Công trình mới được Sun Group kết hợp với Frilli - gia tộc điêu khắc sinh ra để làm hài lòng các khách hàng khó tính nhất thế giới và Susan Leyland - nhà điêu khắc dành cả cuộc đời chỉ tạo ra các tác phẩm điêu khắc về ngựa. Một chốn dừng chân đặc biệt tại Việt Nam từng khiến cả thế giới trầm trồ, hứa hẹn sẽ tiếp tục làm nên kỳ tích du lịch mới khi mở cửa trở lại đón khách quốc tế, với những “bảo vật La Mã” hiện hữu ngay trên dải đất hình chữ S.
Gia tộc của những thiên tài điêu khắc
Frilli - nhà điêu khắc tượng được sáng lập bởi thiên tài điêu khắc Antonio Frilli đã dành 150 năm để theo đuổi một sứ mệnh: tái hiện lại các giá trị nghệ thuật với tất cả tinh thần của nó, để bất kỳ ai trên thế giới cũng được chiêm ngưỡng các bảo vật.
Năm 1860, tay nghề điêu luyện của Antonio Frilli trên những phiến đá cẩm thạch lấy từ vùng núi Carrara đã nổi danh thế giới, được trưng bày ở 3 lục địa. Ngay từ khi Đại học Stanford mới ra đời vào đầu thế kỷ 20, những bức tượng của Antonio đã được đặt trang trọng trong khuôn viên của trường.
Khi Antonio mất năm 1904, các thế hệ sau của nhà Frilli tiếp nối cơ ngơi và xây dựng lên một địa chỉ dành cho các khách hàng khó tính nhất thế giới. Lý do đơn giản: Antonio Frilli đã để lại cho con cháu các tiêu chuẩn cao nhất về điêu khắc.
Ngày nay, người ta tìm thấy tượng của Antonio ở các bảo tàng lớn và trở thành đề tài cho văn chương. Bức “Thiếu nữ khỏa thân trên võng” (Nudo disteso sull'amaca) của ông là tâm điểm của một cuốn tiểu thuyết cùng tên của Gary Rinehart. Tác phẩm Cổng thiên đường của Michelangelo ở Florence ngày nay mà hàng triệu du khách ngắm nhìn, chính là một phiên bản do nhà Frilli tái hiện. Bản thật đang được bảo quản nghiêm ngặt tại bảo tàng.
Mang thế giới đến Việt Nam
Năm 2018, Trường đua Ascot - ngôi đền của môn đua ngựa nước Anh, nơi các công nương và hoàng tử gặp gỡ mỗi mùa hè, muốn đúc một tượng đài cho những chú ngựa đã phục vụ Vương quốc Anh trong Thế chiến thứ Nhất. Họ tìm đến một cái tên đặc biệt, gần như không bao giờ xuất hiện trên truyền thông: Susan Leyland. Bà là một chuyên gia về giải phẫu và điêu khắc ngựa, và cả cuộc đời chỉ tạo ra các tác phẩm điêu khắc về ngựa.
Tượng đài ngựa ở Trường đua Ascot được đúc với chi phí lên đến 300.000 bảng Anh (tương đương hơn 9,5 tỷ đồng). Nhưng chưa hết: phiên bản thu nhỏ của nó cũng được đúc giới hạn 100 bản, bản 01 tặng cho Nữ hoàng Anh, số 10 trưng bày ở Phố Downing nơi đặt văn phòng Thủ tướng, còn lại được đấu giá để làm từ thiện.
Bạn sẽ không thể tìm thấy Susan Leyland trên Wikipedia, nhưng người ta hay kể về bức tượng ngựa ở Ascot để mô tả đẳng cấp của nhà điêu khắc gia này.
Và Susan Leyland đã điêu khắc những chú ngựa tại Đà Nẵng, trong một công trình mang tính biểu tượng mới của du lịch Việt Nam: Thác Thần Mặt trời tại Sun World Ba Na Hills. Chỉ riêng cái tên của Susan đã đủ để bảo chứng độ cầu kỳ trong thi công của dự án này.
Tiếp theo Cầu Vàng, Thác Thần Mặt trời là một chương mới của nỗ lực “mang Thế giới về Việt Nam và đưa Việt Nam ra thế giới” của tập đoàn Sun Group, với sự giúp sức của Frilli Gallery - những người mang tiêu chuẩn rất cao về “tái hiện” các tác phẩm nghệ thuật và “kỳ tài” Susan Leyland.
Thác nước của Thần Mặt trời
Thác Thần Mặt trời tại Sun World Ba Na Hills là một quần thể 43 bức tượng với chủ đề huyền thoại Hy Lạp, trong đó phần lớn là sự tái hiện các tác phẩm đang được lưu giữ tại những bảo tàng lớn trên thế giới. Riêng cụm tượng trung tâm, thần mặt trời Helios trên cỗ xe được kéo bởi năm chú ngựa, được Frilli đặt riêng từ Susan Leyland.
Trên cỗ xe của mình, Thần mặt trời Helios được bao quanh bởi 7 tượng thần Vệ nữ (Venus) khác nhau và hàng loạt vị thần quan trọng khác của thần thoại La Mã như Bacchus (Thần rượu nho), Apollo (vị thần của tri thức và nghệ thuật) hay Athena (Nữ thần của trí tuệ và chiến tranh).
Trong hơn một thế kỷ, Frilli đã thu thập khuôn mẫu chính xác của những bảo vật vô giá này, và tái hiện chúng bằng tay nghề của các thợ thủ công. Để tạo ra ánh sáng vàng trên các bức tượng, Frilli sử dụng một loạt hợp kim màu vàng đặc biệt được cấp bằng sáng chế. Mặc dù đã có 150 năm kinh nghiệm, đây là lần đầu tiên Frilli Gallery sử dụng hợp kim đặc biệt này cho một dự án lớn như vậy.
Nhưng bất chấp vật liệu được tạo ra bằng công nghệ hiện đại, kỹ thuật đúc các tác phẩm điêu khắc bằng đồng này vẫn là kỹ thuật truyền thống cổ xưa. Kỹ thuật của người thợ thủ công này được gọi là “đúc đồng bằng sáp” (lost wax bronze casting).
Mất ít nhất là 7 công đoạn khác nhau để tạo ra một bộ đúc đồng bằng sáp: từ tạo khuôn silicon, tạo mẫu bằng sáp, đến đúc, đánh bóng và đục, và xử lý lớp gỉ cuối cùng, việc tạo ra một tác phẩm điêu khắc có thể mất tới 3 tháng. Giai đoạn đổ đồng vào khuôn cần đến những bàn tay thợ kinh nghiệm nhất: hợp kim đồng màu vàng là một loại đồng rất nhớt ở giai đoạn lỏng.
Bất kỳ một người yêu cái đẹp nào cũng mơ ước được một lần ngắm nhìn các kiệt tác của nhân loại, như hệ thống tượng Venus của người La Mã tại Louvre, Pháp hay thần Helios trên cỗ xe vàng trên đền Athena ở Hy Lạp. Đó sẽ là một hành trình dài hàng chục nghìn cây số. Nhưng Frilli Gallery – với tất cả sự cẩn mật của bậc thầy điêu khắc - tái hiện những giá trị đó đến từng đường nét tại Sun World Ba Na Hills.
Khi khách du lịch và bạn bè quốc tế đặt chân đến Đà Nẵng mùa du lịch năm nay sau một thời gian dài xa cách vì dịch COVID-19, hết thảy sẽ ngỡ ngàng: du lịch không chỉ hồi sinh, mà thực sự thăng hoa trên vùng núi Chúa. Một biểu tượng du lịch mới đã được tâm huyết tạo nên, để viết nên chương mới tươi sáng cho thành phố xinh đẹp này, và tiếp tục ghi dấu ấn Việt Nam trên thế giới.
Bình luận