hồn.

Mâm cúng Phật:  Chỉ cần chuẩn bị một mâm cơm chay hoặc một mâm ngũ quả đơn giản để cúng Phật, nên cúng vào ban ngày. Sau đó, mọi người thụ lộc ngay tại nhà.

Mâm cúng thần linh và gia tiên: Thường là cỗ mặn (hoặc chay, tùy gia đình). Mâm cỗ này thường được chuẩn bị tươm tất, gồm những món ăn ngon vẫn được dùng cho các ngày giỗ chạp, lễ tết như gà luộc, nem rán, giò chả, món xào, món nộm, xôi, cơm, canh... Điều quan trọng là các món ăn đa dạng, thực phẩm bổ dưỡng, tươi sạch. Ngoài ra còn có các loại trái cây.

Cần chuẩn bị những gì cho mâm cỗ cúng rằm tháng 7? - 1

Mâm cỗ cúng rằm tháng 7

Mâm cúng chúng sinh: Mục đích là bố thí cho những cô hồn vất vưởng, không thân thích, không nơi nương tựa, gồm có gạo, muối, cháo trắng, bỏng ngô, bỏng gạo, bánh kẹo, trái cây.             

Rằm tháng 7 cúng cỗ chay hay mặn?

Nhiều người quan niệm, Vu lan và xá tội vong nhân đều là quan niệm tín ngưỡng của Phật giáo, vì vậy cần cúng cỗ chay. Nhiều người khác cho rằng, mâm lễ cúng Phật và cúng chúng sinh nên làm cỗ chay, còn mâm cúng tổ tiên, thần linh thì làm cỗ mặn, hoặc chay mặn tùy ý.

Thực ra, việc làm cỗ chay hay mặn không phải là quy định cứng, nó tùy thuộc vào niềm tin, phong tục và cả hoàn cảnh, điều kiện thực tế của mỗi gia đình. Trong việc hương khói, yếu tố quan trọng nhất không phải cỗ bàn có gì mà là sự thành tâm.

Đại đức Thích Minh Quang - trụ trì chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam), nêu quan điểm về điều này: "Chay hay mặn thì theo cá nhân thầy phụ thuộc phong tục, tập quán của từng gia đình, địa phương. Ví như anh học Phật, anh muốn cúng chay nhưng vợ anh, bố mẹ, anh chị lại không muốn cúng chay. Vì mong muốn của bản thân mà gia đình phải cãi vã, bất hòa với nhau thì mâm cơm chay đó có còn thanh tịnh nữa không? Vậy nên hãy tùy thuộc vào từng hoàn cảnh. Thuận duyên thì mình cúng chay thanh tịnh, không thuận duyên mình có thể mua đồ chế biến sẵn khác lên cúng".

Minh Minh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp