Tết Thanh minh là ngày lễ quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, là dịp để con cháu hướng về cội nguồn và tưởng nhớ những người đã khuất trong gia tộc.
Ngày Tết Thanh minh là ngày mở đầu của tiết Thanh minh, đến sau Lập xuân 60 ngày. Năm 2024, Tết Thanh minh rơi vào thứ Năm ngày mùng 4/4 Dương lịch, nhằm ngày 26/2 Âm lịch.
Chuẩn bị gì để cúng Tết Thanh minh?
Cúng Tết Thanh minh ở đâu và chuẩn bị lễ vật gì là băn khoăn của không ít người. Theo truyền thống, các gia đình thường làm lễ cúng Tết Thanh minh tại phần mộ tổ tiên và tại nhà, do đó cần chuẩn bị 2 lễ.
Lễ cúng Thanh minh ở mộ
Lễ cúng Tết Thanh minh ở phần mộ tổ tiên có thể là lễ chay hoặc lễ mặn tùy từng điều kiện và truyền thống của mỗi gia đình. Các lễ vật gồm:
- Hương, đèn
- Chè, rượu, nước
- Trầu cau
- Tiền vàng
- Hoa quả
Mâm cỗ chay gồm: Xôi chè, oản chuối, bánh, nước, gạo muối, bỏng, chén mật ong. Mâm cỗ mặn ngoài những thứ trên có thêm rượu thịt, xôi, gà luộc hoặc khoanh giò.
Nếu có nhiều bát hương thì bát nào cũng phải thắp hương, còn lễ vật đặt trên bàn có thể chung. Cần sắp lễ vật gọn gàng, đựng các lễ vật bằng đĩa, khi bày trên mặt đất cần lót chiếu hoặc khăn và để tại nơi bằng phẳng trước khi thực hiện nghi lễ cúng.
Khi cúng xong, cần đợi hương cháy khoảng 2/3 thì lễ tạ, hóa vàng và xin lộc về nhà để làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà. Bài cúng nếu được viết ra giấy thì đọc xong cũng đem hóa.
Theo tục lệ của người Việt, trong dịp Thanh minh, mọi người mang theo xẻng, cuốc ra nghĩa trang để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy bỏ cỏ dại và những cây bụi mọc trùm lên mộ, tránh tình trạng rắn, chuột đào hang, làm tổ hay thu hút trâu bò đến phá, quấy rối, xâm phạm tới linh hồn người đã khuất.
Với những khu mộ đã xây, người ta quét dọn sạch sẽ, sau đó người tảo mộ thắp hương, đặt lễ để cúng mộ.
Không chỉ dâng mâm lễ cũng thắp hương cho phần mộ gia tộc mình, trong dịp Tết Thanh minh, người Việt còn giúp quét dọn, thắp hương cho những nấm mồ vô chủ hoặc ít người thăm viếng, thể hiện lòng thương cảm, chia sẻ... để người đã khuất được ấm lòng, đỡ cô đơn buồn tủi.
Lễ cúng Tết Thanh minh tại nhà
Mâm cơm cúng Tết Thanh minh không cần quá cầu kỳ, mâm cao cỗ đầy mà tùy vào điều kiện của mỗi gia đình hoặc phong tục tập quán của mỗi địa phương mà sắm sửa cho phù hợp, quan trọng là lòng thành của con cháu.
Mâm cỗ mặn cúng Tết Thanh minh tại nhà thường có:
- Xôi
- Gà luộc
- Canh măng
- Miến
- Món xào
- Một số lễ vật khác như: hoa quả, hoa tươi, trầu cau, vàng mã…
Các gia đình Phật tử thường chuẩn bị mâm cúng chay. Trong điều kiện không cho phép thì các gia đình có thể không nấu cỗ cúng Tết Thanh minh mà chỉ cần thắp hương, hoa tươi, trái cây, bánh kẹo…. để tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân tổ tiên.
Trước khi cúng Tết Thanh minh, cần dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng sạch sẽ, lau sạch bàn thờ gia tiên. Người cúng phải mặc quần áo sạch sẽ, chỉnh tề rồi lên hương, vái lạy tổ tiên và đọc văn khấn. Khi một tuần hương cháy hết thì gia đình có thể hóa vàng và xin thụ lộc.
Lưu ý khi đi tảo mộ Tết Thanh minh
Khi đi tảo mộ ngày Tết Thanh minh, bạn cần chú ý một số điều để bảo vệ sức khỏe và thể hiện lòng thành kính đối với những người đã khuất.
Đi tảo mộ khi trời còn sáng
Thời gian tốt nhất khi đi tảo mộ là những ngày ấm áp, tạnh ráo. Không nên đi quá sớm khi sương chưa tan hay quá muộn khi trời đã tối bởi lúc này không khí nặng nề, không tốt cho sức khỏe của người đi tảo mộ.
Tảo mộ với thái độ cung kính
Khi đi cúng tế và tảo mộ cần phải chân thành, trên đường đi nếu có mộ, dù đi hay đứng lại đều cần phải lễ độ cung kính. Trong quá trình tảo mộ không nên làm các mảnh đất vụn, đá vụn vương vãi, lộn xộn để tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Quan sát xung quanh mộ phần
Khi tảo mộ, cần chú ý sửa sang bốn phía của ngôi mộ, để tỏ lòng kính trọng với những người đã khuất, ngoài ra còn để ý xem xét tình hình của mộ. Mộ phần của tổ tiên cần được quét dọn cỏ dại, thêm đất mới và hoa tươi. Bạn cũng nên quét dọn cả phía sau mộ.
Khi tảo mộ, bạn không nên đi vào những nơi hẻo lánh để tránh nguy hiểm. Tốt nhất hãy đi theo lối mòn mà những người đi trước đã để lại.
Không giẫm đạp lên phần mộ người khác
Khi đi tảo mộ tuyệt đối không giẫm đạp lên mộ của nhà khác hoặc đá vào đồ cúng trên mộ của người khác. Gia đình có trẻ nhỏ nên chú ý trông chừng các bé cẩn thận.
Trẻ nhỏ, người ốm, phụ nữ mang thai hạn chế đi tảo mộ
Tất cả các thành viên trong gia đình đều có thể đi tảo mộ vì đây là dịp để mọi người quây quần bên nhau, cùng nhớ về người đã khuất. Tuy nhiên, trẻ nhỏ, người ốm yếu, phụ nữ mang thai không nên đi tảo mộ vì nghĩa trang là nơi có âm khí nặng, cơ thể yếu sẽ dễ bị nhiễm lạnh và khí độc ở nghĩa trang.
Những người sức khỏe yếu khi trở về nhà nên bước qua chậu than hoặc tắm nước lá bưởi để xua đi khí độc.
Bình luận